Trung vệ Đỗ Khải: Tài hoa nhưng sinh không đúng thời
Barca và Real 'rủ nhau' giảm 30% lương đầu mùa 2020/21 / 'M.U không hiểu hết tiềm năng của Lukaku'
Tài năng
Đặt trường hợp chấn thương đầu gối của Đỗ Khải xảy ra trong giai đoạn hiện nay, khi y học thể thao Việt Nam phát triển hơn hẳn trước đây, khi mà giới cầu thủ nói riêng và giới bóng đá nói chung hiện tại giàu hơn hẳn cuối những năm thuộc thập niên 1990 và đầu những năm 2000, có thể một trong những trung vệ hay nhất của lịch sử bóng đá Việt Nam đã không phải giải nghệ.
Năm 2001, Đỗ Khải khi đó mới 27 tuổi, đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời cầu thủ, dính chấn thương đầu gối. Với chấn thương như thế, thậm chí nặng hơn thế, Tuấn Anh ngày nay vẫn có thể hồi phục, Xuân Trường và Đình Trọng đang trên đường hồi phục.
Nhưng quay trở lại thời điểm cách nay gần 20 năm, y học thể thao Việt Nam gần như bó tay với các ca chấn thương đầu gối, nhất là những ca liên quan đến dây chằng đầu gối.
Việc ra nước ngoài chữa trị cũng gần như không thể, vì cầu thủ không có nhiều tiền, các CLB chủ quản cũng không có nhiều tiền, và hồi đấy cũng chưa có các ông chủ tỷ phú bảo trợ cho các CLB, để có đủ tiền chi cho các cầu thủ ra nước ngoài chữa chấn thương.
Sự nghiệp cầu thủ đỉnh cao của Đỗ Khải vì thế chấm dứt nhanh chóng, chỉ sau vỏn vẹn 7 năm ở đỉnh cao.
Nhiều người lấy làm tiếc rằng nếu như Đỗ Khải kéo dài sự nghiệp thêm chút nữa, có thể bản thân anh đã có bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ hơn hẳn, kiếm được nhiều tiền hơn hẳn, bởi chỉ 1 năm sau khi Đỗ Khải giải nghệ, bóng đá Việt Nam bắt đầu nở rộ trào lưu xã hội hoá TDTT, với hàng loạt ông bầu đại gia tham gia đầu tư bóng đá. Đồng thời, bóng đá Việt Nam có thể không phải chờ đến tận năm 2008 mới có ngôi vô địch AFF Cup lần đầu tiên, nếu Đỗ Khải không sớm giải nghệ khi mới 27 tuổi.
Năm 1992, khi mới 18 tuổi (chính xác là mới bước qua tuổi 17), Đỗ Khải đã khoác áo đội 1 Hải Quan thi đấu ở giải vô địch quốc gia. Tức là Đỗ Khải còn thành danh và bộc lộ tài năng sớm hơn cả thế hệ của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… từng được ca ngợi khi lứa này ở tuổi 19.
Hải Quan của những năm đầu thập niên 1990 là đội bóng rất mạnh. Cùng với 2 đội bóng cùng thành phố là Cảng Sài Gòn và CA TPHCM, Hải Quan thay nhau giành hầu hết tất cả các danh hiệu quan trọng của bóng đá Việt Nam trong những năm đó. Riêng Đỗ Khải 2 lần giành cúp quốc gia trong màu áo Hải Quan các năm 1996 và 1997.
Người thay đổi khái niệm về lối chơi của một hậu vệ trong bóng đá nội
Năm 20 tuổi, Đỗ Khải đã khoác áo đội tuyển quốc gia và trụ vững ở đó suốt 7 năm trời, cho đến trước khi anh giải nghệ vào năm 2001. Và hoá ra, chiếc áo số 7 mà Đỗ Khải vẫn thường mặc khi còn đá bóng lại là điềm báo của chính anh: Sự nghiệp đỉnh cao gần như chỉ gói gọn trong khoảng… 7 năm!
Trong khoảng thời gian 7 năm khoác áo đội tuyển Việt Nam, Đỗ Khải 2 lần giành ngôi Á quân SEA Games năm 1995 và 1999, HCĐ giải đấu này năm 1997, một lần đứng nhì AFF Cup năm 1998 và một lần đứng ba tại giải đấu này năm 1996. Cựu trung vệ của đội Hải Quan cũng giành Quả bóng bạc Việt Nam năm 2001 và Quả bóng đồng năm 2000.
Những năm 1990 của thế kỷ trước, hầu hết các đội bóng trong nước đều thi đấu với sơ đồ 5-3-2, với 1 trung vệ thòng đứng ngay phía dưới 2 trung vệ dập, và Đỗ Khải chính là một trong những trung vệ thòng đá hay nhất, kỹ thuật nhất và có đầu óc nhất mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh được.
Lối chơi của trung vệ Đỗ Khải mang nét hao hao giống như cựu libero Matthias Sammer của đội tuyển Đức, là thủ lĩnh của đội Đức vô địch Euro 1996 và của CLB Borussia Dortmund vô địch Champions League 1997. Đấy là lối chơi mạnh mẽ trong tranh chấp, nhưng không thiếu kỹ thuật và biết chiến thắng cầu thủ tấn công của đối phương bằng khả năng đọc tình huống nhanh hơn họ, kỹ thuật thu hồi bóng tốt hơn họ, chứ không phải bằng lối chơi băm bổ.
Cả Đông Nam Á thời đó ngán Đỗ Khải, và hầu như không một cầu thủ tấn công nào của bóng đá Việt Nam và bóng đá khu vực có thể dễ dàng vượt qua chàng trung vệ tài hoa này trong các tình huống một chọi một. Giới bóng đá Việt Nam thời đó có chung nhận xét Đỗ Khải dù đá ở vị trí cần đến cơ bắp, nhưng anh không chơi như một “đồ tể”, mà chơi với chất tài hoa của một nghệ sĩ.
Nhiều năm sau khi Đỗ Khải giải nghệ, đến tận AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam mới xuất hiện một Vũ Như Thành cũng đá trung vệ và cũng có kỹ thuật thu hồi bóng tương tự như Đỗ Khải năm nào, trước khi Như Thành hoàn tất công việc mà Đỗ Khải còn dang dở, đó là vô địch Đông Nam Á cùng đội tuyển Việt Nam.
Sau khi giải nghệ, cái tên Đỗ Khải cũng không xuất hiện nhiều trong làng bóng đá Việt Nam, vì như đã nói, giai đoạn mà Đỗ Khải giải nghệ là giai đoạn giao thời của bóng đá nội: Từ bóng đá bao cấp sang xu hướng xã hội hoá. Và cầu thủ trong giai đoạn này buộc phải lựa chọn, hoặc quay về với biên chế của cơ quan chủ quản, hoặc bỏ biên chế để dấn thân theo con đường bóng đá chuyên nghiệp.
Đỗ Khải lúc ấy đã chấn thương và không còn khả năng tiếp tục đá bóng đỉnh cao, nên anh cũng không còn lựa chọn. Trung vệ tài hoa ngày nào quay về với ngành Hải Quan, và gần như đoạn tuyệt với bóng đá đỉnh cao!
End of content
Không có tin nào tiếp theo