Từ dây chằng 1,4 tỷ của Công Vinh đến nỗi lo Văn Thanh giống Tuấn Anh
Công Vinh nhận chức mới, vẫn làm chủ tịch: Giá trị của ngôi sao / Ban lãnh đạo HAGL lên tiếng về chấn thương của Văn Thanh
Hồi tháng 4/2016, tôi từng gặp Công Vinh tại nhà ở quận 7, TP.HCM. Hôm đó, tôi phỏng vấn Công Vinh về chủ đề chấn thương của bóng đá Việt Nam. Tôi chọn Công Vinh vì anh từng bị đứt dây chằng nhưng sau phẫu thuật chơi gần như đoạt 100% phong độ, không hề tái phát chấn thương.
Công Vinh kể kinh phí điều trị đứt dây chằng lên đến 1,4 tỷ đồng, tức con số hơn rất nhiều so với những cầu thủ Việt Nam khác bị đứt dây chằng. Ví dụ Anh Khoa từng tốn hơn 800 triệu đồng để phẫu thuật gối, dù chấn thương rất phứt tạp nên giá viện phí thấp hơn so với Công Vinh.
Chấn thương đứt dây chằng của Công Vinh xảy ra ở buổi tập vào năm 2010. Cựu tiền đạo ĐTVN đã sang Bồ Đào Nha chữa trị với thời gian hơn 10 tháng, bao gồm phẫu thuật và tập phục hồi.
Công Vinh nói với tôi rằng: “Nhiều người có thể mất 6 tháng hồi phục nhưng có người phải đến 10 tháng. Trường hợp của tôi là hơn 10 tháng. Khi trở lại, tôi có thể chơi với 95% - 100% phong độ. Ở Việt Nam mổ dây chằng xong thì mình “tự bơi” nhưng tôi tập ở nước ngoài thì đó là sự khác biệt.
Bình thường mổ dây chằng ở Singapore sẽ lấy sợi gân ở đùi sau nhưng bác sỹ mổ cho tôi lại lấy gân của xương bánh chè. Đó được xem là sợi gân chắc nhất trên cơ thể người. Tuy nhiên, mổ như thế thì cần thời gian hồi phục lâu hơn người khác. Dây chằng để lâu hơn thì độ bền tốt hơn.Những cầu thủ khác mất 6-7 tháng sẽ đá lại nhưng tôi cần khoảng 10 tháng mới có thể trở lại. Chứng tỏ tôi mất thời gian nhiều hơn, có chế độ tập hồi phục tốt hơn và tập với cường độ cao hơn.
Thời điểm đó, tôi tập ở trung tâm hồi phục thuộc thành phố Porto với giá 40 euro cho 1 tiếng đồng hồ và mỗi ngày tập 2 tiếng. Tôi còn tập thêm buổi sáng ở bể bơi. Chỗ tôi tập có nhiều cầu thủ nổi tiếng từng đến như Kaka, Anderson… Những cầu thủ của CLB Porto đều đến tập hết.
Đó là nơi chuyên tập hồi phục cho VĐV cấp cao. Tại đây, ngoài việc hướng dẫn theo giáo án, các bác sỹ còn giúp tôi tập bằng máy. Mỗi loại cơ đều có máy tập riêng để gần như toàn bộ cơ thể phải hoạt động. Bình thường mình chạy thì cơ mới cứng được, nếu không tập thì cơ sẽ bị teo. Họ có máy tập nên mình chưa gập được thì họ vẫn tập máy cho mình. Họ sẽ có từng giai đoạn để biết mức độ dây chằng mình hồi phục như thế nào.
Vào tháng thứ 3 sau ca mổ, tôi đã có thể đi lại được. Buổi sáng, tôi tập bơi 1000 mét. Tôi tập khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng ở bể bơi. Buổi chiều, tôi tập gym, đạp xe đạp, đá bóng lưới nhỏ, các bài tập với máy về cơ chân.Tháng thứ 4, tôi có thể vận động, có thể chạy thì ra làm quen với bóng từ động tác cơ bản nhất. Bác sỹ sẽ theo dõi tôi từ các bài tập về sức nhanh, chạy, xoay sở…
Đến tháng thứ 5-6, tôi đã hồi phục thì phải nâng cao thể lực, tốc độ của mình lên. Muốn tập phải có phương pháp, họ có HLV chỉ cho mình. Mình tập như vậy thì không bị tăng cân và kiêng cữ nhiều. Cộng tất cả mọi thứ như thế, mình phải hồi phục tốt thôi”.
Câu chuyện Công Vinh phẫu thuật dây chằng trở lại với bóng đá gần 100% phong độ là bài học cho bóng đá Việt Nam. Nhiều cầu thủ đứt dây chằng phần lớn phẫu thuật xong lại trở về Việt Nam tự tập phục hồi, hoặc tập cùng bác sỹ ở CLB. Điều này xảy ra nhiều hệ lụy lớn khi trình độ các bác sỹ thể thao ở Việt Nam khó so sánh được với nước ngoài.
Nguyễn Tuấn Anh là một ví dụ. Tiền vệ HAGL có 2 lần phải làm phẫu thuật và hậu quả là Tuấn Anh bây giờ đang sở hữu đôi chân “pha lê”, cứ va chạm lại xảy ra chấn thương.
Tôi từng bất ngờ về chuyện Tuấn Anh phẫu thuật xong, tập phục hồi chỉ mới 70% nhưng được gọi lên đội tuyển đá giao hữu. Một nghịch lý lớn là không chờ cho Tuấn Anh bình phục hoàn toàn, cơ thể khỏe mạnh nhất để tránh tái phát chấn thương mới chơi bóng.
Tới đây, Vũ Văn Thanh sang Hàn Quốc phẫu thuật dây chằng. Nếu quá trình điều trị đi theo vết xe đổ của Tuấn Anh thì thật sự nguy hiểm. Hệ lụy có thể khiến cho HAGL và bóng đá Việt Nam mất thêm 1 cầu thủ giỏi chỉ vì phần lớn bác sỹ ở các CLB chưa có trình độ cao. Hy vọng nỗi lo này không xảy ra và Văn Thanh có thể chơi 100% phong độ như Công Vinh sau phẫu thuật.
Phần đánh giá về trình độ bác sỹ thể thao ở Việt Nam được xem là yếu. Đó là nhận xét chung của giới cầu thủ lẫn HLV, thậm chí HLV cấp ĐTQG từng chia sẻ với tôi.
Y học trong thể thao rất quan trọng nhưng bóng đá Việt Nam đang thiếu người giỏi để lo cho các cầu thủ. Nếu chúng ta không cải thiện được điều này thì hậu quả sẽ mất đi nhiều cầu thủ giỏi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhận án phạt nặng từ VFF, cựu sao ĐT Việt Nam lên tiếng về hành vi gây phẫn nộ
HLV Kim Sang-sik 'thay máu' nhân sự ĐT Việt Nam, tiết lộ tiêu chí lựa chọn nhân tài
HLV Kim Sang Sik: 'Nếu không dạy được cầu thủ thì nên nghỉ'
Bạn thân Nguyễn Xuân Son nói tiếng Việt cực đỉnh, khát khao được nhập tịch thi đấu cho ĐT Việt Nam
HLV Amorim nổi trận lôi đình, Man United thanh lý 8 ngôi sao để tái thiết đội hình trong mơ?
Hậu vệ Việt kiều cao 1m75 vừa cập bến V.League là ai?