Thị trường

Thêm biện pháp giám sát các ngân hàng

Theo văn bản mới của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/7, thủ tục giám sát các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thêm biện pháp “áp dụng can thiệp sớm”.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08 ban hành đầu năm 2017 liên quan đến trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng.

Ngoài khuyến nghị, cảnh báo, xử phạt vi phạm hành chính, kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý, văn bản mới quy định thêm biện pháp xử lý là áp dụng can thiệp sớm.

NHNN bổ sung áp dụng việc can thiệp sớm với đối tượng giám sát ngân hàng. Ảnh minh họa: Quang Thắng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước bổ sung điều 18a và 19a sau điều 18, 19. Nội dung của điều 18a là áp dụng can thiệp sớm với đối tượng giám sát ngân hàng và điều 19a là theo dõi, đôn đốc, đánh giá thực hiện phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng.

Cụ thể, các đối tượng giám sát có 30 ngày để báo cáo bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước giải trình thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục, tổ chức triển khai thực hiện.

Trong trường hợp nếu xét thấy cần thiết, các đối tượng giám sát phải điều chỉnh, bổ sung phương án khắc phục và có trách nhiệm gửi trong vòng 15 ngày.

Ngân hàng Nhà nước cho biết trong quá trình theo dõi, căn cứ vào kết quả thực hiện phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng, tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng có quyền đề xuất cấp có thẩm quyền tiến hành làm việc trực tiếp, kiểm tra, thanh tra đột xuất đối với đối tượng giám sát ngân hàng theo quy định pháp luật.

Thông tư nói trên được Ngân hàng Nhà nước ban hành theo đề nghị của Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng, quy định về trình tự, thủ tục giám sát với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

 

Giám sát ngân hàng là hoạt động thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin về đối tượng giám sát ngân hàng qua hệ thống thông tin, báo cáo nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các rủi ro gây mất an toàn, vi phạm an toàn hoạt động.

Các đối tượng chịu trách nhiệm thực hiện là chánh văn phòng, chánh thanh tra, giám sát ngân hàng, thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN, giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc hoặc giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nên đọc
Theo Zing
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo