Super League: Thách thức quyền uy của FIFA, UEFA
Goal Việt Nam xin gửi đến quý độc giả những diễn biến chính của trận đấu giữa Leeds và Liverpool, trong khuôn khổ vòng 32 Premier League 2020/21.
Erling Haaland gặp khó trong nỗ lực 'bắt sóng' với Chelsea, Liverpool, MU và Man City / Real mất Ramos ở cuộc tái đấu Liverpool
Chưa đầy 24 giờ sau khi nhóm các đội bóng danh tiếng nhất tuyên bố ly khai, tự lập một giải đấu riêng, một nhân vật khác đại diện cho quyền lực của bóng đá châu Âu phát biểu thế này:
"Tôi đã làm luật sư được 24 năm nhưng tôi chưa từng bao giờ nhìn thấy những con người như vậy. Ed Woodward đã gọi cho tôi vào thứ 5 tuần trước, nói rằng ông ấy hài lòng với sự cải tổ của Champions League và ông ấy hoàn toàn tán đồng với ý kiến đó. Vậy mà rõ ràng, ông ta đã ký một giao ước nào đó với một người nào đó.
Andrea Agnelli của Juventus thì là nỗi thất vọng lớn hơn cả. Tôi chưa từng thấy một gã nào dối trá và lươn lẹo như vậy cả. Thật không thể tin nổi. Chúng tôi trước nay không biết rằng xung quanh mình có lắm rắn độc đến vậy. Giờ thì chúng tôi đã biết rồi".
Các CLB đồng ý tham gia Super League.
Đó là cục tức của chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin trong bài phát biểu mới nhất của mình sau khi nhóm 12 đội bóng hàng đầu thế giới đã nhất trí về việc thành lập 1 giải đấu mang tên Super League. Làm sao mà cơ quan điều hành bóng đá châu Âu không lo cho được. Sự xuất hiện của Super League sẽ là cú tát khá trực diện với hệ thống các giải đấu hiện hành của UEFA.
Nhưng trước khi lớn tiếng chỉ trích nhóm các CLB đồng sáng lập Super League, UEFA và bản thân ông Ceferin cần nhìn nhận lại lý do vì sao các đội bóng này lại đang hối hả đến vậy trong việc đưa ý tưởng ấy đi vào hoạt động.
Trước tiên, cần phải khẳng định một điều, các cơ quan điều hành bóng đá lớn của thế giới như UEFA hay FIFA chưa bao giờ minh bạch tài chính. Ông Florentino Perez, chủ tịch CLB Real Madrid và cũng sẽ là chủ tịch của Super League mới đây đã chia sẻ với El Chiringuito TV như sau:
"Tại sao lương của các vị điều hành UEFA và La Liga không công khai nhỉ? Chúng ta cần minh bạch hơn nữa. Chúng ta có thể biết mức lương của LeBron James nhưng chúng ta chẳng ai biết thu nhập của ngài chủ tịch UEFA ra sao".
Một sự đáp trả trực diện của bố già, trùm bất động sản đến từ Tây Ban Nha. Đúng vậy, chẳng ai trong chúng ta biết, thu nhập hằng năm của những người lãnh đạo UEFA như ông Ceferin, hay lãnh đạo FIFA như ông Infantino là bao nhiêu. Chúng ta chỉ biết rằng, 2 vị chủ tịch tiền nhiệm của 2 tổ chức này đều đã rơi vào vòng lao lý vì tham nhũng.
Vào năm 2015, ủy ban đạo đức của FIFA đã đưa ra mức phạt cấm tham gia bóng đá trong 8 năm đối với Sepp Blatter, chủ tịch khi ấy của FIFA và Michel Platini, người thời điểm đó đang đứng đầu UEFA. Nguyên nhân là do khoản tiền đi đêm trị giá 2 triệu đô la mà Blatter gửi cho Platini. 2 triệu đô là một con số khổng lồ. Blatter lương bao nhiêu tiền để có thể chuyển cho Platini số tiền 2 triệu đô la?
Đến khi 2 người Infantino và Ceferin lên thay thế các vị trí tương ứng ở FIFA và UEFA, hình ảnh của 2 tổ chức này có phần được cải thiện và trở nên sạch sẽ hơn trong mắt người hâm mộ, nhưng điều đó không có nghĩa CĐV và đặc biệt là thượng tầng các đội bóng lớn không nhận ra được những vấn đề liên quan tới cung cách quản lý của những đơn vị quản lý bóng đá lớn nhất thế giới.
Chuyện các giải đấu lớn như Champions League hay Europa League tìm địa điểm đá trận chung kết trên khắp châu Âu vốn dĩ chẳng có gì lạ. Đó là cơ hội để các thành phố ít được người ta biết đến như Baku của Azerbaijan hay Cardiff của xứ Wales được biết tới nhiều hơn, có thể kích cầu du lịch địa phương và đem đến nhiều công ăn việc làm hơn, đó là một điểm rất tốt.
Tuy nhiên, việc tổ chức các giải đấu cấp đội tuyển ở những khu vực xa xôi, nơi chẳng có gì đảm bảo về cơ sở vật chất lẫn khả năng di chuyển, hay liên tục mở rộng các giải đấu hiện có và đẻ ra thêm những giải đấu mới lại không khỏi khiến người ta lo nghĩ. Sau những chuyến công du khắp thế giới của ông Sepp Blatter, cuối cùng người Anh lại không thể đưa bóng đá về nhà, giành quyền đăng cai World Cup 2022 dù khi ấy, họ có một ủy ban tranh cử rầm rộ với sự xuất hiện của cả hoàng tộc lẫn nhân vật thể thao số 1 hành tinh là David Beckham.
Ai là người giành được suất đăng cai đó? Qatar, đầy bất ngờ, là những người trúng cử. Hiện tại, Qatar có thể đang đi lên với tư cách một trong những quốc gia bóng đá mạnh bậc nhất châu Á. Nhưng so với 4 ứng viên lớn còn lại trong nhóm tranh cử cuối cùng là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc, rõ ràng quốc gia Tây Á chưa thể so về danh tiếng lẫn kinh nghiệm tổ chức những sự kiện lớn như World Cup.
Ấy vậy mà bằng một cách nào đó, Qatar đã giành quyền tổ chức World Cup 2022, biến họ trở thành quốc gia nhỏ nhất từng được đăng cai World Cup. FIFA vẫn đang điều tra những nghi vấn liên quan tới tham nhũng và vận động hành lang sau hậu trường, nhưng từ đó tới nay vẫn chưa thấy báo cáo kết quả gì. Dù vậy, chính những cuộc vận động hành lang ấy mới là thứ đem lại nguồn thu dồi dào cho những người lãnh đạo của môn thể thao vua.
Với UEFA, mọi thứ ít nằm ở khâu hậu trường những cuộc vận động đăng cai, mà chủ yếu nằm ở việc đẻ ra những giải đấu nhằm thu lợi bản quyền truyền hình. UEFA Nations League thực sự là một thảm họa về mặt tổ chức giải đấu của cơ quan điều hành bóng đá châu Âu. Bạn có bao giờ nghĩ sẽ có khán giả trung lập nào theo dõi các trận đấu tại League D, giữa Malta và đảo Faroe, hay League C giữa Albania và Belarus không?
Thậm chí, những cuộc so tài ở League B giữa Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đã ít người xem rồi. Nhưng thay vì để các ĐTQG lẫn các cầu thủ có những quãng thời gian nghỉ xả hơi bằng các trận giao hữu, UEFA lại buộc họ phải tham gia vào một giải đấu cũng vô thưởng vô phạt chẳng kém.
Tính hấp dẫn của chúng thì rõ ràng là không quá lớn, nhưng để bán thêm được bản quyền truyền hình và thu hút thêm những khoản tài trợ của các tập đoàn lớn, chủ tịch Aleksander Ceferin vẫn chấp nhận phương án đó. Thậm chí, ông còn đang nghĩ ra thêm một vài giải đấu như Conference League nhưng vẫn chưa thành hình. Không chỉ vậy, UEFA mới đây đã thông qua dự thảo cải tổ Champions League, trong đó tăng số đội từ 32 lên 36.
Ngoài ra, thể thức mới cũng sẽ không còn vòng bảng, mà đá thành 2 nhóm theo hình thức vòng tròn 1 lượt. Điều này đồng nghĩa, số trận đấu được truyền hình trực tiếp cũng sẽ tăng lên, đồng nghĩa tiền bản quyền truyền hình cũng tăng. Nhưng điều này sẽ đồng nghĩa chất lượng giải đấu thấp đi, do sẽ có nhiều đội bóng trình độ chất lượng thấp được tham dự giải đấu. Ngoài ra, miếng bánh bản quyền truyền hình cũng sẽ bị cắn bởi nhiều miệng ăn hơn.
Cần nhớ rằng, 12 đội bóng thành lập European Super League đều là những siêu CLB, những người có bề dày truyền thống lẫn lịch sử hào hùng, và cũng là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch COVID vừa qua về mặt tài chính. Mùa 2019/20, chỉ với 3 tháng tác động của đại dịch, 12 CLB sáng lập Super League (không tính Liverpool vì chưa công bố báo cáo tài chính) đã lỗ tới 1,2 tỷ bảng Anh (chưa xét đến hoạt động chuyển nhượng cầu thủ).
Ngoài khoản lỗ mùa giải trước, 12 CLB này còn đang phải gánh khoản nợ lên tới 5,6 tỷ bảng Anh. Theo định nghĩa của UEFA, đó là các khoản nợ tài chính (3,5 tỷ bảng) và nợ chuyển nhượng (2,1 tỷ bảng). Hầu hết các khoản nợ tài chính ấy đều là nợ ngân hàng (chiếm 3,3 tỷ bảng), so với khoản nợ từ các ông chủ (0,2 tỷ bảng). Nếu chúng ta tính luôn những khoản nợ khác nữa (như nợ lương nhân viên, nợ thuế, hay các khoản vay khác,…) thì 12 CLB có tổng nợ là 7,4 tỷ bảng Anh.
Những CLB ấy đương nhiên muốn giàu, và trước mắt họ muốn trả nợ, họ phải tự cứu lấy chính họ. Món tiền kếch xù được treo lơ lửng như một miếng mồi mà các CLB ấy được cam kết sẽ nhận ngay từ khi tham gia Super League, đơn giản là họ không thể không “đớp” vội.
Những sự cải tổ của UEFA không giúp họ ăn thêm được bao nhiêu từ miếng bánh bản quyền truyền hình, nhưng sẽ khiến họ phải căng mình thi đấu nhiều trận hơn, với những rủi ro chấn thương lớn hơn với các cầu thủ ngôi sao mà họ đang rất vất vả để trả lương đầy đủ và đúng hẹn. Ngoài ra, ông Ceferin làm luật sư 24 năm, nhưng ông có vẻ lại đang đi sai luật khi dọa cấm các cầu thủ tham dự nhóm 12 đội bóng thành lập Super League được khoác áo ĐTQG tham dự Euro.
Đó xem chừng là một bước đi thiếu khôn ngoan của chủ tịch UEFA, bởi ngay sau đó hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới FIFPro đã lên tiếng phản đối lời đe dọa này. Ngoài ra, ban điều hành European Super League cũng đã sớm lường trước được vấn đề trên, nên đã gửi trước các Tòa án một bản kiến nghị đề phòng.
Sau đó, SLCo đã gửi thư cảnh báo tới UEFA và FIFA, khẳng định bất kỳ biện pháp trừng phạt nào cũng là vi phạm pháp luật và khiến nghĩa vụ cam kết với các nhà tài trợ vốn của 12 CLB bị đe dọa. Rõ ràng, cuộc chiến pháp lý đang là rất thú vị và cũng vô cùng căng thẳng phía trước.
Nhưng có một điều cần phải khẳng định, UEFA khó có thể khép lại mùa giải Champions League lẫn Europa League một cách bất thường như lời dọa nạt của ông Ceferin. 5/8 đội bóng lọt vào bán kết của 2 giải đấu ấy đều là những người đồng sáng lập super League gồm Man United, Man City, Arsenal, Real Madrid và Liverpool. Ở Champions League, nếu UEFA cấm thi đấu với 3 Man xanh, Real và Liver, họ sẽ trao cúp thẳng cho PSG ư?
UEFA năm ngoái đã phải đền bù số tiền đáng kể cho các đơn vị truyền hình vì phát sóng không đủ số trận nhằm thích ứng với điều kiện COVID. Nhưng năm nay, khi mọi thứ đã ổn hơn mà họ thậm chí còn không tổ chức trận chung kết, xem ra khoản đút túi của ông Ceferin cùng các cộng sự sẽ sụt giảm đáng kể. Còn ở Europa League, loại Arsenal và Man United thì ai sẽ bật TV hoặc đến sân xem trận chiếu siêu kinh điển giữa Villarreal và AS Roma đây?
Những năm qua, UEFA đã liên tục khiến các đội bóng lớn nóng mắt vì những quyết định của mình. Và bây giờ, khi các siêu CLB ấy đã tìm ra giải pháp để cứu lấy bản thân, UEFA dường như lại chưa sẵn sàng để có một sự ứng phó hợp lý nhất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo