Ngọc nữ "triệu người mê" của thể thao Trung Quốc: Khí chất phi phàm, song nỗi đau dai dẳng
Simeone và Tuchel: Hai con đường, hai triết lý đối lập / Pep nói gì sau khi Man City thắng 18 trận liên tiếp?
Ở tuổi mười lăm, Huệ Nhược Kỳ từng cực kỳ bối rối để lựa chọn, bởi ước mơ từ bé của cô là đỗ phải trường đại học hàng đầu Trung Quốc, thành đạt bằng con đường học vấn chứ không phải bằng nhan sắc trời ban của mình. Mà quả thật, dù phải tập bóng chuyền với cường độ cao, song cô học cực giỏi.
Cha cô - một người đàn ông thành đạt, không hề ép uổng con gái vào con đường mình mong muốn, thay vào đó động viên Huệ Nhược Kỳ rằng nếu nỗ lực hết mình, cô có thể ghi tên mình vào đội tuyển quốc gia, dùng tài năng bóng chuyền của mình để phục vụ đất nước bằng cách đem về vinh quang trên đấu trường quốc tế. Nhờ cha, cô đã chọn được con đường cho mình, đầy vinh quang, nhưng cũng không thiếu những đớn đau.
Sau màn trình diễn xuất sắc của cô ở mùa giải 2006/07, CLB bóng chuyền nữ Giang Tô giành vị trí thứ ba toàn quốc. Năm 2007, khi mới có 16 tuổi, Huệ Nhược Kỳ lần đầu tiên được gọi lên đội tuyển quốc gia.
Olympic 2008 được tổ chức tại Bắc Kinh, Huệ Nhược Kỳ không được tham dự bởi còn quá trẻ, chưa đủ sự ổn định về tinh thần và quan trọng nhất là thể lực chưa đủ bùng nổ để được chọn.
Một năm sau - năm 2009, Huệ Nhược Kỳ lần đầu tiên được tham dự một giải đấu quốc tế - Montreux Volley Master, và ngay lập tức đạt được thành tích vận động viên xuất sắc nhất giải. Năm 2010, cô gặp chấn thương lớn đầu tiên trong sự nghiệp ở giải FIVB World Grand Prix Macao, trật khớp vai trái trong một pha cứu bóng ở trận gặp Hà Lan. Huệ Nhược Kỳ chấn thương, bóng chuyền nữ Trung Quốc gặp khủng hoảng, rơi xuống vị trí thứ 10 thế giới.
Trở lại sau chấn thương, cô trở lại với vai trò cánh chim đầu đàn của đội tuyển bóng chuyền nữ Trung Quốc. Song dù cho Huệ Nhược Kỳ cực kỳ xuất sắc, thì Trung Quốc vẫn phải gánh hai thất bại lớn, tại Olympic 2012 và giải bóng chuyền nữ châu Á 2012 - bằng thất bại trước Thái Lan.
Một năm sau, Huệ Nhược Kỳ chính thức đeo chiếc băng đội trưởng đội tuyển bóng chuyền nữ Trung Quốc trên tay, dẫn dắt các đồng đội đoạt chiếc HCB giải VĐTG 2014 cùng chức vô địch giải châu Á 2015.
Đang trên đỉnh cao sự nghiệp, Huệ Nhược Kỳ nhận tin sét đánh khi tim của cô có vấn đề, khi nhịp đập của tâm thất trên nhanh bất thường. Phải lên bàn phẫu thuật, cô bỏ lỡ cơ hội ở giải đấu World Cup 2015.
Tháng Ba năm 2016, thêm lần nữa bệnh tim của cô tái phát, phải phẫu thuật lần thứ hai. Ca phẫu thuật thành công, song ngày ấy, chỉ có cha mẹ cô mới biết cô con gái của mình từng gần với Quỷ môn quan đến thế nào. Suýt chút nữa cô đã mất mạng trong ca mổ ấy.
Không ai nghĩ Huệ Nhược Kỳ có thể trở lại. Ấy vậy mà chỉ vài tháng sau ca phẫu thuật, với sự nỗ lực tập luyện phi thường của mình, cô đã trở lại dẫn dắt các đồng đội ở Olympic London 2016. Với Huệ Nhược Kỳ, tấm huy chương vàng Olympic là đích đến cao nhất của cả cuộc đời. Cô có thể chết trên sàn đấu để giành được vinh quang này về cho Trung Quốc.
Khát vọng ấy của Huệ Nhược Kỳ rốt cuộc cũng thành hiện thực, đem về tấm huy chương vàng vinh quang cho bóng chuyền nữ Trung Quốc. Một năm sau, cô cùng CLB bóng chuyền nữ Giang Tô giành chức vô địch quốc gia. Đây cũng là chức vô địch quốc gia đầu tiên của CLB này. Những giấc mơ tuyệt vời nhất của Huệ Nhược Kỳ đã trở thành hiện thực.
Ngày 3/2/2018, sau 18 năm chơi bóng chuyền chuyên nghiệp, Huệ Nhược Kỳ tuyên bố giải nghệ. Với bóng chuyền nữ Trung Quốc, cô được nhớ đến với tư cách đội trưởng thành công nhất của đội tuyển quốc gia.
Gần 3 tháng sau quyết định giải nghệ, Huệ Nhược Kỳ kết hôn với bạn trai là bác sĩ, để lại bao nỗi tiếc nuối cho các chàng trai thầm thương trộm nhớ cô.
Chia tay bóng chuyền, song Huệ Nhược Kỳ vẫn thường xuyên tham dự các chương trình hỗ trợ cho bóng chuyền nữ Trung Quốc, đồng thời thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, cũng như các tạp chí thời trang. Đằng sau sắc đẹp "triệu người mê", Huệ Nhược Kỳ cũng hoàn thành được sở nguyện ngày còn nhỏ của mình, với học vị tiến sĩ của đại học Sư phạm Nam Kinh. Cô còn bỏ ra 50 triệu NDT để thành lập "Quỹ phát triển bóng chuyền nữ Huệ Nhược Kỳ", hỗ trợ cho các vận động viên bóng chuyền nữ Trung Quốc.
Kết hôn đã gần 3 năm, song Huệ Nhược Kỳ vẫn chưa thể có con. Thẳng thắn trả lời báo chí, cô nói rằng mình rất yêu trẻ con và khao khát có con, song sức khỏe của cô chưa cho phép. Trên vai trái cô vẫn còn 6 chiếc đinh thép - hậu quả của chấn thương vai ngày nào, còn trái tim cô vẫn chưa thể tìm lại được nhịp đập bình thường.
Cô vẫn mong một ngày nào đó, khi sức khỏe cho phép, sẽ được làm mẹ, chào đón những thiên thần nhỏ của riêng mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo