Pháp luật

Thị trường tân dược: Vẫn một mình một chợ!

Với quy định quản lý giá thuốc hiện hành, lãnh đạo Cục Quản lý Dược Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp đang lợi dụng kẽ hở để “lách” luật...

 

Thực tế, khi nhập khẩu thuốc, doanh nghiệp chỉ khai báo giá CIF (giá nhập khẩu đến cảng) với cơ quan hải quan.

 

Cơn sốt giá thuốc tăng

 

Giá CIF mà các doanh nghiệp khai báo nhiều khi không được kiểm chứng trước khi đưa ra thị trường bán. Trong khi đó, cơ quan quản lý giá thuốc mới chỉ kiểm soát được giá thuốc khi doanh nghiệp kê khai, niêm yết giá và đấu thầu nên thuốc vẫn có nguy cơ bị “làm giá” từ trước.

 

Chỉ riêng tháng 4, có đến 65 lượt mặt hàng thuốc nội, 43 lượt mặt hàng thuốc ngoại tăng giá. Tuy nhiên, so với 2 tháng trước giá thuốc đã có sự tăng mạnh, có loại đã tăng lên tới 45%. Tại thời điểm tháng 2, chỉ 23 loại thuốc nội tăng giá và tỷ lệ tăng trung bình cũng chưa đến 10%. Có những mặt hàng thuốc tăng rất nhẹ, 2.000 - 3.000 đồng .

 

Tại thời điểm chuyển mùa, lượng trẻ em và người già hay mắc các bệnh về hô hấp nhất thì một số loại thuốc kháng sinh hay được người bệnh sử dụng lại tăng mạnh như kháng sinh Augmentin 500mg dạng hộp giá hiện nay là 175.000 đồng một hộp, tăng 17.000 đồng. Đặc biệt, thuốc Stugerol tăng thêm 45.000 đồng một hộp.

 

Lấy lý do các yếu tố đầu vào như điện, nguyên phụ liệu, xăng dầu, chi phí vận tải, lương tăng... nên thuốc cũng phải tăng. Song từ kết quả khảo sát trong tháng 4 của Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Dược Việt Nam cho thấy, 40 lượt mặt hàng nguyên liệu chỉ có 1 mặt hàng tăng giá (chiếm tỷ lệ 2,5% với mức tăng trung bình là 5,5%), có 1 mặt hàng giảm giá (chiếm tỷ lệ 2,5% với tỷ lệ giảm trung bình 9%).

 

Giá thuốc tăng liên tục trong năm qua và những tháng đầu năm 2012 đã đưa tốc độ tăng trưởng thị trường dược phẩm lên trung bình 25%. Dự báo, con số này sẽ đạt giá trị khoảng 2 tỷ USD cuối năm 2012.

 

Hiện nay, tiền thuốc bình quân đầu người ở Việt Nam trên 20 USD/người/năm. Gần 7 năm qua kể từ khi có Luật Dược, cơ quan quản lý vẫn đau đầu tìm cách đưa ra các giải pháp “gìm cương” giá thuốc.

 

Người bệnh phó mặc số phận

 

Lãnh đạo một bệnh viện tư nhân cho biết, chưa ở đâu giá thuốc lại tăng dễ như ở Việt Nam. Chỉ cần xăng tăng, điện tăng… là ngay lập tức hôm sau giá thuốc sẽ tăng theo. Thậm chí, nếu chuẩn bị có thông tư về quản lý giá thuốc mới sắp được thực thi thì giá thuốc cũng tìm cách “xé rào” để chạy trước đón đầu.
 

Điều đáng nói, cho dù cơ quan quản lý có đi kiểm tra, nhưng vẫn không tìm ra lỗi của các doanh nghiệp tự tăng giá thuốc. Bởi doanh nghiệp thường đưa ra lý do lý tăng giá vì tăng chi phí đầu vào nên cơ quan quản lý khó có thể đối chiếu hết.

 

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp dược cho rằng mỗi lần xin kê khai là mỗi lần khó nên cứ khai cao lên, nếu cơ quan quản lý có "thổi còi" thì lại hạ xuống một tí nhưng vẫn còn "hời" chán.

 

Người bệnh đã quá quen thuộc với điệp khúc viện phí tăng, thuốc tăng. Vì vậy, dù đây là lần thứ 2 trong năm giá thuốc tăng, thậm chí tăng chóng mặt. Nhưng nhiều bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, 108, 103, Thanh Nhàn... khi được hỏi dù rất lo lắng, cũng vẫn bàng quan trước thông tin giá thuốc lại tăng.

 

Bởi theo họ, không chỉ có đợt này giá thuốc mới tăng, mà nhiều năm qua, mỗi lần giá thuốc tăng, người dân kêu, công luận lên tiếng, cơ quan chức năng đã vào cuộc, thế nhưng giá thuốc vẫn một mình một chợ.

 

Thuốc tân dược tăng giá không chỉ làm cho người dân đau đầu mà các cơ quan quản lý cũng tỏ ra lúng túng. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cũng đã đăng đàn vấn đề này nhưng đến nay bài toán vẫn khó có lời giải.

 

Thông tư 50 về quản lý và ngăn chặn hỗn loạn giá thuốc của Bộ Y tế sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6. Thế nhưng, có nhiều ý kiến cho rằng, đây chưa phải là biện pháp hiệu quả, bởi Thông tư vẫn chưa thể “nắm” được việc kê khai giá thuốc nhập khẩu trong khi thuốc nhập khẩu chiếm hơn 50% thị phần trong nước.

 

Như vậy, vẫn còn kẽ hở cho các doanh nghiệp dược “lách”. Vì vậy, việc bình ổn giá thuốc trong thời gian sớm nhất như khẳng định của Cục Quản lý Dược là câu chuyện còn dài và người dân nghèo vẫn đang chấp nhận phó mặc bệnh của mình cho giá thuốc.

 

Theo Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Dược Việt Nam, khảo sát trong tháng 4 ở 12.695 lượt mặt hàng thuốc nội, có 65 lượt mặt hàng tăng giá với tỷ lệ tăng trung bình 16%, có loại tăng tới 45% so với tháng 3/2012; có 43 lượt mặt hàng tăng với tỷ lệ khoảng 6,64%.

 

 

Theo Thời báo doanh nhân

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo