Thể thao

Trao đổi cầu thủ, phương thức chuyển nhượng lắm rủi ro

Trong bối cảnh khủng khoảng vì dịch Covid-19, trao đổi cầu thủ là phương thức chuyển nhượng được các đội yêu thích. Tuy nhiên thực tế cho thấy những vụ giao dịch kiểu này ít mang lại thành công.

Sếp lớn các đội bóng cũng bị cấm cửa vào sân tại Premier League / Khán đài trống trong dịch Covid-19 ảnh hưởng tới các 'ông lớn' Premier League thế nào?

Trao đổi cầu thủ, phương thức chuyển nhượng lắm rủi ro
Đổi cầu thủ luôn tiềm ẩn những rủi ro.

Thường thì các vụ đổi ngang cầu thủ hiếm khi diễn ra, bởi sự phức tạp vì có quá nhiều bên liên quan. Nhưng Covid-19 đã khiến cả thế giới điêu đứng và các đội bóng đang phải đối mặt với thách thức cực đại. Như chủ tịch Josep Maria Bartomeu của Barcelona dự đoán: “Sẽ có rất ít tiền được ném vào thị trường chuyển nhượng và các đội buộc phải thực hiện các vụ trao đổi cầu thủ như một phương thức để tăng cường nhân sự”.

Trên lý thuyết, cách này mang đến rất nhiều lợi ích. Hai đội bóng vừa có được một cầu thủ chất lượng mà không phải bỏ ra đồng nào, vừa đẩy đi một cầu thủ thừa để thu hẹp quỹ lương. Nhưng trên thực tế, kết hợp hai người thừa không chắc sẽ tạo nên một vụ chuyển nhượng tuyệt vời cho cả hai. Vụ hoán đổi Henrikh Mkhitaryan với Alexis Sanchez của M.UArsenal đầu năm 2018 là một minh chứng sống động.

Thời điểm đó, sự trao đổi này hứa hẹn mang lại lợi ích cho tất cả. M.U tìm được lời giải cho bài toán sáng tạo, lại khống chế được sự bành trướng của Man City (vốn cũng theo đuổi Sanchez), trong khi ngôi sao người Chile nhận lại mức lương cao phi lý mà anh mong muốn; còn Arsenal có được sự thay thế đầy chất lượng và Mkhitaryan sẽ có sự tự do, thay vì bó buộc trong triết lý thực dụng bảo thủ của Jose Mourinho khi ấy.

Cả M.U lẫn Arsenal đều sai lầm trong vụ trao đổi Mkhitaryan (trái) và Sanchez

Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để các bên nhận ra sai lầm. Cả Sanchez và Mkhitaryan đều thất bại thảm hại. Ngôi sao người Chile chỉ ghi vỏn vẹn 5 bàn sau 45 lần ra sân ở mọi đấu trường cho M.U. Và với mức lương 400.000 bảng/tuần, có nghĩa M.U phải trả 700.000 bảng cho mỗi lần ra sân, hay 6,2 triệu bảng cho mỗi bàn thắng của tiền đạo này. Trong nỗ lực cắt lỗ, họ phải đẩy Sanchez sang Inter theo dạng cho mượn.

 

Mkhitaryan không khá hơn, với 9 bàn sau 58 trận. Anh ta sớm cảm thấy ngột ngạt trở lại dưới phong cách huấn luyện của Unai Emery, sau đó cũng theo chân Sanchez tới Serie A (Roma) để tìm kiếm cơ may nhằm cứu vãn sự nghiệp. Arsenal cũng thâm hụt nặng vì vụ này, bởi mức lương 200.000 bảng/tuần họ trả cho cầu thủ người Armenia cao thứ 2 ở Emirates. Hiển nhiên là Arsenal, cũng như M.U, đã lãng phí cả thời gian và tiền bạc mà không thể giải quyết vấn đề của họ, thậm chí mắc kẹt với rắc rối khác.

Rất nhiều lý do để giải thích cho vụ hoán đổi tồi tệ này, nhưng một phần xuất phát từ những quyết định vội vàng. Cả M.U và Arsenal có quá ít thời gian để tìm hiểu về cầu thủ họ sẽ sở hữu, từ tình trạng thể chất đến tâm lý và đời sống cá nhân phức tạp. Các CLB trong bối cảnh hiện tại cũng có thể lặp lại sai lầm tương tự, khi bị giới hạn về tài chính và cho rằng hình thức trao đổi cầu thủ là giải pháp tốt sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Những thiệt hại mà M.U và Arsenal phải gánh
M.U và Arsenal không phải bỏ ra một xu chuyển nhượng, nhưng sau đó chi phí tiền lương phải trả là cực lớn. Quỷ đỏ sau khi mất 31,5 triệu bảng trong 1 năm rưỡi lương, vẫn tiếp tục trả 15,6 triệu bảng mùa này (3/4 lương) cho Sanchez. Còn Mkhitaryan khiến Pháo thủ mất 15,6 triệu bảng tiền lương và sẽ phải gánh một phần lương nếu muốn Roma mua đứt anh ta.
Clip các bàn thắng đẹp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm