Nhà lãnh đạo Kim Jong Un và tham vọng đào tạo 'Messi' cho Triều Tiên
M.U mất 10 cầu thủ trước trận Crystal Palace / Anh Đức dự bị, Bình Dương chia điểm với nhà vô địch Indonesia
Trước nay, thông tin về bóng đá Triều Tiên được biết đến rất hạn chế. Khi nhắc tới đội tuyển quốc gia CHDCND Triền Tiên, người ta gần như chỉ nói qua về một vài thông tin như việc họ từng gây sốc khi loại Italia khỏi World Cup 1966 hay như việc đội tuyển Triều Tiên góp mặt ở World Cup 2010.
Nhưng trong những năm qua, nhà lãnh đạo của Triều Tiên, Kim Jong Un đã có tư tưởng cởi mở hơn với thế giới. Vì thế, những câu chuyện thú vị liên quan tới bóng đá ở đất nước bí ẩn này cũng dần được hé lộ…
Bóng đá là… nhiệm vụ chính trị
Jorn Andersen vẫn là cái tên xa lạ với nhiều người. Nhưng đó là cái tên đánh dấu sự thay đổi mang tính lịch sử bóng đá Triều Tiên. Vị HLV người Na Uy này là HLV nước ngoài đầu tiên tới làm việc ở đất nước bí ẩn này.
Việc thuê HLV nước ngoài để dẫn dắt đội tuyển quốc gia cho thấy tư duy của những nhà lãnh đạo Triều Tiên (đứng đầu là Chủ tịch Kim Jong Un) đã cởi mở hơn. Nó cho thấy khát vọng đưa nền bóng đá Triều Tiên bay cao trên đấu trường quốc tế.
Thực tế, nhà lãnh đạo Kim Jong Un là người rất đam mê thể thao (đặc biệt là bóng đá). Tại một cửa hàng sách tiếng Anh duy nhất ở thủ đô Bình Nhưỡng, nơi lưu trữ những bản dịch bài phát biểu của gia tộc họ Kim, người ta tìm thấy bức thư của Chủ tịch Kim Jong Un với nhan đề: "Mở ra thế hệ vàng trong việc xây dựng sức mạnh thể thao, dựa trên tinh thần cách mạng của Paektu (Paektu là địa danh lịch sử, nơi trở thành thành trì của quân đội do lãnh tụ Kim Il Sung đứng đầu).
Trong bức thư này, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhấn mạnh: "Thể thao đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, củng cố sức mạnh của quốc gia và tiếp thêm ánh sáng vào uy tín, danh dự của quốc gia, truyền niềm cảm hứng cho mọi người với niềm tự hào dân tộc và góp phần xây dựng xã hội với khí phách cách mạng.
Những VĐV nên coi chương trình đào tạo, tập luyện của mình là mệnh lệnh chiến đấu. Đấu trường huấn luyện của họ sẽ như chiến trường".
Cũng bởi lẽ đó, kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đầu tư mạnh mẽ vào bóng đá (cả nam lẫn nữ). Các chương trình đào tạo thể chất trong trường học cũng tập trung nhiều hơn vào phát triển bóng đá. Mỗi trường học cần có một đội bóng đá riêng. Để từ đó, những cá nhân xuất sắc sẽ được phát hiện và đưa lên đào tạo ở cấp cao hơn tại Trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng.
Kim, một trong những người tham gia dự án này phát biểu: "Mỗi tỉnh có 50 trường. Như vậy, ở đó sẽ có 50 đội bóng đá riêng. Chúng tôi đến mỗi tỉnh để tìm kiếm những nhân tài từ các trường học".
Thậm chí, những thư viện ở các trường học này đầy ắp những quyển sách, tạp chí về bóng đá. Lý thuyết về bóng đá cũng được đưa vào giảng dạy ở một số trường.
Xin được nói thêm về Trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng. Đây là ngôi trường cao cấp được ra đời vào năm 2013 với cơ sở vật chất khá hiện đại. Chủ tịch Kim Jong Un hy vọng có thể tìm được những được "hạt giống tốt" từ ngôi trường này, để tìm ra những siêu cầu thủ như Messi trong tương lai cho bóng đá Triều Tiên.
Thế nhưng, khác với "sự chăm chút" dành cho bóng đá trẻ, giải VĐQG Triều Tiên vẫn còn khá nghiệp dư. Theo lời kể của cựu HLV người Na Uy, Jorn Andersen thì đây là "giải đấu bí ẩn". Trong những năm qua, họ chưa có giải đấu đủ mạnh, với quy mô lớn.
Lịch thi đấu không được công bố. Thay vào đó, nó chỉ được thông báo bên ngoài SVĐ 1 ngày trước khi trận đấu diễn ra. Cả giải VĐQG nam và nữ nước này chỉ được quy tụ ở giải đấu diễn ra trong vòng 2 tháng. Bởi lẽ đó, đội bóng "25 tháng 4" (đội bóng của quân đội Triều Tiên) gần như không có chút dấu ấn ở đấu trường quốc tế dù đã thống trị bóng đá Triều Tiên trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Jorn Andersen thì những nhà lãnh đạo của Triều Tiên luôn ưu tiên cho ĐTQG. Thông thường, các cầu thủ chỉ tập trung ở ĐTQG trước mỗi giải đấu lớn, còn lại họ thuộc quyền quản lý của CLB chủ quản. Tuy nhiên, ở Triều Tiên, các cầu thủ chỉ tập trung về CLB vào cuối tuần (khi có trận đấu). Còn lại, họ tập luyện cùng HLV Jorn Andersen như khi làm việc ở CLB.
Gửi những "hạt giống" ra nước ngoài
Như đã nói ở trên, Chủ tịch Kim Jong Un đang dần có tư duy mở hơn với thế giới. Vì vậy, ông đã "tìm đường" để đưa những ngôi sao triển vọng của bóng đá Triều Tiên ra nước ngoài thi đấu.
Theo nguồn tin từ Bleacher Report, nhà lãnh đạo của Triều Tiên đã ký thỏa thuận với trung tâm ISM (trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của Italia) thông qua sự giới thiệu của Antonio Razzi (thượng nghị sĩ người Italia). Hàng chục cầu thủ trẻ của bóng đá Triều Tiên đã được gửi tới đào tạo ở trung tâm này.
Trong đó, Han Kwang Song chính là cầu thủ tiêu biểu nhất. Sau khi tốt nghiệp lò đào tạo ISM, tiền đạo sinh năm 1998 này đã lọt vào tầm ngắm của CLB Cagliari. Hiện tại, anh đang thi đấu cho Perugia ở hạng Hai Italia. Choe Song Hyok là ví dụ khác. Cầu thủ này thậm chí đã được tập luyện ở lò Fiorentina (những không được ký hợp đồng vì một vài lý do). Hiện tại, anh cũng đang chơi bóng ở giải hạng Hai Italia.
Chia sẻ về nhà lãnh đạo Kim Jong Un, thượng nghị sĩ Antonio Razzi cho biết: "Đó là một người hay cười. Ông ấy rất thích bóng đá. Vì vậy, ông đã gửi nhiều cầu thủ trẻ tới học viện Corciano ISM. Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên sẵn lòng đưa các cầu thủ trẻ ra nước ngoài tập luyện cho thấy thiện chí của họ. Mặt khác, bóng đá Triều Tiên cũng có khá nhiều cầu thủ trẻ triển vọng".
Giờ đây, hàng năm, học viện ISM đã trực tiếp tới Triều Tiên để tìm kiếm những gương mặt mới. Sự liên kết này có thể sẽ giúp bóng đá Triều Tiên vươn mình hơn nữa trong tương lai, khi mà nhiều "hạt giống tốt" đã được tiếp thu tinh hoa từ nền bóng đá phát triển như Italia.
Ngoài ra, như những năm trước đây, đội tuyển Triều Tiên cũng mời gọi những cầu thủ gốc Triều Tiên nhưng sinh ra ở nước ngoài về phục vụ ĐTQG. Jong Tae Se là ví dụ điển hình. Cầu thủ này từng gây sốt với những giọt nước mắt ở World Cup 2010. Dù khoác áo ĐTQG Triều Tiên (anh đã giã từ ĐTQG) nhưng Jong Tae Se vẫn dành phần lớn thời gian thi đấu nước ngoài và chỉ trở về Triều Tiên tập trung ĐTQG.
Hiện tại, trong thành phần đội tuyển Triều Tiên, Ri Yong Jik cũng là cầu thủ như vậy. Anh sinh ra ở Nhật Bản và đang thi đấu ở CLB Tokyo Verdy nhưng vẫn trở về khoác áo ĐTQG Triều Tiên ở Asian Cup 2019.
Trước khi rời khỏi cương vị HLV trưởng đội tuyển Triều Tiên, HLV Jorn Andersen cho rằng bóng đá nước này đang dần đi đúng hướng. Thậm chí, họ có thể gặt trái ngọt với tấm vé dự World Cup trong tương lai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Báu vật của HAGL gây chấn động, HLV Kim Sang-sik gạch tên công thần ĐT Việt Nam?
HLV Kim Sang Sik không nuốt trôi 1 trận đấu của ĐT Việt Nam
ĐT Việt Nam 'bay cao' trên BXH FIFA ngay đầu 2025, vượt mặt ĐT Thái Lan sau AFF Cup?
HLV Kim Sang Sik: ‘Ở V.League, cầu thủ Việt Nam chạm nhẹ là ngã’
Antony chính thức rời Man United, Ruben Amorim đón 'bom tấn' trị giá 40 triệu euro?
Thái Lan nói không với Xuân Son, ĐT Việt Nam bất ngờ triệu tập sao nhập tịch cao 1m90 dự giải ĐNÁ?