Thể thao

V.League và HAGL va chạm chuyện tài trợ: Các giải khác trên thế giới như thế nào?

Mới đây, bầu Đức tuyên bố không tham dự V-League 2023 nếu VPF cấm đội nhà quảng bá thương hiệu cho nhà tài trợ mới ký kết. Hãy cùng On Sports làm rõ vấn đề và điểm qua các trường hợp tài trợ liên quan đến thể thao trên thế giới.

Hà Nội FC "chốt sổ" ngoại binh chất lượng trước V.League 2023 / Huấn luyện viên Philippe Troussier có phù hợp với ĐT Việt Nam?

Mới đây, công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã gửi công văn yêu cầu HAGL không sử dụng hình ảnh quảng cáo của nhà tài trợ chính hiện tại, do vi phạm vào nhãn hàng độc quyền của nhà tài trợ chính V-League.

Cụ thể, trong Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hôm 26/12/2022, VPF đã thông báo về nhà tài trợ chính của V-League 2023, đó là nước tăng lực Night Wolf thuộc tập đoàn Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5.

Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 trở thành nhà tài trợ chính của V-League từ mùa giải 2022 đến hết mùa giải 2024

Tới ngày 5/1, VPF gửi văn bản thông báo tới các CLB. Theo đó, các đội bóng sẽ không được ký kết tài trợ với các nhãn hàng nước tăng lực - ngành hàng mà nhà tài trợ chính V-League đã đăng ký.

Tuy nhiên, 10 ngày sau khi văn bản trên được ban hành, HAGL đã ký hợp đồng với Carabao, một nhãn hàng nước tăng lực đến từ Thái Lan và không có trao đổi với VPF.

HAGL ký hợp đồng tài trợ với Carabao hôm 15/1

Trước đó, ở mùa giải 2022, HAGL cũng có hợp đồng tài trợ với Red Bull, một hãng nước tăng lực khác. Tuy nhiên, do hợp đồng này được ký kết trước khi hãng nước tăng lực khác ký với VPF nên đội vẫn có quyền quảng cáo. VPF cho biết nếu đội bóng phố Núi còn hợp đồng với nhãn hàng cũ thì vẫn được thực hiện, nhưng nhãn hàng mới ký sau hợp đồng của VPF thì đã vi phạm điều lệ giải.

 

Đây không phải quy định mới của VPF. Ngay từ năm đầu tiên tổ chức là 2012, VPF đã đưa quy định cấm quảng cáo cho ngành hàng cạnh tranh vào điều lệ. Cụ thể, từ năm 2012 đến 2014, VPF yêu cầu các câu lạc bộ tham dự giải không được có bất kỳ hình thức quảng bá, tài trợ nào gắn với ngành hàng "tài chính, ngân hàng", do nhà tài trợ chính của giải là ngân hàng Eximbank.

Sang năm 2014, Eximbank vẫn là nhà tài trợ chính, nhưng không còn độc quyền trong các hoạt động quảng bá. Vì vậy, VPF không cấm các đội bóng quảng cáo cho các ngành hàng cạnh tranh với Eximbank.

Từ 2015-2017 là giai đoạn 'thoáng' nhất về quảng cáo, khi nhà tài trợ là Toyota Việt Nam. Đó là thời điểm VPF bỏ hẳn quy định về quảng cáo cho ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính. Từ năm 2018, quy định cấm này đã quay trở lại và tồn tại suốt từ đó đến nay.

 

Ngay sau khi nhận công văn của VPF, HAGL đã gửi phúc đáp phản đối. Bầu Đức thậm chí đã tuyên bố sẽ bỏ giải, nếu VPF không đồng ý cho họ quảng cáo cho nhãn hàng nước tăng lực mới.

Ở các giải đấu thể thao thế giới, đa số các giải đấu không cấm chuyện nhãn hàng tài trợ đội bóng có cùng lĩnh vực với nhãn hàng tài trợ giải đấu. Ví dụ như NBA không cấm việc các Los Angeles Lakers được tài trợ bởi hãng tiền ảo (cryto.com) hay đồ uống (BioSteel), dù NBA được tài trợ bởi các nhãn hàng cùng lĩnh vực tiền ảo (Coinbase) hay đồ uống (Gatorade, PepsiCo, Anheuser-Busch InBev).

Các nhãn hàng tài trợ áo đấu của các đội bóng NBA. Có thể thấy rất nhiều nhãn hàng trùng với lĩnh vực của các nhà tài trợ NBA

Còn trong bóng đá, Premier League cũng không cấm việc ngân hàng Standard Chartered tài trợ cho Liverpool, mặc dù giải đấu này đang được tài trợ bởi một ngân hàng khác là Barclays.

 

Tuy nhiên, một khi trong hợp đồng tài trợ với giải đấu yêu cầu KHÔNG có sự xuất hiện của các nhãn hàng tài trợ cùng ngành ở các đội dự giải, các đội bóng hay đội tuyển buộc phải tuân theo. Tại World Cup 2022, ĐT Qatar không được phép quảng bá thương hiệu Pepsi dù được nhãn hàng này tài trợ, bởi World Cup là giải đấu được Coca Cola tài trợ, một nhãn hiệu đồ uống khác.

Tại World Cup 2022, ĐT Qatar không được phép quảng bá thương hiệu Pepsi dù được nhãn hàng này tài trợ, bởi World Cup là giải đấu được Coca Cola tài trợ, một nhãn hiệu đồ uống khác.

Hay như chính HAGL cũng từng gặp sự cố trang phục liên quan đến nhà tài trợ. Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) không cho phép phía HAGL mặc áo có logo nhà tài trợ của đội. HLV Kiatisuk và Tuấn Anh phải dùng băng keo để che lại logo trước sự giám sát của ban tổ chức, trước khi bước vào buổi họp báo trước trận gặp Yokohama F. Marinos.

 

Hay như trường hợp của Heineken là nhà tài trợ chính của UEFA Champions League. BTC của giải đấu danh giá nhất châu Âu cũng yêu cầu các đơn vị truyền hình không phát quảng cáo các hãng bia khác giữa 2 hiệp của các trận đấu thuộc Champions League nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà tài trợ.

HAGL từng gặp sự cố trang phục tại AFC Champions League 2022

Chiếu theo quy định về lý thì HAGL đã vi phạm vào điều lệ giải V-League. Do đó, HAGL và VPF chắc chắn sẽ phải làm việc để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất, trong bối cảnh mùa giải mới đã cận kề.

 

Clip các bàn thắng đẹp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm