Thị trường

Thị trường Trung Quốc: Đừng mất bò mới lo làm chuồng

Vài năm gần đây, Trung Quốc nổi lên như một thị trường nhập khẩu tiềm năng của các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, khi xuất qua đây doanh nghiệp nên chú trọng vấn đề hợp đồng giao dịch, thanh toán để tránh “mất cả chì lẫn chài”.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (xin giấu tên) cho hay trong năm 2012, doanh nghiệp của ông đã “thiệt hại nặng nề” khi bán gạo qua Trung Quốc.
 
Số là giữa năm 2012, doanh nghiệp của ông này trúng lô hàng trị giá gần 1 triệu USD xuất qua Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi hợp đồng xuất khẩu ký kết một thời gian, lô hàng trên đường giao cho đối tác thì giá gạo thế giới giảm mạnh.
 
“Trước đó đã mấy lần giao dịch thành công nên sau khi ký hợp đồng, chúng tôi tin tưởng và nhanh chóng chuyển hàng xuống tàu để đưa sang Trung Quốc mà chưa kịp hoàn tất thủ tục mở L/C (thanh toán tín dụng thư - PV). Không ngờ đây chính là cái cớ để đối tác nhập khẩu trả hàng”, ông này nói.
 
Theo ông này, khi tàu cập cảng Trung Quốc, đối tác nhập khẩu viện lý do thủ tục thanh toán trục trặc để ép nhà xuất khẩu giảm giá bán. Sau khi đàm phán không thành, doanh nghiệp Trung Quốc không chịu nhận hàng mà bắt doanh nghiệp Việt Nam phải chở hàng về.
 
Ông Phan Hùng Minh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phan Minh, cho hay việc phải chở hàng về gây nhiều tốn kém chi phí vận chuyển, lưu kho mà doanh nghiệp phải gánh. Chưa kể, để đưa hàng về có khi doanh nghiệp mất thêm thời gian 3 - 4 tháng.
 
Theo ông Minh, trường hợp bán hàng sang Trung Quốc nhưng mở L/C tại một ngân hàng địa phương, doanh nghiệp vẫn có thể bị xù hợp đồng. Muốn chắc ăn, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác Trung Quốc mở L/C tại ngân hàng trung ương hay ở cấp quốc gia.
 
“Năm ngoái, chúng tôi xuất qua Trung Quốc hơn 120.000 tấn gạo. Sợ thanh toán có rủi ro nên khi xuất qua đây, phần lớn chúng tôi đều phải thông qua các nhà trung gian ở Singapore để đảm bảo an toàn”, ông Minh nói.
 
Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay khi xuất sang Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam ít khi sử dụng phương thức thanh toán mở L/C mà lại thanh toán DP (trao chứng từ rồi nhận tiền) hay TT (điện chuyển tiền) nên dễ bị nhà nhập khẩu quỵt tiền.
 
“Cá biệt có trường hợp hàng đến nơi rồi nhưng doanh nghiệp không nhận hàng và quay ra bắt bẻ bộ chứng từ không hợp lệ. Điều này buộc doanh nghiệp ta phải chở hàng về, tốn nhiều chi phí”, ông Bảy nói.
 
Đề cao cảnh giác để tránh thiệt hại
 
Theo ông Phan Hùng Minh, một chiêu mà một số doanh nghiệp Trung Quốc thường sử dụng là liên kết các doanh nghiệp đẩy giá mua cao lên, thậm chí cao hơn 30-50 USD/tấn so với bình thường.
 
Khi thấy giá xuất cao, doanh nghiệp trong nước dù không có kho chứa nhưng hám lợi trước mắt sẽ đẩy mạnh thu mua bằng mọi giá. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp Trung Quốc lại cùng nhau hạ giá mua xuống để ép doanh nghiệp trong nước phải bán thấp.
 
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá trong năm 2013, Trung Quốc sẽ là thị trường nhập khẩu chủ lực về tôm Việt Nam trong năm 2013.
 
Tuy nhiên, xuất khẩu sang đây cũng chứa nhiều rủi ro khi doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng thu gom tôm nguyên liệu, kể cả tôm có bơm tạp chất vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, từ đó làm mất uy tín của con tôm Việt Nam.
 
Ngoài ra, một số doanh nghiệp Trung Quốc thường có động thái dựng rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu thủy sản Việt Nam để buộc doanh nghiệp phải bán đổ bán tháo với giá thấp.
 
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho hay để an toàn khi xuất khẩu, doanh nghiệp nên liên hệ với Thương vụ Việt Nam hay phòng thương mại của nước mà đối tác nhập khẩu có trụ sở để tìm hiểu thông tin.
 
Thậm chí, để chuyên nghiệp hơn, doanh nghiệp còn phải mất tiền để mua những thông tin liên quan đến nhà nhập khẩu.
 
Ngoài ra, tùy theo tình hình mà doanh nghiệp cần lựa chọn một phương thức thanh toán an toàn nhất để đỡ bị thiệt hại do bị quỵt nợ.
 
 
 
 
Nhật Minh (Theo TNO)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo