Thị trường

Thị trường đồ uống Việt Nam: Nhà đầu tư ngoại càn lướt

Sức hấp dẫn của thị trường đồ uống Việt Nam khiến các nhà đầu tư nước ngoài chen nhau “đua găng” trên thị trường này ở Việt Nam.

 

Dù đã lên kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) từ năm 2013 lên 25-30% (từ 17,23% hiện tại), song cho đến nay, Carlsberg Breweries A/S (Đan Mạch) vẫn chưa được như ý. Bởi vậy, trong các cuộc tiếp xúc gần đây với các cơ quan chức năng Việt Nam, không chỉ Carlsberg mà cả các cơ quan đại diện ngoại giao của Đan Mạch tại Việt Nam vẫn rất tha thiết với câu hỏi bao giờ Carlsberg được “sở cầu như ý”.
 
Thị trường đồ uống có gas gần như là sự độc chiếm của Coca-Cola và Suntory PepsiCo. Ảnh: Hà Thanh
 
Xem ra, tham vọng của Carlsberg tại thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn. Bởi ngoài Habeco, Carlsberg cũng đang sở hữu 55% cổ phần tại nhà máy bia ở Bà Rịa - Vũng Tàu; 60% tại Liên doanh Nhà máy Bia Đông Nam Á (Halida) và 30% trong liên doanh với Công ty Bia Hạ Long. Chưa kể, năm 2011, Carlsberg còn bỏ tiền để mua lại Công ty Huda Beer (Bia Huế).
 
Trong khi đó, cuối năm ngoái, ThaiBev - công ty của tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan - cũng đã không hề giấu giếm sự “thèm muốn” của mình đối với một tên tuổi khác của Việt Nam trên thị trường này - Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). ThaiBev thậm chí đã định giá Sabeco ở mức 2 tỷ USD để hy vọng có thể mua cổ phần của công ty này, dù thực tế có quan điểm cho rằng, 2 tỷ USD vẫn là cái giá “quá rẻ” so với tên tuổi và thị phần đang nắm giữ của Sabeco.
 
Không chỉ dừng lại với Sabeco, ThaiBev còn nhắm tới Vinamilk, một ông lớn trên thị trường sữa Việt Nam. Công ty F&N Dairy Investments Pte Ltd của đại gia Thái Lan hiện sở hữu khoảng 11,04% vốn điều lệ của Vinamilk, trở thành cổ đông lớn thứ hai của Vinamilk.
 
Các thương vụ nổi tiếng trên thị trường này còn có thể được kể đến là Uni President mua lại Tribeco, hay Kirin Holding mua lại Công ty Thực phẩm quốc tế Interfood. Đó là chưa kể sự có mặt của Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL), với hàng loạt nhà máy bia được đặt tại TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Tiền Giang…, với các dòng sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng thế giới như Heineken, Tiger...
 
Trong khi VBL có mặt tại Việt Nam từ năm 1991, thì Sapporo (Nhật Bản) cũng đang từng bước nâng công suất nhà máy bia 42 triệu USD tại Long An.
 
Với mức tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít năm 2013, Việt Nam đang trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ ba châu Á. Và có lẽ đó là lý do vì sao nhiều đại gia nước ngoài muốn chen chân vào thị trường này, nếu không đầu tư trực tiếp nhà máy mới thì cũng là đầu tư thông qua việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), một xu hướng đang “hot” trong thời gian gần đây.
 
Trong khi đó, cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu tiêu thụ đồ uống có gas lớn cũng đã kéo các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Tuy nhiên, khác với thị trường đồ uống có cồn, với nhiều tên tuổi lớn cả trong và ngoài nước, thì thị trường đồ uống có gas gần như là sự độc chiếm của hai ông lớn Coca-Cola và Suntory PepsiCo.
 
Trước đây, Tribeco có thể được coi là một niềm tự hào của Việt Nam, song sau khi bị Uni President thâu tóm, vị ngọt Tribeco đã trở thành vị đắng. Và Coca-Cola, PepsiCo gần như thống lĩnh thị trường này. Thậm chí, có thời điểm, hai ông lớn này nắm giữ 80% thị trường nước giải khát Việt Nam.
 
Cả hai đại gia này đều có mặt tại thị trường Việt Nam từ 2 thập kỷ trước, cùng so găng trên thị trường nước giải khát Việt Nam và vài năm gần đây, liên tục mở rộng đầu tư. Năm 2012, Coca-Coca tuyên bố kế hoạch đầu tư tiếp 300 triệu USD vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2015, nhằm nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 500 triệu USD. Và trung tuần tháng 6 năm ngoái đã khánh thành 4 dây chuyền sản xuất mới tại Hà Nội và TP.HCM, mở đầu cho việc hiện thực hóa kế hoạch đầu tư này.
 
“Đầu tư vào thị trường Việt Nam vẫn rất nhiều tiềm năng. Chúng tôi nhận thấy rất nhiều cơ hội, nhiều năng lượng và khả năng phát triển tại đây. Hiện mức tiêu thụ nước giải khát không cồn của người Việt Nam mới bằng khoảng 20% mức trung bình của thế giới”, ông Mutar Kent, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Điều hành Coca-Cola đã nhiều lần nhấn mạnh như vậy.
 
Ngoài sản phẩm chính là Coca-Cola, thì Coca-Cola Việt Nam còn sở hữu các sản phẩm Fanta, Sprite, nước đóng chai Joy, nước trái cây Minute Maid, Splash, nước khoáng Dasani, sữa trái cây Nutriboost…
 
Trong khi đó, PepsiCo có mặt tại Việt Nam từ năm 1991. Bên cạnh nước có gas, PepsiCo còn sản xuất hàng loạt sản phẩm đồ uống khác, như Sting, Twister, Lipton Ice Tea, Aquafina, 7Up Revive, Trà xanh Lipton; Twister dứa…
 
Năm 2010, PepsiCo cũng đã tuyên bố tiếp tục đầu tư 250 triệu USD cho 3 năm tiếp theo. Hai năm sau, PepsiCo mua lại Nhà máy SanMiguel Đồng Nai, đồng thời chính thức khánh thành Nhà máy PepsiCo có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Bắc Ninh, vốn đầu tư 70 triệu USD. Tháng 4/2013, liên minh nước giải khát chiến lược Suntory PepsiCo Việt Nam đã được thành lập giữa Suntory Holdings Limited và PepsiCo, Inc., trong đó Suntory chiếm 51% và PepsiCo chiếm 49%. Hai sản phẩm mới trà Olong Tea+ Plus và Moutain Dew chính thức ra mắt.
 
Lần lượt như vậy, thị trường đồ uống Việt Nam đón ngày càng nhiều ông lớn nước ngoài. Sự bùng nổ dân số của một quốc gia dân số trẻ, thu nhập tăng cao được cho là đòn bẩy cho sự phát triển của thị trường đồ uống, nước giải khát Việt Nam. Thị trường càng hấp dẫn, ngày càng nhiều ông lớn nước ngoài nhòm ngó.
 
 
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo