Thị trường

Thị trường M&A trong tương lai gần sẽ là cuộc chơi của ai?

Câu chuyện mua bán sáp nhập (M&A) theo ông Phạm Văn Thinh, TGĐ Công ty Deloitte Việt Nam là không có gì mới, nhưng ông đặt ra vấn đề: "Ai là người tham gia?".

Đây là vấn đề được nêu ra tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên lần thứ 10 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức diễn ra sáng nay (20/3).

Trong thời gian qua, các thương vụ M&A liên tục tăng trưởng. Trong năm 2016, mức giá trị đạt được là 5,8 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm 2015. Năm 2017 mức này tiếp tục tăng, đạt 6 tỷ USD cùng với việc Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh công tác cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp.


 

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Thinh, M&A phần lớn vẫn là cuộc chơi của các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư trong nước, hiện chỉ có thể kể được một số cái tên như Viettel, VinGroup, TTC, Petro Vietnam.

"Trong tương lai gần, M&A vẫn là nhà đầu tư nước ngoài tham gia là chính", đại diện Deloitte cho biết.

Thực tế, thị trường đã đánh dấu nhiều thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài có thể kể đến như Tập đoàn SCG và công ty Vật liệu xây dựng Việt nam, Tập đoàn CJ và công ty Cầu tre hay gần nhất là mua Sabeco do ThaiBev đứng đằng sau.

Thị trường Việt Nam, như ông Seek Yee Chung, công ty Baker&McKenzie từng nhận xét tại một hội thảo xúc tiến đầu tư M&A là rất hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài bởi các yếu tố quen thuộc như: chính trị ổn định, tiềm năng dân số trẻ, nhiều tài nguyên. Bên cạnh đó, khung pháp lý của Việt Nam cũng khá toàn diện…

Bình luận thêm về tính khả thi cho mục tiêu cổ phần hoá, thoái vốn 85 DNNN, ông Phạm Văn Thinh cho rằng thời gian qua tuy nhiều doanh nghiệp lớn được cổ phần nhưng tại thời điểm thực hiện, lượng cổ phiếu được bán ra rất nhỏ. Đơn cử như trường hợp của Vietcombank.
"Đến nay, tình trạng bán nhỏ giọt cổ phiếu vẫn tiếp diễn", ông Thinh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại diện Deloitte cho rằng nếu hoạt động thoái vốn tại DNNN tiếp tục diễn ra, thị trường sẽ có thêm nhiều hàng hoá, thông qua đó, sẽ giúp thu hút nhiều hơn nhà đầu tư.

"Khi thị trường có nhiều hàng hóa sẽ phản ánh thực chất thị trường hơn, nếu ít hàng hóa sẽ làm méo mó thị trường", ông Phạm Văn Thinh cho hay.

Nên đọc
Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo