Thị trường vàng ra sao sau khi bán gần 70 tấn vàng?
Nhìn lại 76 phiên đấu thầu vàng
Trong phiên đấu thầu vàng cuối cùng của năm vào ngày 31/12, NHNN đã chào bán thành công 20.000 lượng vàng.
Như vậy, trong năm 2013, NHNN đã thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng, chào bán ra thị trường tổng cộng 1.932.000 lượng và bán thành công 1.819.900 lượng, tương đương 69,9 tấn.
Trong số gần 70 tấn vàng này, có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường. So với các năm trước thì năm nay, hu cầu vàng đã nguội dần (nhu cầu vàng của thị trường các năm trước là khoảng 80 tấn/năm).
Có thể nói, qua 76 phiên đấu thầu vàng, NHNN đã hạn chế được tình trạng mất cân đối cung - cầu, qua đó góp phần ổn định thị trường vàng. Cùng với việc siết lại mạng lưới kinh doanh vàng miếng, NHNN đã tổ chức lại cơ bản hoạt động thị trường vàng, chấm dứt các cơn sốt nóng, sốt lạnh gây ảnh hưởng bất lợi đến tỷ giá của vàng, góp phần ổn định vĩ mô, chống lạm phát.
Thời gian đầu tổ chức các phiên đấu thầu, NHNN dồn dập cung vàng ra thị trường để đáp ứng nhu cầu tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, NHNN đã “bóc” được toàn bộ vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng, chấm dứt hiện tượng vàng hóa gây nhiều rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Cũng vì thế, hiện tượng đầu cơ vàng giảm hẳn (trước đây, ngân hàng là những nhà đầu cơ vàng chủ yếu trên thị trường).
Ngoài ra, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, hoạt động đấu thầu vàng đã thu về một nguồn lợi nhuận không nhỏ để hỗ trợ ngân sách.
Bên cạnh đó, việc tung vàng đấu thầu ra vào đúng các thời điểm, tuyên bố không để thiếu vàng khiến cảnh thị trường hoảng loạn, dân tranh cướp mua vàng không còn xảy ra. Chính sách của NHNN đã khiến thị trường vàng ổn định (dù giá thế giới biến động mạnh) cũng là lý do khiến kênh đầu tư vàng nguội dần vì ít sóng.
Theo đánh giá của chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, qua các phiên đấu thầu vàng, lần đầu tiên sau nhiều năm hỗn loạn, thị trường vàng đã được NHNN quản lý một cách “gọn gàng”. NHNN cũng thành công trong việc chống “vàng hóa”, cụ thể NHNN đã tách vai trò người huy động và cho vay vàng ra khỏi các ngân hàng thương mại.
Chung ý kiến này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, năm 2013, NHNN đã hoàn thành sứ mệnh trong việc quản lý thị trường vàng, bao gồm ổn định được giá vàng và chống vàng hóa, ổn định thị trường ngoại tệ, hạn chế vàng nhập lậu…Tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao cách điều hành thị trường vàng của NHNN. Thủ tướng đề nghị, NHNN phải dứt khoát phi tiếp tục độc quyền xuất nhập khẩu vàng vì đây là ngoại tệ. Ngoài ra, để tránh tình trạng vàng hóa, Thủ tướng yêu cầu không cho phép huy động, cho vay vàng trở lại và vẫn tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng để ổn định cung - cầu trên thị trường.
Dấu hỏi thu hẹp chênh lệch và huy động vàng trong dân
Trước khi NHNN thực hiện các phiên đấu thầu vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là gần 3 triệu đồng/lượng. Sau khi NHNN tiến hành đấu thầu vàng, có những thời điểm, chênh lệch giá vàng có những thời điểm hiếm hoi đã hạ xuống dưới 1 triệu đồng/lượng nhưng đa phần đều đứng ở mức cao, có lúc đã vọt lên tới 5-6 triệu đồng/lượng.
Trong phiên cuối cùng của năm ngày 31/12, chênh lệch giá vàng vẫn đứng ở mức trên 4 triệu đồng/lượng.
Trước đó, vào tháng 3/2013, khi sắp bắt đầu phiên đấu thầu vàng đầu tiên, NHNN khẳng định, đấu thầu sẽ rút ngắn khoảng cách chênh lệch giá vàng. Tuy nhiên, sau hơn 9 tháng với 76 phiên đấu thầu, khoảng cách này vẫn không được rút ngắn mà thậm chí còn tăng lên. Điều này chứng tỏ, điều hành thị trường vàng vẫn chưa ổn.
Theo ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, với cung cách đấu thầu hiện nay, NHNN không thể thu hẹp chênh lệch giá vàng.
Dĩ nhiên, giữ một khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới là cần thiết để thị trường vàng trong nước có một bước đệm, không bị chao đảo quá nhiều khi giá thế giới biến động. Tuy nhiên, mức chênh lệch lên tới 4-5 triệu đồng/lượng như hiện nay là không thể chấp nhận. Chính các DN kinh doanh vàng cũng thừa nhận, chênh lệch giá vàng chỉ hơn 1 triệu đồng/lượng là phù hợp.
Như vậy, có thể thấy, nhiệm vụ thu hẹp chênh lệch giá vàng của NHNN đã thực hiện chưa trọn vẹn trong năm 2013.
Ngoài ra, cũng trong năm 2013, NHNN vẫn đang “bó tay” trong việc tìm cách huy động vàng trong dân. Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị, năm 2014, NHNN nghiên cứu để có chính sách huy động nguồn lực vàng cất trữ trong dân để đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối (NHNN) cho biết, NHNN đang nghiên cứu phương án mua vào vàng miếng. Ông Nguyễn Quang Huy không nói rõ thời điểm cơ quan quản lý tiền tệ sẽ mua vào vàng miếng, thay vì vẫn bán ra qua kênh đấu thầu bấy lâu nay, nhưng vị này khẳng định: "Chúng tôi đã sẵn sàng với mọi tình huống đối phó với diễn biến thị trường vàng".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kê khai sai thuế, Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 D2D bị phạt hơn 865 triệu đồng
Ra mắt liên minh đổi mới đối tác AI tạo sinh
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông