“Nóng” chuyện tranh chấp quản lý chung cư
Ông Nguyễn Văn Đôi, Tổng giám đốc CTCP Địa ốc và Xây dựng S.S.G 2 (SSG), chủ đầu tư dự án Thảo Điền Pearl cho biết, suốt thời gian qua chủ đầu tư SSG bị mang tiếng oan là chây ì, không chịu thành lập và bàn giao việc quản lý chung cư Thảo Điền Pearl cho Ban quản trị. Nhưng thực tình DN đang rốt ráo trong vấn đề này nhằm bàn giao lại số tiền 2% phí bảo trì chung cư lên đến hàng chục tỷ đồng để có thể tiếp tục tập trung đầu tư vào những dự án mới, song còn vướng mắc ở nhiều vấn đề.
Hàng ngàn tỷ đồng phí quản lý chung cư có nguy cơ thất thoát nếu không được quản lý hiệu quả |
Quy định tại Thông tư 02/2016/BXD về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư có nêu rõ “sau khi có quyết định công nhận Ban quản trị của UBND cấp quận, Ban quản trị được công nhận có trách nhiệm lập tài khoản hoạt động của mình. Trường hợp nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị phải lập tài khoản quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung theo quy định của pháp luật về nhà ở, Quy chế này và đăng ký con dấu theo quy định của pháp luật về đăng ký quản lý con dấu...”.
Tuy nhiên, rất nhiều tháng nay SSG bị “mắc kẹt” ở khâu này nên chưa thể bàn giao việc quản lý và tiếp quản quỹ bảo trì cho Ban quản trị mới tại chung cư Thảo Điền Peal vì chưa có con dấu.
Liên quan đến vấn đề này, một số chủ đầu tư dự án chung cư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần có hẳn một bộ phận chức năng quản lý về vấn đề vận hành, quản lý, giám sát Ban quản trị tại các chung cư hiện nay, nhất là đối với việc thu chi, sử dụng 2% quỹ bảo trì mà chủ đầu tư thu từ người mua nhà để vận hành, bảo trì tòa nhà sau này.
Bởi thực tế thời gian qua, tại không ít chung cư từ cao cấp cho đến bình dân đã xảy ra tình trạng tranh chấp giữa cư dân và Ban quản trị (trong đó có Ban quản trị do người dân tự bầu, có Ban quản trị của chủ đầu tư dự án khi chưa bàn giao) về việc sử dụng quỹ bảo trì không đúng mục đích. Thậm chí có không ít trường hợp chủ đầu tư đã “cuỗm” luôn số tiền từ quỹ bảo trì lên đến hàng trăm tỷ đồng rồi lặn mất tăm, khiến cho người dân không biết trông chờ vào ai.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, cần xem xét việc thu 2% phí bảo trì từ người mua trên tổng giá trị căn nhà, hay chỉ nên thu 2%/chi phí xây dựng mà chủ đầu tư phải bỏ ra. Và có nên thu ngay hay phải đợi đến khi chủ đầu tư dự án bàn giao nhà cho khách hàng mới được thu?
Bởi nếu xét trên tổng thể thì hàng trăm, hàng nghìn chung cư đang và sẽ mọc lên tại thành phố này thì số tiền 2% phí bảo trì nằm trong các Ban quản trị sẽ lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng. Khi số tiền lớn này không được quản lý nghiêm túc và sử dụng đúng mục đích thì việc xảy ra thất thoát, tranh chấp, mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư sẽ khó tránh khỏi.
Trước những vấn đề DN nêu lên, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay tỷ lệ chung cư chiếm 8,4%/tổng quỹ nhà ở trên toàn địa bàn thành phố. Thời gian qua, tình trạng xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa người dân và Ban quản trị chung cư diễn ra phức tạp, thậm chí nhiều vụ kiện cáo kéo dài.
Chính vì vậy, đã đến lúc cần phải có sự thay đổi trong cơ chế quản lý đối với các tòa nhà chung cư hiện nay cho phù hợp với tình hình thực tế đang diễn ra, tránh ảnh hưởng đến tình hình nhà ở trên địa bàn, cũng như sự phát triển bền vững của thị trường BĐS nói chung. Từ những kiến nghị, ý kiến đóng góp của DN, Sở Xây dựng sẽ tiếp thu để có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
“Dự kiến, cuối tháng 9 hoặc trong tháng 10/2018, những vấn đề này sẽ được báo cáo tại Hội nghị về công tác quản lý và sử dụng nhà chung cư để tìm ra những giải pháp phù hợp nhất” – ông Tuấn thông tin thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo