Minamino đến Liverpool: Hành trình của khổ luyện, của cả nền bóng đá Nhật Bản & chuyện cầu thủ Việt
Những cầu thủ trẻ đào hoa bậc nhất của bóng đá Việt Nam: Quang Hải góp mặt / CHÍNH THỨC: Tuyển thủ Nhật Bản ký hợp đồng 4 năm rưỡi với Liverpool
1. Thời điểm ấy là 3 tháng sau khi Manchester United vừa chia tay Sir Alex Ferguson, và vị thuyền trưởng David Moyes tội nghiệp đang đem quân đi đá giao hữu với đầy đủ các hảo thủ như Van Persie, hay các cựu thần như Ryan Giggs, Ferdinand. Kết quả hôm đó, MU bị CLB vô danh đến từ Nhật Bản cầm hòa với tỉ số 2-2. Người ghi bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 bằng một cú cứa lòng tuyệt đẹp từ ngoài vòng cấm cho Cerezo Osaka lúc ấy mới chỉ 18 tuổi, đẹp trai thư sinh như một công tử bước ra từ truyện Tsubasa, tên cậu bé ấy chính là Takumi Minamino.
Bảo vật của bóng đá Nhật Bản đã bắt đầu hành trình của mình đẹp như một câu chuyện được viết từ truyện tranh, và đẹp như chính khuôn mặt manga được khắc lên anh.
Ba năm thi đấu ở J-League, 5 năm xa nhà và miệt mài khẳng định bản thân ở CLB Red Bull Salzburg. Và đến ngày được Liverpool mở lời, ngôi sao mai ngày nào giờ sắpbước vào tuổi 25, độ tuổi đẹp nhất của sự nghiệp cầu thủ. Liverpool đã chọn đặt vấn đề với một sự cân nhắc rất cao về chuyên môn, sự thích ứng với môi trường Châu Âu của cầu thủ người Nhật Bản. Chưa kể còn có một chi tiết thú vị vừa được phát hiện đó là Minamino là học trò của HLV Ralf Ragnick, người cũng là thầy của Roberto Firmino, Naby Keita, Joel Matip và Sadio Mane.
Nhưng điều thứ hai không thể không bàn đến, đó đương nhiên là tính thương mại dành cho một cầu thủ Châu Á. Điều giúp cho Minamino được Liverpool để mắt chứ không phải là Sardar Azmoun của Iran. Không xét đến Son Heung Min, tiền đạo đẹp trai cao 1m86 này theo tôi mới là tiền đạo tốt nhất và "tây" nhất của Châu Á. Nhưng anh là người Iran - đất nước công khai đối đầu với Mỹ và Tây Âu. Đừng bảo rằng bóng đá bỏ ngoài chính trị và thương mại.
Minamino trông như một nhân vật bước ra từ truyện tranh Nhật Bản
Quay lại chuyện Minamino, trước khi đặt vấn đề với anh, Liverpool đã là CLB sở hữu lượng fan cực kỳ đông đảo tại Châu Á, và thị trường Châu Á xưa nay luôn là miếng mồi béo bở của các CLB tại nước Anh (điển hình là các tour lưu diễn mỗi mùa hè). Trong trường hợp Liverpool mua được Minamino, “Lữ đoàn đỏ” chẳng khác gì dát thêm vàng cho thương hiệu của họ ở xứ mặt trời mọc.
John Arne Riise, cựu cầu thủ nổi tiếng của Liverpool từng kể “Cả Na Uy chỉ biết có hai đội bóng đó là Liverpool và Manchester United, đơn giản vì hai đội này có tôi và Solskjaer”. Điều đó nói lên, giá trị của việc mua về một cầu thủ người Nhật Bản sẽ xoay trục thị trường đến mức nào. Trong quá khứ, Manchester United đã nhìn ra trước và từng mang về Park Ji Sung lẫn Kagawa. Bây giờ, là thời của Liverpool và đến lượt họ nhanh nhẹn.
2. Nhiều người nhắc đến Minamino với các cuộc đối đầu với Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng thuở 18, 19 tuổi. Điều đó không sai, nhưng thay vì giật tít theo kiểu "thấy người quen bắt quàng làm họ", ta có thể lấy được nhiều bài học cuộc sống ở đấy. Minamino sinh năm 1995, như vậy là cùng tuổi với lứa thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam bây giờ. Nhưng hãy xem lịch sử đối đầu của Takumi Minamino nhé.
Tại vòng chung kết U16 châu Á tổ chức tại Uzbekistan, Takumi lập cú đúp trong chiến thắng 6-0 của U16 Nhật Bản trước U16 Việt Nam. Tại U19 Quốc Tế mở rộng năm 2014, lại thêm một cú đúp nữa giúp Nhật Bản thắng 7-0 khi cả nước đang ngất ngây quay lại sân với U19. Tại vòng loại U23 châu Á, Minamino lại đóng góp một kiến tạo, giúp U23 Nhật Bản hạ U23 Việt Nam 2-0. Tại cấp độ đội tuyển quốc gia, Minamino cùng tuyển Nhật đánh bại Việt Nam ở tứ kết Asian Cup 2019 vừa rồi. Bạn thấy đấy, anh ta đã đối đầu với Việt Nam tròn 10 năm, từ năm 16 tuổi đến năm 25 tuổi, và lần nào anh ta cũng chiến thắng.
Tân binh của Liverpool đã nhiều lần đối đầu với Việt Nam
Vấn đề 16, 19 tuổi gặp nhau, đó cũng giống như người bạn thơ ấu chăn trâu, thằng bạn học cùng lớp, cậu bạn, cô bạn hồi đại học, hay một kẻ từng chơi với bạn ngày vô danh. Cuộc sống này đặc biệt ở chỗ không phải vì xuất phát điểm giống nhau mà đến đích cùng nhau. Chơi cùng nhau ngày bắt đầu không phải là thước đo cho sự phát triển khi những kẻ vô danh cùng dắt tay ngoài xã hội.
Nhiều người không chấp nhận điều đó và xem thành công của người quen là sự may mắn. Họ không hiểu cuộc sống vốn là sự chọn lọc tự nhiên. Việc một cá nhân phát triển hơn so với bạn bè cùng trang lứa ngoài tiềm năng của bản thân họ, hay môi trường, đó còn đến từ sự khổ luyện, hướng đi, cho đến ngày "vượt vũ môn hóa rồng" khi có đủ điều kiện. Như Minamino dù được đánh giá là thần đồng từ rất sớm lại đi một hành trình dài của sự khổ luyện, cùng một sự phát triển mang tính bền vững rất cao, với từng bước chân từ nhỏ đến lớn. Từ U16, U19 đến ĐTQG, từ Osaka, Salzburg đến Liverpool. Không hề có sự đốt cháy giai đoạn trong ấy.
Và giờ anh ta ở Liverpool.
Đó cũng chính là khoảng trời của Việt Nam và Nhật Bản.
Nhưng không phải vì thấy bóng trời đó mà ta buông xuôi hay buông lời tự ti. Bước chân đặt xuống Anfield của Minamino chính là những gì mà "vua Kazu", hay Nakata, Nakamura, Honda, hay Kagawa... đã vất vả bước đi và cày xới nó thành một con đường cho hậu bối đến nơi này.
King Kazu là người mở ra thành công ngày hôm nay cho bóng đá Nhật Bản
3.Phát sinh bằng một câu chuyện cũ: 37 năm về trước, ở Nhật Bản có một cậu bé 15 tuổi bỏ nhà ra đi và đáp chuyến bay một mình đến Sao Paulo, Brazil - thánh đường bóng đá thế giới. Cậu bé ấy có 7 năm ở Brazil, lưu lạc qua 7 đội bóng, sống bằng nghề hướng dẫn viên, ngủ ở khu tệ nạn đĩ điếm và ma túy.
Bảy năm, cậu không làm được nhiều thành tích bóng đá nào đáng kể. Nhưng người Nhật Bản tôn trọng cậu, yêu quý cậu, và hạnh phúc vì những gì cậu đã mở đường, tự hào với những gì cậu đã làm được.
Thất bại ư? Đó không phải là điều đáng quan tâm nhất. Quan trọng là cậu đã cho thấy người Nhật Bản dám nghĩ lớn, dám làm lớn. Và truyền thông Nhật đã biến cậu ấy thành một niềm cảm hứng để nền bóng đá "đi ra biển". Cậu bé ấy chính là Miura Kazuyoshi, tức "King" Kazu, nguyên mẫu của nhân vật Tsubasa, vị vua của cả nền bóng đá xứ mặt trời mọc, là một trong những người đã tạo nên nền bóng đá Nhật Bản của hôm nay.
Công Phượng có thể thất bại, Văn Hậu cũng có thể. Nhưng không có Văn Hậu, Công Phượng sẽ không có Minamino của Việt Nam trong vài thập niên nữa.
Cứ mơ đi, vì tiềm năng của người Việt Nam đủ lớn để mơ điều đó. Dẫu cho những suy nghĩ tủn mủn, lũy tre làng, đố kỵ, khôn lỏi...những tật xấu có tính truyền thống của người Việt có thể kéo chậm nó đi trên chuyến tàu lịch sử.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công Phượng gây sốt tại Bình Phước, HLV Kim Sang Sik có quyết định bất ngờ về danh sách ĐT Việt Nam
HLV Kim Sang Sik nhận 'tối hậu thư', ĐT Việt Nam nguy cơ dừng bước sớm ở AFF Cup 2024
Sếp lớn VFF từ chức trước AFF Cup 2024, kế hoạch của HLV Kim Sang Sik cùng ĐT Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Không phải Viktor Gyokeres, xác định ngôi sao Sporting Lisbon được Ruben Amorim đưa về Man United
HLV Kim Sang Sik gây sốc trước AFF Cup 2024, ĐT Việt Nam chính thức có HLV mới
Man United nẫng tay trên Real Madrid, HLV Amorim chiêu mộ thành công chân sút cả châu Âu săn đón?