Thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đang dần yếu thế?
Mới đây, tại diễn đàn chính sách nông nghiệp “Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam” do Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP), Liên minh Nông nghiệp và Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 8-9 tại TP.HCM, đã không ít các chuyên gia đã nhận định, giá thức ăn chăn nuôi cao kéo theo giá sản phẩm chăn nuôi cao khiến thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam khó cạnh tranh được với nước ngoài.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn cơ hội thay đổi để cạnh tranh với các đối thủ ngoại khi nước ta tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập, ngành chăn nuôi phải đổi mới toàn diện, trong đó có thức ăn chăn nuôi (TACN) bởi mặt hàng này chiếm đến 60%-70% giá thành sản phẩm ngành này. Nếu không hạ thấp giá thành thì ngành chăn nuôi khó cạnh tranh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam Lê Bá Lịch cho rằng: “Giá thành TACN của Việt Nam vẫn cao hơn các nước có ngành chăn nuôi phát triển trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Thái Lan quy định lợi nhuận đối với mặt hàng này chỉ khoảng 5%, không được cao hơn nhưng ở Việt Nam thì không ai quản lý. Lợi nhuận của các công ty TACN Việt theo tính toán của các chuyên gia lên đến 10%-15%. Đáng nói là các thông tin về chi phí giá thành của các doanh nghiệp (DN) hầu như không ai có thể tiếp cận và được công bố đúng. Việc quy định lợi nhuận cho các mặt hàng này nên làm” - ông Lịch đề nghị.
Cũng tại buổi hội thảo, TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc Viện Nghiên cứu và chính sách (VEPR) cho rằng, khi nghị định 109 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực từ năm 2011, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu gạo giảm còn trên 100 doanh nghiệp, số doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chí đều là các doanh nghiệp nhỏ, do đó xuất khẩu gạo trở thành sân chơi của các “ông lớn” mà chủ yếu là thành viên của Hiệp hội Lương thực VN (VFA).
Nhiều doanh nghiệp nhỏ đầu tư vào các loại lúa gạo đặc sản, làm marketing tốt có khả năng cung cấp thẳng vào các siêu thị nước ngoài đã không còn cơ hội xuất khẩu. Do đó, cần phải loại bỏ bớt các quy định này cũng như quyền hạn của VFA để tăng cường tính cạnh tranh của hoạt động xuất khẩu gạo VN.
Tuy nhiên, việc tính toán giá sàn xuất khẩu là cực kỳ khó khăn, bởi bản chất biến động của thị trường là luôn vận động và biến đổi. VFA cũng đã phải điều chỉnh khá nhiều lần giá sàn xuất khẩu gạo, ví dụ năm 2011 là 8 lần. Sự thay đổi của giá sàn nhiều lần và không dự kiến được trong một khoảng thời gian ngắn có thể gây nên tâm lý bất an cho các doanh nghiệp kinh doanh. Xu hướng này tạo nên một môi trường kinh doanh rủi ro và hướng các doanh nghiệp đến những tính toán kinh doanh rất ngắn hạn thay vì dám mạo hiểm cho các quyết định kinh doanh dài hạn.
Trên thực tế, việc thực hiện chính sách giá sàn xuất khẩu gạo của Việt Nam còn thiếu minh bạch, dẫn đến việc cạnh tranh không lạnh mạnh.
Đồng thời, để sản phẩm chăn nuôi Việt cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, cho rằng cần có cơ chế tín dụng ưu đãi thật sự cho nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng vì lãi suất nông nghiệp dù đang ở mức 7% nhưng so với các nước trong khu vực vẫn cao (Trung Quốc 5%, Thái Lan chỉ 3%). Đồng thời nâng cao hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước.
Một vấn đề khác là thủ tục hành chính còn rườm rà. Một số công ty TACN cho biết để nhập được một tấn TACN phải thông qua Cục Chăn nuôi, rồi tới hội đồng kỹ thuật, xong trình lên bộ trưởng. Phải mất tận sáu tháng đến một năm DN mới lấy được giấy phép.
“Nếu giảm được thủ tục, có cơ chế ưu đãi nông nghiệp bằng cách học hỏi các nước trong khu vực (chứ đừng đi học hình thức) thì chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh” - một đại biểu tự tin nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo