Thị trường ôtô nhập khẩu Việt Nam ảm đạm đầu 2018
Thị trường ôtô Việt tháng 3 khởi sắc so với trước đó, tuy nhiên niềm vui vẫn chỉ đến với các dòng xe lắp ráp, tương tự 2 tháng đầu năm. Xe nhập khẩu kéo dài tình trạng khan hàng, do tác động của Nghị định 116 hiệu lực từ tháng 1.
Vài tháng qua, nhiều hãng như Toyota, Mistubishi chỉ còn kinh doanh xe lắp ráp khi chưa đáp ứng đủ yêu cầu nhập khẩu theo quy định mới. Hết quý 1, doanh số xe nhập khẩu giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2017, đạt 8.359 xe bán ra. Ở phía ngược lại, doanh số xe lắp ráp trong nước tăng thêm 8%.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong quý I giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Những yêu cầu ở Nghị định 116 như Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) khiến các hãng không xoay sở kịp để nhập hàng về. Cả quý I, lượng xe nhập vào Việt Nam đạt 4.217 chiếc, trong khi 2017 đạt 26.366 xe, giảm đến 84%.
Ranger và CR-V - hai mẫu xe hiếm hoi có hàng
Ford là một trong vài hãng kịp về những lô xe số lượng lớn vào thời điểm cuối 2017, trước khi Nghị định 116 có hiệu lực. Nhờ lô xe đó, hiện hãng dự trữ được lượng hàng đủ bán trong quý I. Hết 3 tháng đầu năm, Ranger vẫn đều đặn xuất hiện trong top xe bán chạy, với doanh số tổng đạt 2.740 chiếc, bán nhiều nhất trong các dòng xe nhập khẩu tại Việt Nam. Trước đó, vị trí này là sự so kè với Toyota Fortuner.
Honda CR-V là điểm sáng thứ 2 đối với xe nhập khẩu trong quý 1/2018. Hãng này tiên phong khi hoàn thành thủ tục giấy VTA từ Thái Lan, nhờ đó có lô hàng bổ sung hồi đầu tháng 3 với hơn 2.000 xe giúp đại lý có hàng giao cho khách chờ. Tổng doanh số CR-V trong 3 tháng đầu năm đạt 1.163 xe.
Ở lô hàng trước, CR-V chịu thuế nhập khẩu 30% và có giá cao hơn dự kiến 200 triệu, nhưng vẫn bán được hơn 700 xe ngay tháng đầu. Cùng kỳ năm ngoái, 10 xe bán chạy nhất cũng chỉ có 2 xe nhập khẩu, gồm Toyota Fortuner và Ford Ranger, nhưng số lượng bán ra đều cao hơn so với năm nay.
Là những mẫu xe hiếm hoi nhập khẩu xuất hiện trên thị trường đồng nghĩa với việc phát sinh các vấn đề về mua bán. Đại lý Honda nhận hàng trăm hợp đồng mua CR-V, nhưng mỗi lô hàng về chỉ được giao vài chục chiếc, không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Khách hàng nào muốn lấy xe trước phải mua thêm phụ kiện, chiêu quen thuộc và đại lý sử dụng để tối ưu hóa lợi nhuận cũng như lọc khách hàng. Có đại lý sau khi không giao được xe như hứa hạn, cả trăm khách rút cọc.
Phần xám xịt còn lại của mảng xe nhập khẩu
Ngoài Ranger và CR-V có hàng, các mẫu xe nhập khẩu đều trong tình trạng sạch kho. Toyota Fortuner vốn bán chạy nhất nhì các dòng xe nhập khẩu đã giao nốt 38 chiếc cuối cùng hồi tháng 1. Toyota Việt Nam cho biết công ty mới chỉ đặt hàng sản xuất tiếp từ Indonesia hồi cuối tháng 3, ít nhất đến tháng 6 mới có xe bán.
Cùng cảnh không có xe bán như Fortuner, trên thị trường còn nhiều ôtô nhập khẩu khác chưa thể nhập thêm như Cheverolet Trax, Toyota Land Cruiser, Yaris, Alphard, Honda Odyssey, Toyota Prado và một số xe Lexus. Trong khi đó, các dòng xe nhập mới về như Honda Jazz chưa để lại nhiều dấu ấn. Jazz đạt doanh số 48 chiếc và Accord bán được 5 chiếc trong tháng 3.
Bức tranh chung của xe nhập khẩu trong quý 1 năm nay là doanh số lẹt đẹt và không nhập được hàng. Viễn cảnh xe nhập khẩu lấn át trong năm 2018 khi thuế về 0%, cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Khách Việt cũng chưa thể tiếp cận với loạt ôtô có giá rẻ như mong đợi.
Theo thống kê của VAMA, hết quý 1, Lexus bán được 82 xe, nhưng đây là số xe đã bán từ 2 tháng trước. Tháng 3, cả 2 showroom quy mô lớn của thương hiệu xe sang này tại TP.HCM và Hà Nội không còn xe giao khách. Do nhập khẩu 100% từ Nhật Bản, nơi không có VTA như quy định tại Việt Nam, nên đến hiện tại Lexus và một số hãng nhập xe từ quốc gia này vẫn chưa thể đưa thêm xe về bán.
Trong chiều ngược lại, Mercedes kinh doanh cả xe lắp ráp và nhập khẩu nên không bị ảnh hưởng bởi Nghị định 116. Doanh số quý 1 của hãng xe Đức đạt hơn 1.400 xe, với sự thành công của các mẫu lắp ráp như GLC. Các chuyên gia nhận định, cần nhiều tháng nữa thị trường mới có thể ổn định trở lại, nhưng lúc đó sự cạnh tranh giữa xe nhập và xe lắp sẽ bước sang giai đoạn mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo