Thể thao

Tại sao M.U cứ "nâng lên, đặt xuống" vụ Sancho?

Man United vốn nổi tiếng là CLB không tiếc tiền chiêu mộ các ngôi sao, từ Angel Di Maria, Paul Pogba, Romelu Lukaku đến Harry Maguire, nhưng khi tới trường hợp của Jadon Sancho, Quỷ đỏ lại đắn đo và dè dặt đến vậy.

Những tình huống ‘chơi đẹp’ trên chấm đá phạt đền khiến ai cũng phải vỗ tay tán thưởng / De Bruyne lần thứ 3 giành giải thưởng cá nhân ưu tú ở Man City

Thời gian qua, thương vụ M.U theo đuổi Sancho của Dortmund đã khiến báo giới tốn quá nhiều giấy mực. Theo The Guardian, Quỷ đỏ đã chốt xong các điều khoản cá nhân với cầu thủ chạy cánh 20 tuổi, cụ thể là ký hợp đồng 5 năm kèm thù lao khoảng 250.000 bảng/tuần.

Dù vậy, thương vụ này chưa thể chốt hạ do M.U và Dortmund vẫn gặp khúc mắc ở vấn đề mức giá, khi đại diện Bundesliga đòi nhận 90 triệu bảng tiền chuyển nhượng cộng thêm 18 triệu bảng phụ phí. Man United tất nhiên không đồng ý với đề nghị này từ Dortmund.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lần này M.U trở nên dè dặt đến vậy? Còn nhớ trong quá khứ, Quỷ đỏ đã không tiếc tiền để đưa về bằng được những ngôi sao mình cần, nổi bật như Memphis Depay, Angel Di Maria, Paul Pogba, Romelu Lukaku, Alexis Sanchez hay Harry Maguire. Công bằng mà nói, các bản hợp đồng nêu trên của Man United đều có giá không hề rẻ, hoặc gọi theo một cách dân dã là họ thường "bị bóp".

Có lẽ vì hiểu vị thế và hoàn cảnh của mình nên M.U tỏ ra khá dè chừng trong thương vụ chiêu mộ Sancho. Bài học Sanchez vẫn còn đó và hệ lụy từ bản hợp đồng hớ này chắc chắn sẽ chưa dừng lại, khi các ngôi sao khác của đội bóng có thể vin vào đó để đòi tăng lương.

Thực tế, M.U chỉ mới "khôn ra" trên thị trường chuyển nhượng từ hè năm ngoái khi các tân binh của họ gồm Daniel James, Aaron Wan-Bissaka, Harry Maguire không nhiều thì ít đã cho thấy sự hiệu quả. James đã chơi rất hay ở giai đoạn đầu mùa 2019/20, cho thấy sự năng nổ và sự nhiệt huyết. Wan-Bissaka thì chơi chắc chắn bên hành lang cánh phải, trong khi Maguire đã phần nào giúp hàng thủ của M.U trở nên vững chãi hơn.

Sancho chắc chắn sẽ phải chịu áp lực cực lớn nếu sang M.U

Jadon Sancho.

Đến phiên chợ tháng Giêng 2020, M.U tiếp tục cho thấy sự chuẩn xác của mình khi đưa về thêm hai tân binh chất lượng là Bruno Fernandes cùng Odion Ighalo. Fernandes có lẽ không phải nói nhiều nữa, bởi anh đã nhanh chóng trở thành linh hồn trong lối chơi của Quỷ đỏ. Về phần Ighalo, cái mác "hàng Tàu" của anh cũng được xóa bỏ bằng các bàn thắng quan trọng.

Với những quyết định chuyển nhượng đúng đắn như vậy, M.U dĩ nhiên muốn tiếp tục duy trì điều này thay vì lao đầu vào các vết xe đổ năm xưa. Quỷ đỏ quả thực rất "kết" Sancho, nhưng họ không thể vì thế mà nhắm mắt mua bừa. Xét về tiềm lực tài chính, M.U hoàn toàn có thể chi trả theo đòi hỏi từ Dortmund nhằm nhanh chóng khép lại thương vụ đã tốn quá nhiều giấy mực này.

Bên cạnh vấn đề tiền bạc chưa hợp lý, M.U sở dĩ thận trọng vụ Sancho vì thực tài của cầu thủ chạy cánh 20 tuổi. Sancho đã trải qua mùa giải 2019/20 thi đấu bùng nổ trong màu áo Dortmund với 20 bàn thắng cùng 20 đường kiến tạo sau 44 lần ra sân trên mọi đấu trường, một con số quá ấn tượng.

Thế nhưng, cần nhớ rằng Sancho mới 20 tuổi và vẫn thuộc dạng tiềm năng thay vì đã vụt sáng trở thành ngôi sao lớn. Điều đó có nghĩa anh hoàn toàn có thể trở thành "bom xịt" nếu không vượt qua được áp lực cực lớn đè nặng lên vai.


Nếu cập bến Man United, mọi ánh mắt sẽ được đổ dồn vào Sancho. Ai nấy đều muốn xem bản hợp đồng kỷ lục của M.U sẽ chơi ra sao, "gánh team" thế nào, chú ý đến từng bước chạy, từng cử động của Sancho trên sân lẫn các việc làm của anh bên ngoài sân cỏ. Nói chung, đó là thứ áp lực khủng khiếp mà nếu không bản lĩnh, Sancho hoàn toàn có thể chìm nghỉm.

 

Alexis Sanchez từng gồng gánh Arsenal hết mùa này tới mùa khác ở Premier League, được đánh giá là một trong những ngôi sao tấn công xuất sắc bậc nhất giải đấu, nhưng khi đặt chân tới Old Trafford, sự kỳ vọng quá lớn đã khiến tiền đạo này tàn lụi và mới phần nào tìm lại được mình trong màu áo Inter Milan. Nên nhớ rằng Sanchez đã là một cầu thủ khẳng định được tên tuổi, dày dạn kinh nghiệm trận mạc song cũng bó tay chịu chết trước núi áp lực không bao giờ vơi.

Lukaku thất bại ở M.U nhưng đang làm mưa làm gió tại Serie A

Romelu Lukaku cũng là một tiền đạo đầy tiềm năng của Premier League, nhưng đã nhanh chóng bị bán tháo khỏi M.U vì không đáp ứng yêu cầu. Đừng ai nói rằng sở dĩ Lukaku phải ra đi do bản thân chân sút này dở tệ thay vì đổ lỗi cho M.U. Hãy nhìn xem sau một mùa khoác áo Inter, ngôi sao người Bỉ đã làm được những gì. Anh thi đấu bùng nổ, ghi bàn sòn sòn và thậm chí phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác ở Nerazzurri.

Rõ ràng, khi khoác áo M.U, Lukaku đã phải chịu áp lực quá lớn đến nỗi không thể tỏa sáng. Anh bị cổ động viên, truyền thông hay các chuyên gia chỉ trích không ngớt chỉ sau một pha bóng đỡ bước một lỗi hoặc một pha dứt điểm thiếu chuẩn xác. Ngay đến những siêu sao như Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi vẫn thỉnh thoảng xử lý lỗi thì nói gì đến Lukaku. Sự soi mói thái quá từ báo giới, đặc biệt là với những cầu thủ nào liên quan tới M.U đã biến Old Trafford thành một nơi áp lực và cực kỳ khốc liệt.

Nếu Sancho tới M.U, anh chắc chắn sẽ lâm vào tình cảnh tương tự như Lukaku với từng động tác, từng pha xử lý bị để ý rất kỹ. Chỉ một tình huống, ví dụ, qua người bất thành thôi có lẽ cũng sẽ khiến ngôi sao 20 tuổi trở thành tâm điểm bàn tán trên mạng xã hội. Việc được chú ý xét trên khía cạnh nào đó là một điều tốt, song nó là con dao hai lưỡi. Chưa cần bàn tới vấn đề chuyên môn, chỉ cần vượt qua được áp lực tâm lý khi khoác áo Man United, Sancho đã tạm gọi là thành công.

 

Ngoài ra, dù từng là cầu thủ của Man City nhưng Sancho chưa bao giờ thi đấu ở Premier League. Việc sao mai này tỏa sáng ở Bundesliga không đồng nghĩa anh có thể làm điều tương tự tại Ngoại hạng Anh - giải đấu được đánh giá khắc nghiệt nhất thế giới.

Lối chơi của Sancho chủ yếu dựa vào kỹ thuật, những pha xử lý khéo léo và tốc độ. Tuy nhiên, liệu phong cách này có thể phát huy hiệu quả ở Premier League hay không vẫn là điều mà M.U đang suy tính. Các hậu vệ tại Ngoại hạng Anh nổi tiếng với lối đá rắn, không ngại phạm lỗi, đồng thời tạo ra rất ít khoảng trống để cầu thủ đối phương có thể thoải mái "múa may" hay tìm kẽ hở.

Với kinh nghiệm thi đấu ở Anh là con số 0, Sancho chắc chắn là một canh bạc lớn dành cho Man United. Đó là một phần lý do tại sao Quỷ đỏ muốn chi phí chuyển nhượng của Sancho thấp đi, bù lại tăng tiền phụ phí lên. Cách đây chưa lâu, báo chí Anh cho biết M.U sẵn sàng trả cho Dortmund 66 triệu euro, kèm 45 triệu euro phụ phí (tức tổng 111 triệu euro) cho Sancho. Số tiền này cho thấy rõ mục đích của Quỷ đỏ, đó là hạn chế rủi ro nhiều nhất có thể.

Nếu Sancho thi đấu hay, đoạt được các danh hiệu cá nhân, ví dụ như Quả bóng Vàng hay gì đó, anh cùng Dortmund sẽ được nhận khoản tiền thêm xứng đáng từ phụ phí. Ngược lại, trong trường hợp Sancho không may hóa "bom xịt", M.U sẽ chỉ mất 66 triệu euro phí chuyển nhượng, qua đó giảm thiểu tối đa thiệt hại thay vì số tiền chuyển nhượng cao còn phụ phí thấp.

Tóm lại, có nhiều lý do để M.U chần chừ chốt hạ vụ Sancho. Tuy nhiên, đây là việc làm hợp lý của Quỷ đỏ bởi họ cần tính toán thật kỹ để tránh đi vào vết xe đổ của quá khứ.

 

Clip các bàn thắng đẹp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm