Thị trường nước đóng chai: Phá thế thống trị của Nestle’, PepsiCo
Masan Beverage vừa được HĐQT của Masan Consumer thành lập sau khi nhà đầu tư này nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại Nước khoáng Vĩnh Hảo lên 63% (từ mức 24% năm 2013). Masan Consumer cũng đã điều chuyển toàn bộ cổ phần mình nắm giữ trước đó tại Vinacafe Biên Hòa và Nước khoáng Vĩnh Hảo cho Masan Beverage quản lý.
Động thái này cũng hứa hẹn sẽ còn những cuộc cạnh tranh đình đám trên thị trường nước đóng chai đang bị chi phối bởi sự có mặt đông đúc của các đại gia lớn đến từ nước ngoài.
Năm 2013, thị trường nước uống đóng chai Việt Nam đã chứng kiến sự chộn rộn của nhiều tên tuổi lớn như Vinamilk (với việc ra mắt sản phẩm nước tinh khiết ICY), Vital (với việc ra sản phẩm “Chanh muối Leo” và làm mới bao bì Nước khoáng Vital truyền thống), Công ty Bia - Rượu – Nước giải khát Cẩm Phả (ra mắt sản phẩm Nước khoáng Good Health ).
Cùng với đó là sự hiện diện của hàng trăm sản phẩm nước uống đóng chai của những doanh nghiệp khác nhau mà người tiêu dùng “thông thái” nhất cũng chỉ nhớ được một vài cái tên như: Thạch Bích, Đảnh Thạnh, Sapuwa, Evian, Laska, Dakai, Water Maxx, Vikoda...
Tuy chộn rộn là thế, nhưng đến thời điểm này, chưa có bất cứ sản phẩm hay tên tuổi nào có thể “động chạm” đến 2 “ông lớn” trong lĩnh vực nước uống đóng chai là Nestle’ với sản phẩm nước khoáng La Vie và Pepsi Co với sản phẩm nước tinh khiết Aquafina.
Mặc dù có những thông tin trái chiều về chất lượng sản phẩm ở chỗ này hay chỗ khác, nhưng với kinh nghiệm và khả năng xử lý khủng hoảng hoàn hảo, La Vie và Aquafina vẫn đang dẫn đầu thị phần nước uống đóng chai tại Việt Nam.
So với La Vie và Aquafina, các sản phẩm nước khoáng đóng chai của doanh nghiệp trong nước chưa đạt được “độ phủ” cần thiết. Sự lớn mạnh của Le Vie và Aquafina thậm chí còn khiến cho nhãn hàng Dasani của Coca Cola được ra đời năm 2011 vẫn chưa có được vị thế đáng kể như tên tuổi của công ty mẹ.
Đáng chú ý là sau cuộc thâu tóm của Masan với nước khoáng Vĩnh Hảo, nhiều doanh nghiệp nội địa không liên quan gì đến ngành hàng tiêu dùng cũng “đâm bổ” vào nước khoáng như Ngô Han (doanh nghiệp sản xuất dây đồng ở Đồng Nai) bất ngờ mua Nước khoáng Cúc Phương (Ninh Bình) hay Công ty bất động sản Năm Bảy Bảy thông qua một công ty con của mình mới được cấp phép dự án khai thác nước khoáng ở Quảng Ngãi với công suất 32,5 triệu lít/năm.
Trở lại với câu chuyện Nước khoáng Vĩnh Hảo, Masan không giấu giếm tham vọng với sản phẩm này khi bổ nhiệm ông Lê Trung Thành làm Giám đốc điều hành của Masan Beverage. Trong quá khứ, ông Thành đã từng giữ vị trí Tổng giám đốc của Nutifood, Phó tổng giám đốc Pepsi Co và khá nổi tiếng khi đưa ra thông điệp “Aquafina – vị ngọt tinh khiết” hồi năm 2006.
Theo ước tính của Masan, doanh số thị trường nước uống đóng chai Việt Nam hiện tại khoảng 40.000 tỷ đồng và Masan muốn sở hữu một phần xứng đáng trong “miếng bánh” này với Nước khoáng Vĩnh Hảo.
Với thế mạnh hệ thống phân phối rộng khắp của Masan, cơ hội cho Nước khoáng Vĩnh Hảo lan tỏa mạnh trong toàn quốc xem ra không có nhiều trở ngại. Hiện tại, Vĩnh Hảo đã hiện diện trên các kệ hàng tại nhiều siêu thị ở Hà Nội, TP. HCM, thay vì chỉ ở khu vực miền Trung và miền Nam như trước đây.
Có lịch sử hoạt động hơn 80 năm qua, tự thân Nước khoáng Vĩnh Hảo có sức sống mà không cần quảng cáo cũng như xây dựng riêng hệ thống phân phối. Tại khu vực miền Trung, sức sống của nhãn hiệu này được xem là “hữu xạ tự nhiên hương”.
Lãnh đạo Masan cũng không rất ngại ngần bày tỏ với các cổ đông của mình về vị thế của Nước khoáng Vĩnh Hảo trong tương lai khi cho rằng, quy mô hiện nay còn nhỏ nhưng với rất có triển vọng trong tương lai.
Vẫn biết, từ lời nói đến hiện thực là cả một câu chuyện dài. Tuy nhiên, với sự lớn mạnh của Masan hay Vinamilk trong lĩnh vực hàng tiêu dùng vài năm gần đây, người tiêu dùng hoàn toàn có thể hy vọng những sản phẩm nội địa có đủ sức cạnh tranh và làm chủ thị trường Việt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển