Phải chăng thầy trò Park Hang-seo đã hội tụ mọi yếu tố để 'săn vàng' SEA Games?
HLV Park Hang-seo phàn nàn về việc rò rỉ thông tin đội hình U22 Việt Nam / Cay cú vì Tiến Linh được đá lại penalty, cầu thủ Thái Lan quát vào mặt trọng tài "Ông là người Việt Nam đúng không"
Đội tuyển U22 Việt nam với "giấc mơ vàng"
1. Ngày 3/12 vừa qua, cơn bão Kammuri hay người Philippines vẫn gọi là bão Tisoy đổ bộ vào nước chủ nhà SEA Games, sức gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 17. Một cơn bão như hàng vài chục cơn bão đổ bổ vào quốc đảo trên Biển Đông này mỗi năm. Người Philippines đã quá quen với bão để tiếp đón nó như một vị khách quen thuộc thay vì một thiên tai.
Thế nên, ngày khai mạc SEA Games vẫn được tổ chức trọng thể và hoành tráng như dự kiến, các môn thể thao vẫn được tổ chức dù ở trong nhà hay ngoài trời. Trong đó dĩ nhiên có cả bóng đá với các trận đấu thuộc khuôn khổ lượt trận thứ tư bảng B môn bóng đá nam.
Tại bảng đấu này, chênh lệch trình độ khá xa nên xác suất bằng điểm rất dễ xảy ra. Vì vậy, các đội phải chạy đua hiệu số bàn thắng bại, yếu tố được tính đến đầu tiên trong trường hợp bằng điểm. Trong đó, ngân hàng điểm và hiệu số là U22 Lào và U22 Brunei.
Trước hai đội thủ này, U22 Việt Nam bỏ túi hai chiến thắng theo tỷ số tenis. U22 Thái Lan đã làm gỏi U22 Brunei 7-0 và hướng tới một chiến thắng đậm đà nữa trước U22 Lào để vững dạ quyết chiến với U22 Việt Nam ở lượt trận cuối. Thế nhưng, U22 Thái Lan chỉ có thể giành chiến thắng 2-0 trước U22 Lào.
Thậm chí, thầy trò Akira Nishino chỉ có chiến thắng ở những phút cuối cùng, với 2 pha lập công ở các phút 90 và 90+4 của Suphanat. Một trong những lý do U22 Thái Lan chỉ có thể thắng cách biệt 2 bàn một cách chật vật như vậy là bởi vị khách quen của người Philippines, bão Kammuri.
Trận đấu giữa U22 Thái Lan và U22 Lào là trận đấu sớm của lượt trận thứ tư, diễn ra vào lúc 16h theo giờ địa phương. Đó là thời điểm hoàn lưu bão còn mạnh mà bằng chứng là suốt thời gian trận đấu diễn ra, trời luôn mưa nặng hạt khiến sân Rizal Memorial luôn trong tình trạng lõm bõm nước.
Đó là điều kiện quá tồi tệ để chơi một trận bóng theo phương thức kiểm soát và tấn công, với mục tiêu ghi càng nhiều bàn càng tốt. Đơn giản, sân trơn bóng ướt, chưa kể mặt sân cỏ nhân tạo vốn đã khó đá, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng xử lý của các cầu thủ.
Tất nhiên, ảnh hưởng thì ảnh hưởng cả đôi bên nhưng đội nào cầm bóng nhiều hơn, thực hiện nhiều động tác xử lý với bóng hơn (khống chế, chuyền, tạt, sút.v.v…) thì bị ảnh hưởng nhiều hơn. Rốt cuộc chỉ thắng 2-0, vì vậy mới bước vào trận đấu cuối cùng với U22 Việt Nam với thế phải thắng 2 bàn trở lên. Rõ ràng, ngay cả ông trời cũng giúp Việt Nam chứ không phải Thái Lan.
2. Cái may của U22 Việt Nam không chỉ đến trong cơn mưa mà còn xuất hiện cả trong cuộc chiến sống còn với U22 Thái Lan. Tuy bị dẫn trước 2 bàn chóng vánh nhưng không thể gọi U22 Việt Nam thiếu may mắn vì cả 2 bàn thua ấy đều xuất phát từ lỗi cá nhân của hàng thủ áo đỏ.
Nhưng cũng rất nhanh chóng, U22 Việt Nam thể hiện đẳng cấp và bản lĩnh qua bàn gỡ của Tiến Linh, sau quả tạt chuẩn mực của Thanh Thịnh. Từ đó, thầy trò Park Hang Seo thi đấu tương đối ung dung và vững vàng cho đến khi trọng tài nổi hồi còi mãn cuộc để giành vé vào bán kết.
Thậm chí U22 Việt Nam còn kiếm được bàn san bằng tỷ số ở phút 72 nhờ pha đá phạt đền của Tiến Linh, một tình huống may mắn, thậm chí cú đúp may mắn khác. Thứ nhất, ở tình huống Tiến Linh bị ngã, thực tế tiền đạo của B.Bình Dương không còn kiểm soát bóng. Do đó, trọng tài có quyền thổi hoặc không thổi.
Thứ hai, ở pha sút phạt đền đầu tiên của Tấn Sinh, thủ môn Thái Lan có thể đã rời chân khỏi vạch vôi nhưng không quá rõ ràng, ngay cả bóng đá đỉnh cao cũng hiếm khi bắt những pha nhạy cảm như thế. Do đó, trọng tài có quyền thổi hoặc không thổi.
Và đề cập lại cái may đầu tiên, từ cơn bão Kammuri, nếu cơn bão này không đổ bộ đúng ngày diễn ra lượt trận thứ tư, nếu sân Rizal Memorial không mưa nặng hạt, U22 Thái Lan thừa sức thắng đậm U22 Lào để ngay cả khi tỷ số là 2-1, đội rượt đuổi là U22 Việt Nam chứ không phải U22 Thái Lan. Đó sẽ là một câu chuyện khác với kịch bản rất khác.
Nhưng một câu nói đã quá quen thuộc, với chữ nếu người ta có thể bỏ cả Paris vào cái chai, thực tế U22 Thái Lan đã bị loại còn U22 Việt Nam tiến vào bán kết với ngôi nhất bảng và vị thế ứng cử viên số một. Thậm chí có lẽ chưa bao giờ cơ hội giành vàng SEA Games môn bóng đá nam trở nên rõ ràng với bóng đá Việt Nam như hiện tại.
3. Yếu tố may mắn (thiên thời) đã được chỉ rõ nhưng không thể phủ nhận U22 Việt Nam còn nắm luôn 2 yếu tố địa lợi và nhân hòa. Thầy trò Park Hang-seo đang ở vị trí quá đắc địa để đăng quang. Đó là việc cả Thái Lan và Malaysia, hai đội bóng duy nhất giành HCV SEA Games từ năm 1993 đến nay đều đã bị loại.
Những đối thủ còn lại của U22 Việt Nam đều không quá sừng sỏ, ngoại trừ U22 Indonesia. Tất nhiên, đến U22 Indonesia cũng thua sát ván trước U22 Việt Nam ở vòng bảng. Trong khi đó ở bán kết, thầy trò Park Hang Seo chỉ phải so tài với U22 Cambodia, con mồi ưa thích ở các kỳ SEA Games trước.
Cuối cùng, về mặt con người, kể cả việc mất Quang Hải thì U22 Việt Nam vẫn sở hữu lực lượng hùng hậu, trình độ vượt trội, bản lĩnh và kinh nghiệm hơn hẳn. Không những thế, tài điều binh khiển tướng của HLV Park Hang-seo cũng là một lợi thế cực lớn của U22 Việt Nam. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa như vậy, chân mệnh đế vương của U22 Việt Nam tại đấu trường khu vực đã thấy rất rõ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xác định thời điểm Nguyễn Xuân Son xuất viện
Quang Hải gây sốt ở Cúp C1 Đông Nam Á, CLB CAHN nhận thưởng lớn từ VFF trước cơ hội lập kỳ tích
Thái Lan chiêu mộ sao trẻ lò Man United, quyết tâm 'vượt mặt' ĐT Việt Nam ở giải châu Á
Nguyễn Xuân Son vượt mặt Sơn Tùng M-TP, trụ cột ĐT Việt Nam bất ngờ lập kỷ lục trên BXH đặc biệt
Nguyễn Xuân Son có bước tiến lớn trong quá trình hồi phục, ngôi sao ĐT Việt Nam báo tin vui