Thể thao

Nguyên nhân khiến Chelsea trượt khỏi quỹ đạo: Trò sa sút, thầy thoái thác

230 triệu bảng đã được chi ra trong mùa Hè vừa qua để Chelsea nâng cấp đội hình. Nhưng chẳng những không thi đấu tốt hơn mùa trước, The Blues còn đang đi lùi. Có nhiều nguyên nhân đẩy đội bóng này tới tình cảnh hiện tại, sau đây là các nguyên nhân nổi bật nhất.

Luke Shaw được so sánh với Roberto Carlos / Kepa lại 'tấu hài' với bàn thua khó đỡ

Những tân binh lạc loài

Những tân binh đắt giá như Timo Werner, Kai Havertz, hay thậm chí cả Ben Chiwell không đóng góp được nhiều cho lối chơi chung. 8 trận gần nhất tại Premier League, Chelsea thua tới 5. Lúc này, chưa bàn tới khả năng vô địch, cơ hội dự Champions League mùa sau với họ cũng đã rất mong manh khi khoảng cách với Top 4 đã là 5 điểm và Chelsea chưa có dấu hiệu cải thiện nhiều về chất lượng lối chơi.

Và chắc chắn, sự nhạt nhòa của Werner hay Havertz đóng góp một phần nguyên nhân chính. Cùng đến từ Đức, nơi có môi trường thi đấu dễ thở hơn Premier League nhiều lần, dễ hiểu tại sao hai tuyển thủ Đức bị ngợp và chưa thể thích nghi. Như chính Werner tâm sự rằng khi ra sân thi đấu cho Chelsea, anh không có thời gian để xử lý bóng như hồi còn khoác áo Leipzig bởi các đối thủ ập vào quá nhanh.

HLV Lampard cũng nhìn ra vấn đề của Kai Havertz, ông thừa nhận: “Đúng là Kai đang gặp vấn đề về thể lực khi thi đấu tại đây. Chúng tôi sẽ phải giúp anh ấy cải thiện điểm yếu này. Thực ra Kai cũng từng dính Covid-19 nên chúng tôi hoàn toàn thông cảm cho cậu ấy. Đây là cầu thủ tài năng và bạn phải kiên nhẫn với cậu ấy”.

Hàng phòng ngự bị xáo trộn

Từ đầu mùa, trừ Eduardo Mendy, Kurt Zouma và Thiago Silva, Chelsea đã thay thế khá nhiều vị trí trong hệ thống phòng ngự. Cesar Azpilicueta từ chỗ chắc chân ở vị trí hậu vệ phải nay đã bị Reece James đẩy lên ghế dự bị, Andreas Christensen thường xuyên đá chính từ đầu mùa, nhưng anh chỉ ra sân thêm 1 trận nữa kể từ tháng 10/2020 đến nay. Ngược lại, Antonio Ruediger từng có giai đoạn như “người thừa” tại The Blues thì nay dần được trao lại suất đá chính.

Có lẽ việc xoay vòng liên tục khiến các hậu vệ Chelsea mất đi tính kết dính trong việc hỗ trợ cho nhau. Đúng là Chelsea từng có giai đoạn trải qua 5 trận không thủng lưới kéo dài từ 21/10 đến 5/11/2020, nhưng giai đoạn đó gắn liền với Silva và thủ thành Eduardo Mendy.

Thời gian gần đây, khi Silva sa sút về thể lực do phải cày ải quá nhiều, còn Mendy bắt đầu tỏ ra bị tâm lý, Chelsea phải xoay vòng nhiều vị trí và họ lập tức không còn là chính mình. Chelsea đứng thứ 9 trên BXH về điểm số nhưng về bàn thua, họ nhiều hơn cả 3 đội xếp sau là Arsenal, Southampton và Burnley. Rõ ràng khi hàng công sa sút, Chelsea cũng đánh mất luôn điểm tựa hàng thủ khiến thành tích xuống dốc không phanh.

Chelsea sa sút một phần do các tân binh đắt giá như Timo Werner (giữa) hay Kai Havertz ((trái) chưa hòa nhập và HLV Lampard (phải) trốn tránh trách nhiệm

Chelsea sa sút một phần do các tân binh đắt giá như Timo Werner (giữa) hay Kai Havertz ((trái) chưa hòa nhập và HLV Lampard (phải) trốn tránh trách nhiệm.

HLV Lampard trốn tránhtrách nhiệm

Những phát biểu gần đây của Lampard sau mỗi trận đấu không thành công của Chelsea được nhận định là “thiếu bảo vệ học trò”. Sau trận thua Wolves, Lampard nói thẳng: “Các cầu thủ đã thi đấu không tốt”. Sau trận thua Arsenal, Lampard chỉ trích các cầu thủ lười biếng: “Họ có cố gắng nhưng như thế là không đủ. Sau khi bị thủng lưới, chúng tôi đã phản công lại. Các cầu thủ đã nỗ lực, nhưng tại sao họ không làm thế từ đầu? Nếu cứ ra sân mà chỉ chơi với 60, 70% khả năng thì bạn đừng mong thắng được trận nào tại Premier League”.

Đến thất bại 1-3 trước Man City, HLV Lampard cũng có những phát biểu mà ở đó, người ta không nhận thấy ông chịu trách nhiệm. Khác với HLV Klopp, người vừa nhận mọi sai sót trong trận Liverpool thua Burnley với tỷ số 0-1 ở vòng 18, Lampard rất hiếm khi bảo vệ cầu thủ. Theo các chuyên gia nhận định, nhiều học trò của vị HLV 42 tuổi này bắt đầu tỏ ra không phục và khi ấy, khó có chuyện họ là chính mình trên sân.

Những việc làm ấy cũng khiến cho nội bộ Chelsea bị chia rẽ.

Phung phí các gương mặt cũ

Việc mua toàn “hàng xịn” khiến Chelsea gặp khó trong kế hoạch sử dụng những cầu thủ còn lại ở đội bóng. Họ không thể thanh lý Alonso, Ruediger, Kepa… Và đó là sự lãng phí lớn. Vì khi những tân binh đắt giá Havertz, Werner, Ziyech… chưa thể hòa nhập với lối chơi chung, Chelsea rất cần các cựu binh tỏa sáng, trước là để cứu nguy đội bóng, sau là để kích thích sự nỗ lực của các tân binh, nhưng hiếm người làm được điều này. Có chăng là Giroud, Abraham hay Mount.

Các chuyên gia nhận định Lampard đang lãng phí nguồn tài nguyên có trong tay. Điều này xem ra nằm ở vấn đề thiếu kinh nghiệm của nhà cầm quân 42 tuổi này. Không thể trách được Lampard, vì ông vẫn cần thêm thời gian để tôi luyện, nhưng liệu Chelsea có cho vị HLV này thời gian như mong muốn?

 


Chelsea đấu đại chiến rất tệ

Chelsea đã thi đấu rất kém các đối thủ ở cuộc đua tốp đầu. Gặp Man United, họ hòa nhạt nhẽo 0-0, gặp Tottenham cũng là trận hòa 0-0, trước Liverpool là thất bại 0-2, rồi tỷ số ấy lặp lại khi gặp Leicester. Họ cũng thua Man City 1-3 và Everton 0-1. Sau lượt đi, Chelsea chỉ có 2 điểm với 2 trận hòa và 4 thất bại, ghi vẻn vẹn 1 bàn trong 6 trận gặp các đối thủ ở Top 6 hiện tại.

1,67. Đây là điểm số trung bình/trận mà HLV Lampard giành được cho Chelsea tại Premier League. Như vậy, Lampard là HLV tệ thứ 4 trong lịch sử The Blues. Con số 1,67 điểm/trận của ông chỉ hơn những Glenn Hoddle, Ian Porterfield và Ruud Gullit.

Clip các bàn thắng đẹp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm