Thị trường

Thị trường thịt bò trong nước: cung không đủ cầu

Thời gian gần đây, số lượng thịt bò nhập khẩu vào Việt Nam liên tục tăng. Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, thịt bò nhập khẩu tăng mạnh là bởi nguồn thịt trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

Nhập khẩu thịt bò liên tục tăng

Theo số liệu từ Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, tổng sản lượng nhập khẩu thịt bò trong những năm gần đây tăng mạnh.

Năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 180 nghìn con bò từ Lào, Campuchia, Thái Lan và khoảng 3,5 nghìn con bò từ Úc. Tổng số thịt bò hơi là 550 nghìn tấn, trong đó khoảng 19 nghìn tấn thịt tinh.

Đến năm 2013, Việt Nam nhập 96 nghìn con bò từ Lào, Campuchia, Thái Lan và 67 nghìn con bò từ Úc. Mặc dù tổng số lượng con bò nhập khẩu thấp hơn năm 2012 nhưng tổng số lượng thịt tinh lại cao hơn 127 nghìn tấn. Số lượng thịt bò nhập khẩu chiếm 21% thị trường thịt bò trong nước.

Ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi lý giải số lượng con bò nhập từ Úc tăng lên trong khi số lượng con bò nhập từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan giảm đi là do thịt bò Úc tốt hơn, một con bò Úc nặng khoảng 430kg, trong khi một con bò của nước Lào, Campuchia, Thái Lan chỉ nặng từ 280kg đến 320kg.

Xu hướng nhập khẩu thịt bò tại Việt Nam là tăng lượng nhập khẩu từ nước Úc và giảm số lượng nhập bò từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan.

Trong bảy tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 150,5 nghìn con bò trị giá 130,6 triệu USD. Trong đó, bò Úc chiếm tới 83,7%. Dự tính năm 2014, tổng số lượng thịt bò nhập khẩu trong khoảng từ 260 đến 280 nghìn con, chiếm 25% thị trường thịt bò trong nước.

Không có tiềm năng phát triển chăn nuôi bò

Lý giải vì sao số lượng thịt bò nhập khẩu tăng liên tục trong thời gian vừa qua, ông Vang nói: “Việc nhập khẩu thịt bò tăng liên tục trong những năm gần đây là điều tất yếu bởi số thịt bò trong nước không đủ cung cấp phục vụ cho nhu cầu của người dân. Dự báo trong những năm tiếp theo, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu thịt bò từ các nước khác và con số này có thể sẽ tiếp tục tăng. Bởi lẽ, ở Việt Nam số lượng đồng cỏ ít, không có tiềm năng phát triển chăn nuôi bò để lấy thịt”.

Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, số lượng con bò và thịt bò sản xuất tại Việt Nam đều giảm trong những năm gần đây.

Ông Vang tính, trung bình, nuôi một con bò để giết thịt phải mất ba năm, mỗi lần bò chỉ đẻ được một con. Cùng với đó, diện tích đồng cỏ tại Việt Nam lại không đủ lớn, chỉ với 4,5 vạn ha để chăn nuôi bò phát triển, còn nước Úc có 760 vạn ha diện tích đồng có phục vụ chăn nuôi bò. Khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng lớn đồng nghĩa với số lượng trâu, bò giết thịt tăng lên.

Để nuôi một con bò để giết thịt lại mất quá nhiều thời gian. Vì vậy, số lượng đàn bò được chăn nuôi tại Việt Nam giảm đi một cách rõ rệt.

Cụ thể, năm 2011 ở Việt Nam, số lượng bò là 5,29 triệu con; số lượng trâu là 2,71 triệu con. Năm 2012, số lượng bò giảm còn 5,03 triệu con, số lượng trâu là 2,62 triệu con. Đến năm 2013, số lượng đàn bò trong nước chỉ còn 4,97 triệu con và số lượng đàn trâu chỉ còn 2,56 triệu con.

Nói về tiềm năng phát triển chăn nuôi bò tại Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Vang lắc đầu: “Việt Nam không có tiềm năng phát triển số lượng đàn bò vì diện tích đồng cỏ không nhiều. Một trong những giải pháp để phát triển chăn nuôi bò là tận dụng chế biến 4 triệu tấn rơm, 10 triệu tấn phẩm từ mía, sắn… thành thức ăn cho bò. Tuy nhiên đây chỉ là cũng chưa thực sự là giải pháp hiệu quả vì cỏ tươi mới là thức ăn chính và tốt nhất cho đàn bò phát triển tốt nhất”.

Bên cạnh đó, theo ông Vang, chúng ta chưa có những chính sách cho việc chăn nuôi bò để tăng số lượng thịt bò đáp ứng cho thị trường, sự liên kết giữa các trang trại bò và doanh nghiệp là không có. Trong khi việc liên kết sẽ giúp cải thiện nhiều cho tình hình chăn nuôi bò của nước ta hiện nay.

Nhu cầu tiêu thụ thịt trâu, bò trong nước ngày càng mạnh.

Sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt bò với số lượng lớn

Bảy tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập 150,5 nghìn con bò, trị giá 130,6 triệu USD. Trong đó, bò nhập khẩu từ Úc chiếm đến 83,7%, có mặt ở hầu hết các siêu thị Theo Hiệp hội Chăn nuôi dự báo đến hết năm 2014, số lượng thịt bò nhập khẩu vào Việt Nam chiếm 25%, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thịt bò sẽ tiếp tục tăng mạnh và khi lượng thịt bò trong nước không đủ cung cấp cho thị trường thì việc phải nhập khẩu thịt bò với số lượng gia tăng là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, ông Vang cho rằng, đây không phải là vấn đề đáng lo ngại. Bởi thịt bò Úc xuất khẩu sang Việt Nam năm 2014 chỉ chiếm 1,5% tổng số thị trường bò giết thịt Úc (năm 2013 chiếm khoảng 0,7%), còn thịt bò Úc chiếm khoảng 10% trong tổng số tiêu thụ ở thị trường thịt bò Việt Nam.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, tỷ lệ thịt bò chiếm trong khẩu phần bữa ăn của người Việt Nam chỉ chiếm 5,8% còn tỷ lệ thịt bò trong khẩu phần ăn trên thế giới là 23%.

Về chất lượng thịt bò nhập khẩu, ông Vang cũng khẳng định rằng các sản phẩm thịt bò được nhập khẩu về Việt Nam đã được kiểm nghiệm an toàn. Hiện chỉ có 119 doanh nghiệp từ Úc được xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam và tại Việt Nam thì cũng chỉ có 6 doanh nghiệp nhập khẩu con bò từ nước ngoài.

Hơn nữa, nếu thịt bò nước ngoài được phép nhập khẩu vào Việt Nam nghĩa là đã được cơ quan thầm quyền của hai nước công nhận là đạt tiêu chuẩn trước khi xuất sang Việt Nam. Hai nước khi xuất – nhập khẩu sản phẩm thịt bò là đã có những thỏa thuận công nhận lẫn nhau, nghĩa là sản phẩm đã được nước này công nhận và xuất khẩu sang nước kia thì không cần phải kiểm tra lại nữa. Vì vậy, các sản phẩm thịt bò nhập khẩu vào Việt Nam đã được kiểm nghiệm là an toàn.

Kiều Luyến - Trần Hiền
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo