Thể thao

Pep lần đầu đưa Man City vào bán kết: Thành quả của sự nhẫn nại

Chủ tịch Khaldoon Al Mubarak nói với Sky Sports nếu không kiên trì theo đuổi triết lý bóng đá Pep Guardiola dày công xây dựng, Man City sẽ không có ngày hôm nay. Sau 4 năm chờ đợi, rốt cuộc, Man City đã vào tới bán kết Champions League cùng Pep.

Chelsea bất bại khi đối đầu Real / Opta dự đoán Liverpool sẽ về đích trong Top 4, Chelsea thì không

Không còn ngây dại

Ở trận lượt về rạng sáng qua, khi Bellingham ghi bàn mở tỷ số ở Signal Iduna Park, những người yêu mến Man City đã bắt đầu nghĩ về những điều tồi tệ. Họ đã quen với hình ảnh một Pep Guardiola khôn nhà dại chợ, hễ khi nào ra châu Âu là khi đó e dè sợ sệt. Man City trước mùa này chưa từng vào tới bán kết Champions League dưới triều đại Pep và mùa trước là đỉnh điểm của nỗi thất vọng khi họ thua Lyon, dù cách đó một tuần vừa hạ bệ Real Madrid. “Làm sao để Pep lớn khôn” - tờ Marca từng giật tít trang nhất như thế để miêu tả căn bệnh trầm kha mang tên Champions League của Pep.

Nhưng lần này là một chương hoàn toàn khác, là bộ cánh Pep đã dày công nghiên cứu để khoác lên mình nhằm chống lại những sai số ông gặp phải suốt thời gian qua. Man City bình tĩnh triển khai lối chơi quen thuộc, có bàn gỡ hòa ngay đầu hiệp 2 và đúng thời điểm nhạy cảm nhất - khi trận đấu bước vào 15 phút cuối - tung đòn hồi mã thương chấm dứt mọi hy vọng cuối cùng của Dortmund.

Man City đã cận kề với tử thần bởi tỷ số 1-0 là vừa đủ với luật bàn thắng sân khách nhưng cuối cùng, họ đảo chiều thế trận, đẩy Dortmund vào thế phải ghi thêm 3 bàn trong 15 phút mới có vé đi tiếp. Ít nhất trong bối cảnh tứ kết Champions League, trước một đối thủ chỉ cần cầm bóng 38% nhưng vẫn có tới 10 pha dứt điểm, Man City đã thật sự trưởng thành. Họ không rơi vào cái bẫy của đối thủ, và cả cái bẫy do chính áp lực vô hình tạo ra.

Trong một đoạn phim được công bố trên mạng, Pep từng nói với các cầu thủ Man City “Hãy nhìn PSG mà học tập. Họ mất 7 năm liên tiếp không qua nổi tứ kết nhưng khi đã bước qua ngưỡng, họ lập tức xuất hiện ở chung kết. Các bạn cần nhìn vào tinh thần đó”. Pep cũng đã chia sẻ với beIN Sport bàn thắng của Bellingham là thuốc thử cho tinh thần của cả đội, là bài kiểm tra dũng khí Man City cần trải qua nếu muốn trưởng thành. Man City của Pep, có lẽ, đã không còn ngây thơ.

HLV Pep và các cầu thủ Man City ăn mừng

HLV Pep và các cầu thủ Man City ăn mừng.

Kết quả của sự bền bỉ

Sau gần 5 năm, Pep đã tiêu chính xác 872 triệu bảng cho 36 hợp đồng lớn nhỏ. Tức trung bình cứ sau một mùa giải, Pep lại tiêu 174 triệu bảng. Trong 36 tân binh này, có 3 hậu vệ có giá trị lớn từ 60 triệu bảng trở lên và tính rộng ra, có tất cả 10 gương mặt được Pep mua về với giá khởi điểm từ 50 triệu bảng.

Vấn đề nằm ở đây: Pep đã tiêu rất nhiều tiền, nhưng ông chủ cấp tiền cho Pep mới là quan trọng. Quan trọng hơn: Pep đã làm gì để thuyết phục các lãnh đạo dốc hầu bao? Đó mới là điều đáng nói. Pep không phải HLV hưởng lương cao nhất, cũng không làm việc cho đội bóng giàu nhất thế giới và chủ của Pep, cũng chẳng phải người giàu nhất thế giới.

Đó là điểm khác biệt của Pep, và cũng là điểm mạnh nhất của ông và ê-kíp tư vấn phía sau. Hãy nhớ rằng, hợp đồng mới gia hạn 2 năm của Pep được thương thảo và ký kết ngay trong thời điểm Man City gặp khủng hoảng. Pep đã thua Mourinho 0-2 trong trận đấu họ hoàn toàn bị Tottenham bỏ túi và ngay sau đó, là thông tin về việc gia hạn.

Loạt phim Amazon quay độc quyền các câu chuyện hậu trường của Man City có nhận mạnh một chi tiết: Pep khi ký hợp đồng luôn quan tâm tới yếu tố “chọn dự án phù hợp”. Ông cần những người chủ tin mình tuyệt đối, sẵn sàng lao vào cuộc chơi như những con thiêu thân. Pep có thể chưa thành công ở sân chơi châu Âu nhưng tại Premier League, họ là thế lực tuyệt đối. Sau một mùa giải bị Liverpool soán ngôi, Man City lập tức trở lại, tái tạo quyền lực bất khả xâm phạm. Ít nhất, Pep chứng minh các CLB ông dẫn dắt luôn hướng tới sự bền bỉ và Champions League, đôi khi, chỉ là vấn đề hệ quả của thời gian.

Champions League 2020/21 có thể sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho Man City và cá nhân Pep Guardiola. Một danh hiệu là đủ để Pep trở thành huyền thoại thật sự của bóng đá đương đại, một huyền thoại toàn diện đúng nghĩa: Vẫn có thể vô địch Champions League với siêu nhân trong đội hình (Messi), nhưng đủ khả năng chinh phục châu Âu bằng một tập thể được xây dựng bài bản, lớp lang qua nhiều thời kỳ. Kết quả hôm nay, là sản phẩm đúc kết của mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng niềm tin giữa Pep và giới chủ Ả-rập tại Eithad.

 

13. Chiến thắng chung cuộc của Man City (4-2) là lần thứ 13 trong lịch sử Champions League, đội thắng 2-1 lượt đi sân nhà ở vòng knock-out giành vé đi tiếp. Ngược lại, đã có 15 chủ nhà bị loại khi thắng tỷ số này ở lượt đi.

Man City của Pep tại Champions League

Mùa 2016/17: Bị loại vòng 1/8 (thua Monaco vì luật bàn thắng sân khách, tổng tỷ số 6-6)

 

Mùa 2017/18: Bị loại tứ kết (thua Liverpool, tổng tỷ số 1-5)

Mùa 2018/19: Bị loại tứ kết (thua Tottenham vì luật bàn thắng sân khách, tổng tỷ số 4-4)

Mùa 2019/20: Bị loại tứ kết (thua Lyon, tổng tỷ số 1-3)

Clip các bàn thắng đẹp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm