Từ Pele, Di Stefano đến Cruyff, Messi hãy nhớ "yêu nhau lắm, cắn nhau đau"
Dortmund bay cao trên đôi cánh của 3 "Cậu bé Vàng" / Braithwaite tới Barca: Nước cờ phản ánh sự bất tài của nhà Vua
Không hẳn mọi chuyện tình đều kết thúc như vậy. Pele và Santos đã yêu nhau dài lâu, tưởng chừng không bao giờ kết thúc. O Rei gắn bó với đội bóng này suốt 15 năm, từ chối vô khối lời ve vãn hấp dẫn từ các đội bóng châu Âu như Real Madrid và Juventus, để rồi chia tay trong nỗi đau dài lâu.
Dù là biểu tượng, dù là chìa khóa để Santos mở két hàng trăm đội bóng trên khắp hành tinh thông qua hợp đồng đá giao hữu với điều khoản "phải có Pele ra sân", Vua bóng đá lại kết thúc sự nghiệp trong nỗi cô đơn hoang hoải tại New York Cosmos, như thể một kẻ tị nạn lưu vong. Sau rốt, chỉ còn người hâm mộ Santos yêu ông mãi mãi.
Cay đắng hơn cả Pele, Di Stefano chia tay Real Madrid trong những lời oán trách khôngthôi. Pele phủ cái bóng như thế nào tại Santos thì Di Stefano tạo ảnh hưởng tương tự tại Real. Ông không chỉ được xem là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử đội bóng Hoàng gia mà còn là cái tên định nghĩa lại khái niệm chiến thắng tại Santiago Bernabeu.
Sau khi Di Stefano đến, madridistas mới nhận thấy việc chiến thắng là điều tầm thường hoặc bất kể trận nào cũng phải giành chiến thắng, và thắng là phải đẹp. Đó là nền móng để sau này Real xây dựng nên bản sắc, khí chất và tinh thần madridismo.
Vậy nhưng vào năm 1964, sau khi giành thêm 1 danh hiệu La Liga và để thua trong trận chung kết cúp C1 với Inter của Helenio Herrera, Real Madrid đã quyết định tống tiến người hùng vĩ đại nhất lịch sử đội bóng. Di Stefano khi ấy 38 tuổi, đã cãi vã với HLV Miguel Munoz và không nhận ra ẩn ý trong lời bóng gió của Raimundo Saporta, cánh tay phải của Chủ tịch Santiago Bernabeu.
Pele và Di Stefano đều chia tay đội bóng họ làm nên tên tuổi trong chua cay
Real không còn cần Di Stefano nữa. Họ gợi ý ông một chân ngồi chơi xơi nước trong văn phòng. Bằng sự kiêu hãnh và ngạo nghễ của một huyền thoại vĩ đại, Di Stefano thẳng thừng từ chối. Không ai được quyết định khi nào Di Stefano nghỉ chơi bóng ngoài Di Stefano. Đơn giản là như vậy.
Đến tháng 8/1964, ông ký hợp đồng với Espanyol, nơi người bạn Laszlo Kubala chuyển đến sau 10 năm xưng hùng xưng bá tại Nou Camp. Sau khi hoàn tất hợp đồng, Di Stefano với con tim rỉ máu đã gửi cho Bernabeu bức thư đầy oán thán mà trong đó có câu: "Ông như một người cha đã làm tôi thất vọng!".
Trong cơn giận, Bernabeu đã xóa tên chiếc thuyền nhỏ được đặt theo biệt danh của Di Stefano ở cảng Santa Pola. Từ đó, không ai gọi chiếc thuyền câu của Bernabeu là La Saeta Rubia (Mũi tên bạc) nữa. Và cũng từ đó, vị Chủ tịch và cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử Real Madrid không bao giờ nói chuyện lại với nhau.
Người hâm mộ phần nào lãng quên Di Stefano, bởi chỉ 2 năm sau khi ông ra đi, Real giành chiếc cúp C1 thứ sáu, với Gento và thế hệ Yé-yé. Nhưng 30 năm tiếp theo, Real không một lần bước lên đỉnh cao nhất của bóng đá châu Âu. Còn Di Stefano, ông trở lại, từ tư cách huấn luyện viên đến Chủ tịch danh dự, nhưng đó là thời điểm khác.
Và sau Di Stefano, Bernabeu chứng kiến rất nhiều cuộc chia ly không kèn không trống hoặc thậm chí trong nước mắt chua cay của những huyền thoại vĩ đại. Điển hình là Fernando Hierro, Raul Gonzalez hay Iker Casillas.
Casillas chia tay Real trong nước mắt
Cuộc chia ly giữa Maradona và Napoli khá dị biệt, vì liên quan đến ma túy và án treo giò, nên không phải trường hợp điển hình cho những cuộc chia ly giữa đội bóng và tượng đài. Nhưng trường hợp Cruyff tại Barca lại là ví dụ điển hình cho câu yêu nhau lắm, cắn nhau đau.
Bây giờ có vẻ khó tin, bởi sự trở lại ngoạn mục của Cruyff trong vài trò HLV cũng như vị thế của huyền thoại người Hà Lan tại Nou Camp hiện nay, nhưng vào năm 1978, ngôi sao bóng đá số một châu Âu và cule đã nói lời chia tay thật giá băng. Cruyff không còn tìm được cảm hứng trên sân. Cule bối rối vì một anh chàng ngày càng kiếm nhiều tiền lại càng lười.
Sự cuồng nhiệt của năm 1974, năm vinh quang của Barca và Cruyff, đã hoàn toàn tan biến. Tiếng huýt sáo, la ó, một cuộc chia tay để tỏ lòng tôn kính huyền thoại được tổ chức nhạt nhẽo, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tấm lòng "hẹn gặp lại" giữa đôi bên.
Nhưng thiên tài vẫn cứ là thiên tài. Cruyff trở lại Hà Lan giúp Feyenoord đăng quang giải VĐQG và phát minh ra quả phạt đền kiến tạo. Phải mất rất nhiều năm sau, sự rạn nứt giữa Cruyff và cule mới được hàn gắn và sự tương hỗ được tái tạo.
Messi một ngày nào đó sẽ rời Barcelona. Siêu sao người Argentina trưởng thành từ La Masia nhưng chưa bao giờ thôi nhớ Newell's Old Boy và vẫn nhận mình là một người Rosario. Ở Nou Camp, Messi có lẽ giống Pele và Santos. Tuy nhiên, mọi thứ ngày càng trở nên khó khăn, với những biến cố liên tiếp xảy ra liên quan đến siêu sao người Argentina và BLĐ đội bóng.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Messi vẫn khẳng định rất yêu Barca, nhưng tình yêu vĩ đại trong bóng đá có xu hướng kết thúc một cách tồi tệ. Hãy nhớ như vậy!
End of content
Không có tin nào tiếp theo