Hẳn mọi người đều nhớ việc tuyển VN từng hừng hực khí thế bảo vệ ngôi vương tại AFF Cup 2010 sau chức vô địch đoạt được năm 2008 đã bị một tuyển Philippines luôn được xem là chiếu dưới đánh bại 2 bàn trắng ngay tại Mỹ Đình ở vòng bảng AFF Cup 2010. Cũng kể từ đó, bóng đá Philippines đã trở thành thế lực mới tại các giải đấu trong khu vực khi ba mùa giải liên tiếp (2010, 2012, 2014) họ đều vào đến bán kết. Tính đến hết giải năm 2016, họ đã có ngang thành tích với tuyển VN (vào bán kết các năm 2010, 2014, 2016).
Thế nhưng khi nói đến bước tiến thần tốc của đội tuyển bóng đá nước này, người hâm mộ các nước trong khu vực đều cảm thấy “ấm ức”. Đơn giản vì LĐBĐ Philippines cũng như lãnh đạo ngành thể thao nước này chẳng cần bỏ ra nguồn ngân sách khủng nào để đầu tư cho bóng đá trẻ. Họ chỉ bỏ sức kêu gọi những cầu thủ có gốc gác Philippines nhưng sinh trưởng tại các nước châu Âu, được đào tạo bài bản tại những đội bóng lớn của châu lục này về phục vụ quê hương. Đơn cử như tiền đạo đội trưởng Phil Younghusband từng được đào tạo tại CLB Chelsea hoặc thủ môn Neil Leonard Dula Etheridge từng được đào tạo tại học viện bóng đá của CLB Fulham và hiện đang chơi cho Cardiff City tại Premier League, còn tiền vệ John-Patrick Strauß (sinh tại Đức) cũng xuất thân từ lò đào tạo trẻ của CLB Leipzig và hiện đang chơi cho đội Erzgebirge Aue tại Bundesliga 2…
Cách làm này của lãnh đạo ngành thể thể thao Philippines bỗng thành công và hiệu quả bất ngờ. Thành công vì đội tuyển của họ không còn bị xem thường ở khu vực, còn hiệu quả vì họ chẳng tốn công, tốn sức trong việc đào tạo trẻ mà vẫn sở hữu cầu thủ giỏi! Mà quả thật nếu nhìn lại thì bóng đá trẻ Philippines vẫn là con số 0 to tướng tại các giải đấu trong khu vực. Ngay tại các kỳ SEA Games, giải đấu hạn chế cầu thủ dưới 23 tuổi, bóng đá nước này cũng không có cửa cạnh tranh vào bán kết.
Cách làm bóng đá này của người Phi thường bị các chuyên gia bóng đá và người hâm mộ các nước trong khu vực phê phán bằng cụm từ “xây nhà từ nóc”. Nhưng họ mặc kệ, bởi bóng đá đâu phải là môn thể thao được ưa thích nhất nước này. Bóng chày, bóng rổ và quyền anh mới là những môn người dân nước này để mắt đến, vì vậy ai muốn nói gì thì nói, họ cứ làm theo cách của mình để có thể đạt thành quả một cách nhanh nhất.
Chưa hết, với việc chi ra 80.000 USD hằng tháng để ký hợp đồng với cựu HLV tuyển Anh Eriksson, LĐBĐ Philippines còn đẩy cách làm bóng của mình lên tầm cao mới ở khu vực khi sở hữu đội hình đắt giá nhất và HLV nổi tiếng nhất trong số các đội bóng dự giải! Với những mệnh đề này thì khi khi suy theo tam đoạn luận, tuyển Philippines sẽ đứng đầu khu vực, nghĩa là vô địch AFF Cup 2018?
Với người Philippines, sở hữu trong tay dàn cầu thủ đáng giá và một HLV danh tiếng thế giới thì tam đoạn luận trên đủ khả năng trở thành hiện thực, nhất là khi họ đã bước đầu chứng minh thành quả của mình bằng việc đánh bại đối thủ khó chơi Singapore ở trận mở màn.
Liệu các đội bóng còn lại trong khu vực có để tam đoạn luận trên cũng như cách làm bóng đá theo kiểu “xây nhà từ nóc” của người Phi trở thành hiện thực?
Chắc chắn là không! Cứ chờ xem!