Dù nền kinh tế có nhiều khó khăn, số vụ án thụ lý ngày càng nhiều song công tác thi hành án (THA) vẫn có kết quả tăng cao.
Đánh giá chung về công tác THA tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hôm qua (12/9), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, năm 2014 các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong một số việc và số tiền cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 về giá trị tuyệt đối và cao nhất từ trước đến nay, còn công tác THAHS hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu.
Thi hành xong số tiền cao nhất từ trước đến nay
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết, mặc dù có kết quả tương đối cao về THA xong nhưng công tác THADS chưa có sự đột phá, còn khoảng cách so với chỉ tiêu Quốc hội giao, số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn nhiều tăng so với số còn phải thi hành của năm 2013 chuyển sang năm 2014, số việc phải hoãn THA còn nhiều, kết quả miễn giảm THA đạt thấp, việc giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng hiệu quả thấp.
Số cán bộ, công chứng vi phạm, bị xử lý kỷ luật tăng so với cùng kỳ năm 2013. Vẫn còn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài và một số vụ việc được dư luận xã hội quan tâm chưa xử lý dứt điểm được. Tuy đã cố gắng tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại nhưng vẫn còn chậm, hiệu quả hoạt động của các văn phòng thừa phát lại ở các địa phương ngoài TP.HCM còn hạn chế.
Năm 2014, công tác THAHS đã tiếp tục được thi hành nghiêm túc và hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu nhưng cũng còn một số hạn chế. Nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc phát sinh chưa được giải quyết kịp thời, công tác phối kết hợp giữa các cơ quan có liên quan có nơi chưa chặt chẽ…
Giảm giá 20 lần không bán đấu giá được tài sản thi hành án
Nhấn mạnh đến một số nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác THADS, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, đó là do thị trường bất động sản chưa khởi sắc trở lại nên rất nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá không bán được, dù đã giảm giá, bán đấu giá nhiều lần, thậm chí có trường hợp giảm giá hơn 20 lần vẫn không có người mua.
Cùng với đó, năng lực công tác, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, chấp hành viên chưa cao, thậm chí yếu kém. Công tác thanh, kiểm tra vẫn còn hạn chế, chưa phát huy tốt vai trò là công cụ phục vụ cho quản lý, điều hành. Vẫn còn sự bất cập trong thể chế pháp luật về THADS. Cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động THA chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là về kho vật chứng và trụ sở làm việc...
Nên để tăng hiệu quả công tác THA, một trong các kiến nghị được quan tâm là đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS để tạo chuyển biến cơ bản, bền vững cho công tác THADS trong thời gian tới, chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự về thi hành các bản án, quyết định của Tòa án cho phù hợp với Luật THAHS, chỉ đạo việc sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng bổ sung qui định về tạm tha có điều kiện đối với người đang chấp hành án phạt tù nhằm thực hiện rộng hơn chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội cải tạo tiến bộ, giao chỉ tiêu phù hợp với khả năng hoàn thành và duy trì bền vững kết quả THADS trong điều kiện số việc và tiền THADS thụ lý ngày càng nhiều nhưng nền kinh tế còn khó khăn.
Bà Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Từ sự việc một phạm nhân tại Trại Tân Lập phát tán các hình ảnh trong trại giam lên Facebook, báo động tình trạng người đang chấp hành án phạt tù phạm tội (nhất là tội phạm ma túy, lừa đảo bên ngoài, đánh bạc, đưa vật cấm như điện thoại vào trại…) trong nhiều năm. Ngoài những nguyên nhân do phạm nhân xảo quyệt, tinh vi, lợi dụng lúc đi làm việc bên ngoài để phạm tội, đưa vật cấm vào trại thì liệu có sự tiếp tay của cán bộ, giám thị trại giam hay không”.
Theo Pháp luật Việt Nam