Thể thao

Sau kỳ AFF Cup đáng quên, đã đến lúc Công Phượng bước ra ánh sáng?

AFF Cup 2016 là giải đấu đáng quên với tuyển Việt Nam và cá nhân Công Phượng. Giờ đây, có lẽ tiền đạo đang quyết tâm biến AFF Cup 2018 là giải đấu của anh.

HLV Park Hang-seo: "ĐT Việt Nam sẽ không để người hâm mộ phải thất vọng" / 5 trận đấu có kết quả bất ngờ nhất trong lịch sử AFF Cup

Có thể chơi hay trong các lứa U nhưng hành trình của Công Phượng với đội tuyển quốc gia lại không trải đầy hoa như vậy. Đặc biệt tại AFF Cup 2016 - giải đấu chính thức đầu tiên với đội tuyển - Công Phượng để lại dấu ấn vô cùng mờ nhạt khiến người hâm mộ có lúc quên rằng anh cũng tham gia giải năm ấy.
Kỳ AFF Cup hẩm hiu

AFF Cup 2016 là giải đấu buồn với tuyển Việt Nam, còn với Công Phượng lại là nỗi thất vọng. Từ chỗ là trụ cột của U23 dưới thời HLV Miura, Công Phượng trở thành sự lựa chọn thứ yếu trong tay HLV Hữu Thắng. Dễ hiểu khi anh khởi đầu năm 2016 với chấn thương nặng ở tay, và sau đó là gần một năm mài đũng quần trên ghế dự bị của Mito Hollyhock.
Tính ra ở cả AFF Cup 2016, Công Phượng ra sân với tổng số phút chưa bằng một trận đấu chính thức. Anh thường chỉ được HLV Hữu Thắng tung vào sân ở những phút cuối khi thế trận an bài hoặc khi đội nhà cần đột biến ở khoảng thời gian cuối trận.
AFF Cup 2016 là giải đấu đáng quên của Công Phượng.

AFF Cup 2016 là giải đấu đáng quên của Công Phượng.

Đầu tiên, Công Phượng có 30 phút cuối trong trận gặp Malaysia, nhưng những gì anh làm được là bỏ lỡ 2 cơ hội rất ngon ăn. Đến trận gặp Campuchia, Công Phượng được đá chính, nhưng kết thúc của anh không thể buồn hơn. Trung vệ Đình Luật sớm nhận thẻ đỏ rời sân, và HLV Hữu Thắng chọn Phượng làm vật tế thần để Bùi Tiến Dũng trám chỗ Đình Luật.

Hai trận bán kết với Indonesia cũng không có nhiều cơ hội cho Công Phượng chơi bóng. Trận lượt đi, anh được tung vào sân khi thế trận đã an bài. Tới trận lượt về, Công Phượng được tung vào mang theo hy vọng về bàn thắng cho tuyển Việt Nam. Nhưng anh chưa kịp để lại dấu ấn, thủ môn Nguyên Mạnh đã rời sân vì thẻ đỏ.

Kỳ AFF Cup đầu tiên trong sự nghiệp của Công Phượng kết thúc theo cách không thể buồn hơn. Anh chẳng mấy khi được trao cơ hội, và nếu có thì những cơ hội ấy cũng sớm kết thúc bằng một lý do nào đó.

Dẫu vậy, việc Công Phượng không được thể hiện nhiều tại AFF Cup cũng một phần nguyên nhân ở chính anh. Chính Công Phượng đã không có phong độ cao trước giải, do cả một quãng thời gian dài ngồi dự bị tại Nhật Bản. Hơn ai hết, HLV Hữu Thắng là người trực tiếp huấn luyện, tiếp xúc với các cầu thủ và hiểu rõ ai đang phong độ tốt hay dở. Lựa chọn Công Phượng sẽ là không công bằng với những người khác có phong độ tốt hơn.

Bước ra ánh sáng

 

Có lẽ chính Công Phượng cũng hiểu rằng có những người xứng đáng hơn anh. Không phàn nàn, Công Phượng âm thầm tìm lại bản thân. Anh tạm biệt Nhật Bản, trở lại mái nhà HAGL và lập tức trở thành trụ cột. Mùa giải V.League 2017, Công Phượng chơi trọn vẹn 26 trận tại V.League, ra sân hơn 2.000 phút cho HAGL và đeo băng đội trưởng. Mùa giải ấy, Phượng ghi 7 bàn - không quá nhiều nhưng là đủ để anh tìm lại sự tự tin cho bản thân.

Trong năm đó, Công Phượng cùng U22 Việt Nam dự SEA Games 2017. Đến đầu năm 2018, Công Phượng cũng là một trong những cái tên đóng góp vào chiến tích giành ngôi á quân vòng chung kết U23 châu Á tại Thường Châu.

Thành công của U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á có đóng góp không nhỏ của Công Phượng. Ảnh: Getty Images.

Thành công của U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á có đóng góp không nhỏ của Công Phượng. Ảnh: Getty Images.

Mọi thứ có vẻ đang trở nên xán lạn hơn với Công Phượng, hoặc ít nhất đang đi vào quỹ đạo của nó. Sau vòng chung kết U23 châu Á, người ta đã phần nào quên đi những giải đấu trước đó, quên đi thất bại của Công Phượng trong màu áo U22 tại SEA Games, quên đi việc Công Phượng không có bất kỳ dấu ấn gì tại AFF Cup 2016.
Và cũng sau vòng chung kết U23 châu Á, người hâm mộ đã được chứng kiến một Công Phượng tốt nhất từ trước đến nay. V.League 2018 là mùa giải mà Công Phượng đạt phong độ cao nhất. Anh ra sân tổng cộng 24 trên 26 trận, ghi tới 12 bàn và có 2 kiến tạo. Đến những vòng đấu cuối tại V.League, Công Phượng vẫn đua tranh danh hiệu Vua phá lưới nội với Tiến Linh và chịu thua một phần bị treo giò.
Những đóng góp của Công Phượng cho HAGL là điều không thể phủ nhận. Không ít lần trước báo giới, HLV Dương Minh Ninh của HAGL khen ngợi Công Phượng và đánh giá cao những đóng góp của anh, đặc biệt ở nửa cuối mùa giải. Trong giai đoạn mà Xuân Trường xuống phong độ, Văn Thanh chấn thương thì những bàn thắng của Công Phượng trở thành chiếc phao cứu sinh cho HAGL thoát khỏi mùa bóng thất bại.
Một mùa giải thành công ở V.League là tiền đề để Công Phượng hướng tới AFF Cup? Ảnh: Kiệt Trần.

Một mùa giải thành công ở V.League là tiền đề để Công Phượng hướng tới AFF Cup? Ảnh: Kiệt Trần.

Nhìn chung, V.League 2018 không phải là mùa giải thành công với HAGL khi họ chỉ xếp thứ 10, nhưng là thành công với cá nhân Công Phượng. Để giờ đây là AFF Cup 2018, người hâm mộ sẽ được chứng kiến một Công Phượng với phong độ cao nhất, tinh thần tự tin nhất chứ không phải một cầu thủ đã dành cả 1 năm dự bị nơi đất khách quê người.
AFF 2018 có thể sẽ là giải đấu của Công Phượng, hãy cứ tin là như vậy. Hoặc ít nhất sẽ là những khoảnh khắc bùng nổ của anh như khi Phượng xé lưới Iraq tại vòng chung kết U23 châu Á hay khi anh sút tung lưới Syria tại ASIAD.

1
Theo zing.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm