Thị trường vàng: Rối như canh hẹ!
Cùng là vàng lại có 2 giá
Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách thương hiệu vàng quốc gia và trao quyền vào tay SJC, thị trường vàng diễn ra không ít xáo trộn.
Bà Nguyễn Thị Nhàn (Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội) cho biết: “Tôi chẳng hiểu vàng Bảo Tín Minh Châu mà tôi đang có kém gì vàng SJC mà bây giờ khi muốn bán đi giá lại chênh nhau đến 2 - 3 triệu đồng/lượng. Ngày xưa khi tôi mua vàng, ai thích thương hiệu nào thì mua, giá cả chỉ chênh 5.000 - 10.000 đồng/lượng. Thế mà giờ lại có chuyện vô lý như vậy”.
Bà Lê Minh Tâm (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng không giấu được bức xúc: “Tôi hỏi từ trước đến giờ khi chưa có thương hiệu vàng quốc gia, vàng SJC, thì vàng của dân đều là vàng giả ư? Chỉ bằng một quyết định của Nhà nước, bỗng chốc người dân thiệt hại biết bao nhiều tiền”. Câu chuyện phân biệt thương hiệu vàng SJC và phi SJC còn tạo ra hệ lụy cho thị trường và khó khăn cho người dân khi trong 1 tháng gần đây xuất hiện nhiều vàng “nhái SJC” khiến người tiêu dùng như lạc vào mê hồn trận.
Một thành viên Hiệp hội Kinh doanh vàng (xin giấu tên) phân tích, việc chênh lệch giữa giá vàng SJC và phi SJC là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vàng giả, vàng nhái. Chỉ cần làm nhái vỏ bọc một lượng vàng SJC, đúng tuổi và hàm lượng cũng lãi vài triệu đồng. Điều vô lý đang tồn tại đó là vàng không được định giá theo tuổi, mà lại theo thương hiệu.
Từ độc quyền thành đặc quyền
Sáng 25/10, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC Đỗ Công Chính cho biết, tính đến nay đã phát hiện 463 lượng vàng nhái, vàng giả SJC. Trong đó tại Hà Nội là 377 lượng, TP.Hồ Chí Minh 86 lượng. Qua kiểm định thì phần lớn vàng nhái thương hiệu đều đảm bảo chất lượng, còn lại một phần là vàng không đủ tuổi.
Chưa kể đến việc chênh lệch với giá vàng thế giới tới gần 3 triệu đồng, ai cũng thấy hiện nay trong nước đang tồn tại 2 giá vàng và việc xuất hiện vàng “nhái” thương hiệu SJC là do cơ chế độc quyền tạo ra.
Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia được các chuyên gia cho rằng đây là một cách biến độc quyền Nhà nước thành đặc quyền doanh nghiệp.
Độc quyền khiến phần thiệt luôn nghiêng về phía những người dân đang nắm giữ vàng, trong khi mối lợi lại tập trung hết vào các doanh nghiệp kinh doanh vàng, đặc biệt là SJC.
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong bối cảnh biến động thị trường vàng, không nên biến từ độc quyền nhà nước sang đặc quyền doanh nghiệp. Chuyện chọn thương hiệu vàng nào để mua là quyền của người dân.
Nhà nước không nên khẳng định thương hiệu nọ hơn thương hiệu kia. Quan trọng nhất là việc quản lý chất lượng vàng của các thương hiệu phải được đảm bảo. Nếu một doanh nghiệp vàng đưa ra sản phẩm không đủ chất lượng, lừa dối người dân, thì Nhà nước phải xử lý.
Đoàn Huế (Theo Dân Việt)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dược Lâm Đồng LDP liên tiếp bị xử phạt
Sức hút từ condotel và chung cư cao cấp
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm còn nhiều thách thức
Châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần 19.500 máy bay mới vào năm 2043
FPT ra mắt nhà máy trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản
Sẽ áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi từ ngày 20/11