Ra sân tại AFC Cup, Bùi Tiến Dũng có kịp cải thiện phong độ trước SEA Games?
Bùi Tiến Dũng được thi đấu trọn vẹn 90 phút, và giữ sạch lưới trước April 25, ở trận lượt về chung kết liên khu vực AFC Cup, diễn ra chiều 2/10, tại Bình Nhưỡng (CHDCND Triều Tiên).
Không thấy thông tin Bùi Tiến Dũng có mắc lỗi hay không trong trận đấu nói trên? Nhưng tất cả chỉ dừng ở mức được tường thuật lại, chứ người hâm mộ trong nước không được xem trận đấu này qua truyền hình, nên không thể kiểm chứng phong độ của thủ môn Bùi Tiến Dũng ra sao?
Phong độ đấy, có tốt hơn những gì mà anh từng thể hiện trong trận lượt đi, với chính April 25 ở sân Hàng Đẫy cách nay khoảng 1 tuần – trận đấu là nguyên nhân khiến CLB Hà Nội dang dở giấc mơ vô địch AFC Cup, hay không?
Vả lại, vấn đề của thủ môn Bùi Tiến Dũng còn lớn hơn chuyện phong độ, rằng thủ thành này chưa bao giờ chơi hay trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, từ sau khi tỏa sáng ở đội U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á năm 2018, là do xuất phát từ phong độ hay từ năng lực?
Với một thủ môn có năng lực, chỉ cần cải thiện được phong độ, thủ môn đấy sẽ xuất sắc. Ngược lại, với một thủ môn chỉ ở tầm mức trung bình, cho dù phong độ có được cải thiện, thì thủ thành đấy vẫn chỉ… trung bình.
Chuyện của Bùi Tiến Dũng nằm ở chỗ đó. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, anh chưa bao giờ chứng minh được rằng mình có nét gì có thể hay hơn, hoặc sánh ngang đàn anh Đặng Văn Lâm, cho dù là sánh ngang Đặng Văn Lâm trong tương lai gần, chứ chưa nói đến hiện tại.
Ở cấp độ CLB, không thể nói Bùi Tiến Dũng không được tạo điều kiện, trước đây là ở CLB Thanh Hóa, giờ là ở CLB Hà Nội, nhưng vẫn chưa bao giờ lấy nổi chỗ chính thức ở các đội bóng này.
Và một khi thủ môn Bùi Tiến Dũng không tạo được sự chắc chắn trong khung gỗ, một khi anh không tạo được sự yên tâm nơi các HLV, những HLV của Bùi Tiến Dũng ở từng CLB chọn người khác giữ suất chính thức cũng là đương nhiên, vì vị trí thủ môn quá quan trọng, không có chỗ cho sự mạo hiểm, không có chỗ cho sự rủi ro, và càng tránh việc… rút kinh nghiệm ở vị trí này càng tốt (vì “rút kinh nghiệm” cũng có nghĩa là có sai lầm, có nghĩa là đã phải trả giá vì sai lầm).
Ngay cả khi thủ môn Bùi Tiến Dũng không mắc lỗi nặng trong trận đấu với April 25 (theo như tường thuật), ngay cả khi thủ thành này đã cải thiện được phong độ, thì cũng không có nghĩa rằng anh xuất sắc, chí ít là xuất sắc ngang với tầm mức mà một thủ môn thường xuyên khoác áo các đội tuyển quốc gia phải có, vì được gọi vào đội tuyển, về lý thuyết, phải hơn những cầu thủ trung bình của cả nền bóng đá rồi!
Như đã đề cập, ở những tình huống mà hầu hết mọi thủ môn khác có thể cản phá, Bùi Tiến Dũng cũng sẽ cản phá được. Tuy nhiên, với những pha bóng ngỡ như đã thua chắc rồi, cần đến phản xạ xuất thần, kiểu như Đặng Văn Lâm hay Nguyễn Tuấn Mạnh (Khánh Hòa) vẫn hay cứu thua, Bùi Tiến Dũng cũng… chào thua, như hầu hết các thủ môn bình thường khác!
Theo Kim Điền/Dân trí
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo