Pep Guardiola đã biến Barcelona trở thành đế chế vĩ đại như thế nào?
Messi lên tiếng về những hiểu lầm với HLV Barcelona / HLV Eriksson hối hận vì dẫn dắt đội tuyển Anh, tiết lộ từng được Barcelona để ý
Trong cuộc trả lời phỏng vấn vào năm 2012, Dani Alves (một trong những bản hợp đồng đầu tiên và quan trọng của HLV Pep Guardiola) từng chia sẻ về hệ thống của Pep Guardiola: “Tôi không bao giờ nghĩ một đội bóng có thể gây áp lực trong suốt 95 phút như cái cách Barcelona đã làm.
Đó là điều khiến tôi ngạc nhiên nhất. Và đó chính là lối chơi của Pep Guardiola thực hiện ở Barcelona. Ông ấy đã thành công khi thuyết phục những cầu thủ về lối chơi với nhịp độ cao này”.
Sự thuyết phục của Pep Guardiola bắt đầu ở trại huấn luyện St Andrew ở Scotland trước mùa giải 2008/09, tức ngay khi ông đảm nhận công việc nặng nề và đầy áp lực ở Barcelona.
Barcelona khi ấy sở hữu tập thể gồm những ngôi sao xuất sắc của bóng đá thế giới, còn Pep Guardiola? Ông chỉ là HLV vô danh và chưa từng làm việc ở cấp độ cao nhất (được đôn lên khi dẫn dắt đội trẻ). Và Pep Guardiola đã cố gắng thuyết phục mọi người cần phải chạy, chạy và chạy với cường độ rất cao.
“Quy tắc 5 giây” là những gì mà Pep Guardiola yêu cầu ở các học trò. Giải thích cho quy tắc này, “tướng” Pep yêu cầu cầu thủ cần phải đoạt lại bóng trong vòng 5 giây sau khi bị mất. Mục tiêu của ông là “ghim chặt” đối thủ ở 1/3 phần sân nhà, để Barcelona có thể mặc sức tấn công. Để điều đó xảy ra, Pep Guardiola dâng cao đội hình lên cao chưa từng thấy, đẩy đối thủ lùi sâu nhất có thể, như vậy Barcelona vừa có thể tấn công, vừa có thể giảm áp lực tấn công của đối thủ.
Quy tắc 5 giây chỉ quan trọng nếu như họ giành được bóng ngay từ phần sân của đối thủ. Vì vậy, những tiền đạo là chìa khóa trong lối chơi này. “Người đầu tiên áp sát là Messi. Sự áp sát ấy là khởi điểm cho toàn bộ khái niệm. Bạn cần mọi vị trí cần phải biết săn bóng và làm điều đó cho toàn đội” - Dani Alves chia sẻ.
Thành công lớn nhất của Pep Guardiola đương nhiên là việc nâng tầm Messi và thuyết phục được cầu thủ này “chạy như chưa từng thấy”. Để làm như vậy, HLV người Tây Ban Nha đã phải thu phục nhân tâm của cậu học trò, khiến anh phục hoàn toàn và tuân thủ những chiến thuật mà ông vạch ra.
Câu chuyện bắt đầu giữa Messi và Pep Guardiola, khi Ban lãnh đạo của Barcelona từ chối để cầu thủ này tham dự Olympic 2008 (khi Barcelona bận chuẩn bị cho trận gặp Wisla Krakow ở vòng loại Champions League). Quyết định trên đương nhiên là nghiệt ngã với Messi bởi khát khao giành huy chương vàng Olympic lớn hơn bao giờ hết.
“Tôi không thể chịu đựng nổi. Tôi nói thẳng rằng nếu không cho tôi dự Olympic thì hãy xem phản ứng của tôi ra sao” - Messi tỏ ra bực dọc. Thực tế, thời điểm ấy, Messi vẫn còn liên lạc với các đồng đội đang ở Trung Quốc và nói rằng anh ấy vẫn có thể tham dự Olympic 2008. Và cuối cùng, nhờ sự can thiệp của HLV Pep Guardiola, Messi đã được phép sang Trung Quốc hội quân. Hẳn tất cả đều hiểu được, Messi quý trọng quyết định của HLV Pep Guardiola tới nhường nào.
Sau này, Messi vẫn nhớ như in quyết định ấy: “Pep Guardiola thật tuyệt. Đó thực sự là trải nghiệm thú vị với tôi. Không ai ở Barcelona muốn tôi tham dự Olympic nhưng Pep Guardiola đã can thiệp để tôi được sang Trung Quốc sau khi chúng tôi tham dự trận giao hữu với Fiorentina.
Ông ấy tới hỏi tôi rằng: “Này, cậu muốn dự Olympic không?” Tôi sẽ cho anh đi nhưng với điều kiện là sẽ có nhân viên y tế của CLB đi cùng để chăm sóc anh”.
Pep Guardiola từng giành huy chương vàng Olympic 1992 và ông hiểu nó có ý nghĩa như thế nào với cầu thủ. Bởi lẽ do đó, ông không cho phép mình “giam cầm” giấc mơ của cậu học trò nhỏ.
Thực tế, không phải ai cũng thích nghi được với chiến thuật của Pep Guardiola. Deco và Ronaldinho là ví dụ. Họ là những người nhanh chóng bị bật khỏi Nou Camp bởi không thể “chạy như chưa từng thấy” theo yêu cầu của Pep Guardiola.
Samuel Eto'o cũng là một trong những cái tên Pep Guardiola bán đi ở thời điểm ấy nhưng sau đó, cầu thủ người Cameroon đã thể hiện quyết tâm ở lại. Câu chuyện này đã được nhà báo Graham Hunter tiết lộ trong cuốn: “Barca: The Making of the Greatest Team in the World”. Ông viết: “Pep Guardiola tới ngồi cùng Eto’o và nói rằng: “Tôi rất thích cách chơi tập thể và đánh giá cao khả năng áp sát của cậu. Nếu như cậu tập luyện và thi đấu giống như những gì thể hiện thì sẽ ở lại”.
Và cuối cùng, Eto’o đã chơi mùa giải cuối cùng ở Barcelona vô cùng ấn tượng, khi hợp cùng Henry, Messi trở thành bộ ba tấn công lợi hại. Bản thân tiền đạo người Cameroon đã đóng góp 1 bàn trong trận chung kết Champions League 2009 với Man Utd.
Thế nhưng, hệ thống của Pep Guardiola không hề có sự khởi đầu trơn tru. Barcelona khởi đầu mùa giải 2008/09 một cách vô cùng thảm họa. Họ thua 0-1 trước Numancia, hòa 1-1 trước Racing Santander. Những kết quả ấy khiến cho “tướng” Pep Guardiola đối diện với sự nghi ngờ lớn. Họ cho rằng một HLV chưa từng làm việc ở cấp độ cao khó lòng có thể lèo lái được Barcelona.
Và rất may cho Pep Guardiola là vẫn còn những người không hốt hoảng ở Barcelona, đó là Chủ tịch Laporta và huyền thoại Johan Cruyff. Trong bài viết trên tờ El Periodico, “thánh” Johan đã dành lời ngợi khen cho Pep Guardiola sau trận hòa trước Racing: “Tôi không biết các bạn xem trận đấu thế nào, chứ tôi thì thấy đây là màn trình diễn xuất sắc nhất của CLB trong nhiều năm”.
Có chi tiết đáng chú ý, Johan Cruyff là người được Ban lãnh đạo Barcelona trao vai trò cố vấn cho Pep Guardiola ở mùa giải ấy. Nhưng “thánh” Johan đã từ chối bởi ông tin rằng Pep Guardiola có thể đương đầu với sóng lớn. Và ngay ở thời điểm Pep Guardiola bị nghi ngờ, niềm tin của huyền thoại người Hà Lan vẫn sáng rực.
Andres Iniesta là người chạy tới an ủi HLV trưởng của đội bóng ở thời điểm mọi thứ tưởng chừng sụp đổ. Trong cuốn tự truyện Iniesta: 'The Artist', HLV Pep Guardiola từng chia sẻ: “Khi tôi cảm thấy mọi thứ thật tồi tệ, có một cầu thủ nhỏ bé tới căn phòng và nói với tôi với giọng thật bình tĩnh: “Đừng lo lắng quá HLV. Tôi nghĩ rằng mọi thứ vẫn đi đúng hướng. Chúng ta cứ tiếp tục tiến lên”.
Cho tới trước chiến thắng bước ngoặt với tỷ số 6-2 trước Real Madrid ở Bernabeu, Barcelona vẫn chưa thoát khỏi ánh mắt nghi ngờ. Nhiều người cho rằng Barcelona đang trình diễn thứ bóng đá lạ lẫm và ấn tượng nhưng liệu họ có duy trì được trong suốt mùa giải?
Những nghi ngờ ấy là hoàn toàn có cơ sở. Trong mùa giải, từng có thời điểm Barcelona bỏ xa Real Madrid tới 12 điểm nhưng rồi, họ đã bị đối thủ rút ngắn xuống còn 4 điểm trước trận El Clasico (với chuỗi phong độ cực tốt dưới thời Juande Ramos).
Người ta đã tự hỏi Pep Guardiola sẽ xoay sở ra sao khi chỉ 4 ngày sau trận đấu với Real Madrid, họ sẽ đối đầu với Chelsea ở Champions League. Và rồi, trong chiều nắng ấm ở Bernabeu, Pep Guardiola đã xua tan tất cả nghi ngờ. Barcelona lần đầu tiên ghi 6 bàn ở Bernabeu sau 50 năm. Pep Guardiola đã cho thấy đẳng cấp theo cách không thể tuyệt vời hơn.
Khoảng cách 7 điểm trong bối cảnh La Liga chỉ còn 4 vòng đấu đủ an toàn để Barcelona tự tin hành quân tới Stamford Bridge.
Và cũng trong mùa giải đầu tiên ở Barcelona, Pep Guardiola đã nâng cấp Messi lên phiên bản cao cấp hơn rất nhiều nhờ sự điều chỉnh của mình. Thay vì để Messi bám cánh như trước, ông đã trao cho tiền đạo người Argentina nhiệm vụ hoàn toàn mới, trong vai trò “số 9 ảo”.
Đây có thể xem là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Messi. Việc được kéo từ cánh vào trung lộ giúp cho El Pulga phát huy đầy đủ tố chất của mình. Ở đó, “siêu sao” người Argentina có khoảng không rộng lớn hơn rất nhiều để vùng vẫy và cũng thi đấu trực diện hơn. Các hậu vệ đối phương cũng... chẳng biết kèm Messi bằng cách nào, bởi tầm hoạt động quá rộng. Cùng với sự giúp sức của những “bộ não thiên tài” như Xavi, Iniesta ở phía dưới, Messi đã thực sự lớn hơn rất nhiều.
Bàn thắng bằng cú đánh đầu cháy lưới Man Utd trong trận chung kết Champions League là một minh chứng cho sự khó lường của Messi. Đó là khoảnh khắc mà “số 9 ảo” Messi đã lẻn rất tinh quái vào vòng cấm (khi Eto’o, Henry đã hút hậu vệ Man Utd) và ghi bàn bằng chính sở đoản của mình.
Năm 2011 chính là thời điểm mà Barcelona của Pep Guardiola thể hiện sự “bá đạo” nhất. Họ không gần như không có đối thủ ở trời Âu với thứ bóng đá tiqui-taka diệu kỳ của mình.
Sau trận chung kết Champions League 2011, Sir Alex Ferguson từng thốt lên: “Chúng tôi đã thua toàn diện. Không có cách nào khác để nói về những gì vừa diễn ra. Man Utd bại trận trước một trong những đội bóng xuất sắc nhất lịch sử”.
Nhiều người cho rằng Pep Guardiola đã may mắn khi tiếp quản thế hệ vàng vĩ đại của Barcelona. Nhưng nên nhớ, Los Blaugrana ở thời điểm Pep Guardiola tiếp quản đã có dấu hiệu thoái trào, khi chỉ xếp thứ 3 La Liga.
Sự xuất hiện của Pep Guardiola cùng với lối chơi tiqui-taka ma thuật, những yêu cầu khắt khe (đề cập ở đầu bài) cùng với phát kiến kéo Messi chơi “số 9 ảo”... đã thực sự khiến cho Barcelona trỗi dậy mạnh mẽ và trở thành cỗ máy không thể cản nổi.
Trong quá khứ và cả tương lai, người ta sẽ chẳng bao giờ tìm ra phiên bản nào hoàn hảo như Barcelona thời Pep Guardiola. Kể cả sau này, “tướng” Pep cũng không thể tái hiện nổi điều đó. Đó mãi là hoài niệm, về thứ bóng đá đẹp, khiến bất kỳ ai cũng phải mê mẩn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nguyễn Xuân Son bị gạch tên, ĐT Việt Nam bất ngờ bị Thái Lan vượt mặt sau AFF Cup 2024
Filip Nguyễn xác nhận rời Việt Nam, tiết lộ bến đỗ sau khi chia tay CLB CAHN
Đi vào lịch sử AFF Cup, HLV Kim Sang Sik gửi lời cảm ơn đến nhân vật đặc biệt của bóng đá Việt Nam
Hé lộ cách ĐT Việt Nam chia số tiền thưởng khổng lồ sau khi vô địch, ai được thưởng nhiều nhất?
Thảm bại ở AFF Cup 2024, Thái Lan làm ngay 1 điều khó tin để 'đòi nợ' ĐT Việt Nam trong năm 2025
HLV Kim Sang-sik muốn đưa sao ĐT Việt Nam tới Manchester United sau AFF Cup 2024, ai được gọi tên?