“Ma trận” đất nền giá rẻ bẫy khách hàng
(DNVN) - “Đất nền giá rẻ, pháp lý rõ ràng, gần khu vực đông dân cư, nhiều tiện ích…” đang là chiêu trò được nhiều môi giới bất động sản “bẫy” khách hàng.
Sau cơn sốt, đất nền Bình Dương hiện giờ ra sao? / Đất nền Củ Chi sau cơn bão giá
Đất trong quy hoạch cũng... rao bán
Hiện người đi mua đất nền phải đối mặt với nhiều chiêu trò lừa đảo khi mua đất nền. Ngày 23-9, trao đổi với báo Doanh Nghiệp Việt Nam, anh Nguyễn Hữu Tín (phường Tân Qúy, quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, sau nhiều năm ở chung với bố mẹ, vợ chồng anh dự định mua một miếng đất nhỏ để dọn ra ở riêng. Số tiền dành dụm chưa đến 1 tỷ đồng, anh Tín biết khó mua được căn chung cư tại trung tâm. Do đó anh lên mạng mò mẫm tìm kiếm thông tin những khu đất ở vùng ngoại ô.Không lâu sau, anh được một nhân viên môi giới tên Lâm - thuộc Công ty địa ốc Q. L. tư vấn và dẫn đi xem một lô đất rộng hơn 90m2 tại xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TPHCM). Đi cùng Lâm còn có thêm 8 người nữa, sau khi nghe nhân viên giới thiệu thấy ai cũng ưng ý lô đất này, anh Tín liền đồng ý mua với số tiền 850 triệu đồng.
"Nói chuyện qua lại một lúc, phía nhân viên công ty địa ốc Q. L. đề nghị tôi đặt cọc trước 65 triệu đồng để giữ đất, hẹn 2 tháng sau đến công ty để lấy giấy tờ liên quan. Tuy nhiên khi đó tôi không mang đủ tiền nên hẹn lại 4 ngày sau đến công ty đóng", anh Tín nói.
Sau khi về, anh Tín liên tục nghe báo đài phản ánh về tình trạng lừa đảo đất nền. Bán tín bán nghi, anh cùng vợ về lại mảnh đất mình sắp mua, hỏi ra thì biết nơi đó đang nằm trong quy hoạch dự án của chính quyền và không thể xây để ở.
"Bức xúc, tôi gọi điện phản ánh đến nhân viên môi giới thì bên kia lập tức tắt máy, tiếp tục gọi thì thuê bao không liên lạc được. Lên công ty hỏi thì được biết tại đây không có ai tên Lâm. Những người đi cùng tôi khi đó là người mà Lâm thuê để "cò quay" cho khách mà thôi. Lúc đó mới biết là mình suýt bị lừa", anh Tín kể.
Ảnh minh họa.
Một trường hợp khác, chia sẻ với PV Doanh Nghiệp Việt Nam, anh Cao Ngọc Hùng (trú phường 1, quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, đầu tháng 8 vừa qua, anh Hùng được một "cò đất" tên Trung gọi điện giới thiệu là nhân viên kinh doanh của một công ty địa ốc có trụ sở tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức.
Người này cho biết, công ty đang chào bán một dự án đất nền tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn (TPHCM) với giá ưu đãi. Các lô đất nằm gần chợ, bệnh viện, ngân hàng, trường học… với giá chỉ 16 triệu đồng/m2. Nhận thấy giá đất khá rẻ so với thị trường, anh Hùng đồng ý đi xem.
Sau khi thống nhất thời gian, môi giới đưa anh xuống một bãi đất trống đối diện trường mầm non rồi nói đây là đất dự án, công ty đang chuẩn bị làm hạ tầng rồi bán nền. Nhân viên môi giới liên tục "vẽ" ra hàng loạt tiện ích sẽ xây sau này như công viên, trung tâm mua sắm, khu ăn uống... xung quanh dự án. Thế nhưng khi anh Hùng lên UBND xã Nhị Bình hỏi về dự án thì chính quyền trả lời khu đất này đang nằm trong... quy hoạch của nhà nước, không thể xây dựng.
Hãy là người tiêu dùng thông minh
Chuyện đi mua đất nền như anh Hùng hay anh Tín không phải hiếm trong thời gian qua. Đặc biệt tại các thị trường đất nền vùng ven TP.HCM như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12… Do đó, khách hàng cần phải tỉnh táo trước mọi giao dịch, hãy làm người tiêu dùng thông minh, nếu không muốn bị lừa.
Ông Cao Minh, một nhà đầu tư bất động sản, nhận định trường hợp “cò đất" móc nối với nhau để dàn dựng câu chuyện lừa người mua trong thời gian qua không phải là hiếm. Những chiêu trò này rất tinh vi với những lời quảng cáo rầm rộ, giấy tờ phân lô rõ ràng, dẫn đi xem đất tận tình rồi dụ dỗ khách rút hầu bao. Tinh vi hơn, các đối tượng đó có thể vào vai chủ đất, người được ủy quyền để giao dịch với khách... Do đó, trước khi mua khách hàng cần tìm hiểu kỹ, nếu ký vào hợp đồng rồi thì xem như “bút sa gà chết”.
Mảnh đất ở xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, Tphcm) suýt nữa ông Nguyễn Hữu Tín bị lừa khi nghe lời cò đất (Ảnh: Ngọc Hưng).
"Các cò đất sẽ dụ "con mồi" bằng việc dẫn khách tới rồi quảng cáo đất đó nằm trong dự án đất nền, cho người vào diễn cảnh mua bán, ký hợp đồng và thanh toán tiền ngay trước mặt khách để họ tin đây là đất dự án thật. Các đối tượng còn hứa hẹn nếu đặt tiền cọc từ 50 - 300 triệu đồng thì trong khoảng thời gian từ 3-12 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở. Để lấy lòng tin, họ đưa ra một số bản sao biên nhận đã nộp hồ sơ làm sổ đỏ để chứng minh lô đất sạch", ông Minh nói.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nguyên nhân trên là hệ lụy của việc chính quyền để các doanh nghiệp môi giới bất động sản bùng phát trong thời gian gần đây. Để có nguồn hàng bán ra, các doanh nghiệp môi giới nghĩ ra nhiều chiêu để có hàng bán và trong đó là cách dựng dự án “ma” hoặc mới chỉ mua được quỹ đất nhưng đã tự chia nhỏ phân lô bán.
Theo ông Châu, nếu cơ quan chức năng không mạnh tay trong việc xử lý những doanh nghiệp môi giới khi chưa được cấp phép, cũng như vẽ ra dự án “ma” để bán thì người dân sẽ nhận hậu quả nặng nề. Kế đó là cơ quan chức năng sẽ đau đầu giải quyết đơn khiếu nại của người dân.
Ngọc Hưng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Cột tin quảng cáo