Pháp luật

Thị trường tân dược đang bị thả lỏng?

Hàng chục hộp thuốc trị phong thấp có dấu hiệu bị làm giả được phát hiện ở 5 cửa hàng tân dược lớn của Hà Nội, nhưng lực lượng phát hiện số thuốc này không phải là cán bộ ngành y tế. Tìm hiểu kết quả kiểm tra, xử lý thuốc giả của Sở Y tế Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây, ghi nhận con số rất thấp. Phải chăng, thị trường tân dược đang bị thả lỏng?

Thật, giả khó lường


Đúng 1 tuần sau vụ lực lượng công an, quản lý thị trường đồng loạt kiểm tra 5 cửa hàng tân dược lớn trên địa bàn thành phố (hôm 26/4), phát hiện và thu giữ hàng chục hộp thuốc chữa đại tràng và điều trị bệnh phong tê thấp mang nhãn hiệu “Bà Giằng”, trao đổi với PV, chỉ huy Đội Chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế & Chức vụ - Công an Thành phố Hà Nội cho biết, cả 5 cửa hàng tân dược trên đều không xuất trình được hóa đơn mua bán thuốc. 



Đặt vấn đề về quy trình quản lý hóa đơn giao dịch tại cơ sở kinh doanh tân dược, cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với một cán bộ Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, vị này trả lời: “Phải căn cứ hồ sơ cụ thể chúng tôi mới có thể trả lời được. Trách nhiệm quản lý, giám sát chính thuộc Phòng Y tế cấp quận, huyện. Thanh tra Sở chỉ kiểm tra chung”.



Chuyên án thuốc nghi giả mang nhãn hiệu “Bà Giằng” xuất phát từ đơn tố giác của chính người trong cuộc, trước hiện tượng trên thị trường, nhiều sản phẩm được bày bán nhưng lại không phải do cơ sở chính hãng sản xuất. Đáng chú ý, con đường để những sản phẩm “Bà Giằng” giả ra thị trường lại từ những cửa hàng được xem là lớn nhất nhì Hà Nội.

 

Trinh sát Đội Chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm cảnh báo: “Sản phẩm thuốc trị phong thấp “Bà Giằng” được chế từ nguyên liệu chính là hạt Mã Tiền.

 

Đây vốn là loại hạt có tính độc, song cơ sở “Bà Giằng” đã bằng bí quyết gia truyền, hạn chế tối đa độc tính của hạt Mã Tiền để điều chế có tác dụng trị chứng phong thấp. Những sản phẩm không phải do chính cơ sở “Bà Giằng” sản xuất, sẽ không ai kiểm chứng được tính độc của hạt Mã Tiền đã được xử lý hay chưa”.



Trở lại lý do mà 5 cửa hàng tân dược đưa ra là đã “để đâu mất” hóa đơn mua bán thuốc “Bà Giằng”; có thể khẳng định đây là sự ngụy biện. Các cửa hàng này chắc chắn phải biết những sản phẩm “Bà Giằng” họ bày bán là có vấn đề, bởi cùng với sản phẩm “Bà Giằng” nghi giả, họ vẫn bán cả sản phẩm chính hãng.

 

Không xuất trình hóa đơn mua bán, tức là họ cố ý giấu số lượng thuốc nghi giả đã giao dịch, giấu cả thời gian bắt đầu tiếp tay cho sản phẩm không chính hãng.

 

Câu hỏi đặt ra là: trong từng ấy thời gian, cơ quan quản lý y tế đã ở đâu?



“Kỹ nghệ” chế thuốc giả



“Cứ sản phẩm thuốc nào bán chạy trên thị trường, thời gian ngắn sau đó, thuốc giả sẽ xuất hiện”, chỉ huy Đội Chống hàng giả, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế & Chức vụ - Công an Thành phố Hà Nội Hà Nội nhìn nhận.

 

Sản phẩm bị làm giả nhiều nhất thường là nhóm nam dược, đông dược, do “công nghệ” làm giả đơn giản. Trước vụ “Bà Giằng”, Công an Thành phố Hà Nội từng phát hiện, xử lý vụ vận chuyển 3.600 gói thuốc “Tràng Vị Khang” (loại thuốc chữa bệnh viêm đại tràng, viêm dạ dày cấp) giả.

 

Đối tượng vận chuyển khai nhận nguồn thuốc được cung cấp ở Hưng Yên. Loại thuốc bị làm giả và mua bán phổ biến nhất hiện nay là Viagra; bình quân mỗi năm, phòng nghiệp vụ Công an Thành phố Hà Nội và công an các quận, huyện phát hiện, triệt xóa hàng chục đường dây, đối tượng buôn bán, vận chuyển loại “biệt dược”… giả này.

 

Tại Việt Nam, Viagra chính hãng được phân phối bởi đại lý chính thức, với giá bán tới cả trăm nghìn đồng/viên. Tuy nhiên, Viagra giả được bán với giá cực bèo, chỉ vài chục nghìn đồng cho cả vỉ 4 viên.


Cũng như nhiều loại hàng giả khác, để đến được tay người tiêu dùng, thuốc giả được đối tượng sản xuất “khoác” cho những chiếc “áo”. Như thuốc trị phong thấp “Bà Giằng”, ngoại trừ kích cỡ vỏ hộp, các thông số về thành phần dược liệu ở thuốc giả và thuốc thật hoàn toàn giống nhau.

 

Ngoài kích cỡ, theo người trong cuộc, dấu hiệu thật giả của sản phẩm này còn có thể phân biệt qua hình ảnh “Bà Giằng” được in trên vỏ hộp (?!).



Được xem đem lại lợi nhuận nhiều nhất là các dòng thuốc kháng sinh hay thực phẩm chức năng làm đẹp. Tuy nhiên, để đánh lừa được người tiêu dùng, đối tượng sản xuất phải đầu tư thiết bị in ấn và có những “kênh” chuyên phân phối hàng giả cài lẫn hàng thật.

 

Vụ bắt giữ gần 2.000 hộp thực phẩm chức năng giảm cân “Lishou” giả cách đây không lâu, lực lượng công an - quản lý thị trường thu giữ rất nhiều tem chống hàng giả… “nhái”.

 

Điều nguy hại là sản phẩm này từ tháng 9-2011 đã bị ngừng nhập khẩu và phân phối vì chứa một loại hóa chất có hại cho sức khỏe. Táo tợn hơn cả là đường dây sản xuất thuốc Rovanten (loại kháng sinh đặc trị viêm nhiễm) do Phạm Thị Việt Tú (SN 1981), nhà ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội cầm đầu. Tú vốn là cử nhân trường Đại học Luật Hà Nội, nhưng sau khi ra trường đã hành nghề trình dược viên.

 

Quá trình làm việc, Tú có nhiều mối giao hàng là các cửa hàng tân dược trên địa bàn thành phố. Nhận thấy kháng sinh Rovanten bán chạy, Tú đã tìm cách sản xuất ngay tại nhà. Cô ta đem vỏ hộp thuốc Rovanten thật làm mẫu để đặt in, cùng với hàng nghìn tem nhập khẩu các loại. Xong phần vỏ, để chế thuốc Rovanten giả, Tú mua một loại thuốc rẻ tiền rồi “nhồi” vào vỏ hộp đặt in, mang đi tiêu thụ…



Cửa hàng tân dược có biết hay không nguồn gốc các loại thuốc mà người bán mang đến chào mời? - đó là câu hỏi chúng tôi đặt ra với chỉ huy Đội Chống hàng giả. “Họ biết, thậm chí biết rõ.

 

Nhưng có cửa hàng vì lợi nhuận mà sẵn sàng tiếp tay cho hàng giả”, chỉ huy Đội Chống hàng giả cho biết. Cùng với tâm lý vụ lợi, đáng trách của nhiều cửa hàng tân dược hiện nay, thuốc giả còn có “cơ hội” để phát tán, là quy trình, cơ chế quản lý của ngành y tế. Chỉ người dân là lĩnh đủ hậu quả.

 

Theo ANTĐ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo