Thêm ba quốc gia châu Âu gia nhập ngân hàng do Trung Quốc đứng đầu
Trong một tuyên bố, ba quốc gia châu Âu gồm Pháp, Đức và Italia cho biết, họ muốn "trở thành các thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á".
Bắc Kinh đã rót 50 tỷ USD vào AIIB nhằm mục đích tài trợ cho sự phát triển trong khu vực. Tuy nhiên, AIIB được coi là một đối thủ "đáng gờm" đối với tổ chức mà Mỹ có vai trò quan trọng là Ngân hàng thế giới (WB).
(Ảnh AFP)
Washington, Tokyo và Seoul đã từ chối trở thành các thành viên sáng lập của AIIB. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 tuần, 4 nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã báo hiệu kế hoạch gia nhập định chế này.
Tuần trước, trong một động thái nhằm thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, Anh đã thông báo tham vọng sẽ trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên gia nhập AIIB.
Phản ứng về thông tin các quốc gia châu Âu quan tâm đến việc gia nhập ngân hàng do Bắc Kinh đứng đầu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định: "Chúng tôi hoan nghênh các quốc gia gia nhập AIIB để trở thành các thành viên sáng lập trong tương lai. AIIB là một tổ chức đầu tư đa phương mở và toàn diện. Sự tham gia của các nước bên ngoài khu vực sẽ tăng cường tính đại diện rộng rãi của AIIB".
Được biết, Trung Quốc và 20 quốc gia khác đã ký kết một bản ghi nhớ thành lập ngân hàng có trụ sở tại Bắc Kinh này vào tháng 10 năm ngoái.
Tại một cuộc họp báo chung với Phó Thủ tướng Trung Quốc Ma Kai hô, 17/3 tại thủ đô Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết, cũng như Pháp và Italia, Đức "muốn mang kinh nghiệm lâu nay của mình nhằm giúp ngân hàng AIIB tạo dựng một danh tiếng vững vàng. Chúng tôi muốn góp phần vào sự phát triển tích cực của kinh tế châu Á - khu vực mà các công ty của Đức đang tích cực tham gia".
Tuy nhiên, động thái của các quốc gia châu Âu trên lại vấp phải sự cảnh báo thận trọng từ phía Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho biết, mối lo ngại chính của Washington là liệu ngân hàng này có tuân thủ các tiêu chuẩn cao mà các tổ chức tài chính quốc tế đã phát triển hay không.
"Nó có bảo vệ được quyền của người lao động và môi trường? Liệu nó có giải quyết vấn đề tham nhũng một cách thích hợp hay không? Quan điểm của chúng tôi là bất cứ quốc gia nào tham gia cần đặt ra những câu hỏi đó ngay từ đầu", Bộ trưởng Tài chính Mỹ chia sẻ.
Tuy nhiên, châu Âu tin tưởng rằng, bằng cách gia nhập AIIB, họ sẽ đảm bảo tốt hơn các tiêu chuẩn quản trị ở mức cao.
Một nguồn tin trong chính phủ Đức phát biểu với hãng thông tấn AFP của Pháp rằng: "Đức cũng muốn AIIB đạt các tiêu chuẩn cao của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính khác trong khu vực. Chúng tôi đang hoạt động trên nguyên tắc có thể làm những gì tốt nhất với sự hợp tác mang tính xây dựng trong việc xây dựng các tiêu chuẩn này".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lew cũng cảnh báo các nhà lập pháp nước này rằng, việc từ chối chấp nhận các chương trình cải cách quản lý của của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đặt uy tín của Mỹ vào thế rủi ro, đồng thời khuyến khích việc thành lập mới các tổ chức cho vay đa phương mới giống như AIIB.
End of content
Không có tin nào tiếp theo