Thể thao

Real Madrid có thể bị cấm dự cúp châu Âu 2 năm

Real Madrid vừa bị Chelsea chặn lại ở bán kết Champions League, nhưng đó chưa phải điều tồi tệ nhất. Vì đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha còn đang đối mặt án cấm tham dự các cúp châu Âu trong 2 năm của UEFA, do cương quyết không từ bỏ dự án European Super League.

MU vs Villarreal: Chung kết Europa League 2020/21 diễn ra khi nào và ở đâu? / Kết quả Arsenal 0-0 Villarreal: Cột dọc từ chối, Arsenal nhìn Villarreal vào chung kết Europa League

Real Madrid có thể bị cấm dự cúp châu Âu 2 năm
Real Madrid có thể không được dự cúp châu Âu 2 năm vì Super League.

UEFA thực tế từng nhiều lần dọa trừng phạt 4 CLB vẫn đang kiên trì bảo vệ ý tưởng thành lập Super League là Real Madrid, Barcelona, Juventus và AC Milan. Nhưng theo tiết lộ mới đây của trang ESPN thì tất cả sẽ không chỉ dừng ở những lời đe dọa.

Sau 10 ngày thảo luận với 12 CLB sáng lập của Super League, tổ chức điều hành bóng đá châu Âu đã đạt thỏa thuận “hòa giải” với Arsenal, Chelsea, Liverpool, Man City, Man United, Tottenham và Atletico. Inter cũng sắp “đầu hàng”. Và bộ tứ cứng đầu còn lại chuẩn bị phải nhận mức nặng nhất trong khung hình phạt của UEFA là cấm dự các cúp châu Âu trong 2 năm.

Cơ sở pháp lý mà UEFA đưa ra là các CLB nói trên đã vi phạm điều 51 trong hiến chương của tổ chức này. Theo đó, “không liên minh hay tổ chức nào của các CLB thuộc các LĐBĐ thành viên, dù là trực tiếp hay gián tiếp, được phép thành lập mà không có sự cho phép của UEFA”.

Phía Super League thì khẳng định đã đệ đơn lên UEFA để xin phép tổ chức giải đấu, và họ chỉ cần “sự công nhận” chứ không thực sự tách khỏi tổ chức này. Một tòa án thương mại ở Madrid cũng từng lên tiếng ủng hộ Super League, khi cho rằng UEFA không có quyền trừng phạt các CLB vì tham gia dự án.

Trước đó, chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid đã thể hiện thái độ mạnh mẽ trong một cuộc phỏng vấn với tờ AS. Người đứng đầu đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha tuyên bố Super League vẫn tồn tại, bất chấp sự đe dọa từ UEFA. Theo chiều ngược lại, chủ tịch Aleksander Ceferin cũng tỏ ra không khoan nhượng khi khẳng định: “Những CLB nghĩ rằng Super League vẫn tồn tại sẽ phải gánh chịu trách nhiệm. Còn theo cách nào thì chúng ta cùng chờ xem”.

 

Thái độ cứng rắn từ cả hai phía đang làm dấy lên nguy cơ về một cuộc chiến pháp lý. Đó là kết cục mà có lẽ, cả UEFA lẫn 4 kẻ nổi loạn đều không muốn thấy. Vì thế, câu chuyện hiện tại chỉ là bên này có thể kiên trì đến cuối cùng. Bởi theo nhiều nguồn tin thì giữa 12 CLB sáng lập Super League có một thỏa thuận ràng buộc.

Cụ thể, CLB nào rút lui phải nộp phạt 100 triệu euro. Nhưng trong hiến chương của Super League còn có một điều khoản khác là nếu 9/12 CLB rút lui, dự án này sẽ bị hủy bỏ. Công việc của UEFA, do vậy chỉ là thuyết phục (hoặc đe dọa) để 1 trong 4 cái tên còn lại “nhảy tàu” mà thôi.

Clip các bàn thắng đẹp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm