Thị trường

"Xã hội hóa" nguồn đầu tư hệ thống rừng đặc dụng: Bảo tồn hay là tiền?

DNVN - Đa dạng hóa nguồn đầu tư cho rừng đặc dụng đang là hướng đi được Chính phủ áp dụng nhằm cải thiện các dòng tài chính đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ và bảo tồn. Vậy mục tiêu là tăng thu hay tăng đa dạng sinh học và giá trị hệ sinh thái? Liệu chúng ta có đi chệch hướng khi gặp áp lực quá lớn về tăng thu các nguồn khác ngoài NSNN?...

FED: Chính sách thuế quan khiến việc làm giảm, giá cả tăng cao / Tăng sức hút cho nông sản Tết

Những trăn trở này đã được các diễn giả cũng như khách mời đưa ra tại "Tọa đàm Đa dạng hóa nguồn đầu tư cho hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam: Cơ hội và rủi ro" do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 31/12/2019 tại Hà Nội.
Theo TS Ngô Anh Tuấn - chuyên gia độc lập, có 3 nguồn vốn đầu tư chủ yếu cho rừng đặc dụng, đó là Ngân sách Nhà nước (NSNN), ODA và các nguồn xã hội hóa (XHH). Trong đó, nguồn lực XHH là lớn nhất, NSNN đứng thứ 2, sau đó mới đến ODA và các nguồn khác.
Đánh giá chung về triển vọng đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư hệ thống rừng đặc dụng, chuyên gia này cho biết, cơ cấu nguồn vốn đầu tư hệ thống rừng đặc dụng tiếp tục thay đổi theo hướng giảm dần các nguồn NSNN và ODA, tăng dần nguồn XHH.
Nội dung “Xã hội hoá” nguồn đầu tư vào hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam đã được nhiều chuyên gia cũng như đại biểu tham dự tọa đàm phát biểu. Về mặt bản chất, xã hội hóa thường liên quan đến việc áp dụng các thực tiễn quản lý, đầu tư và phát triển có liên kết, phối hợp với các hoạt động kinh doanh bởi chính các chủ rừng và/hoặc có sự tham gia của khối tư nhân. Nếu thực hiện đúng, biện pháp này sẽ giúp giải quyết được cả hai khía cạnh là doanh thu và đầu tư cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và bảo tồn rừng.

Toàn cảnh tọa đàm.
Câu hỏi đặt ra mục tiêu là tăng thu hay tăng đa dạng sinh học và giá trị hệ sinh thái? Liệu chúng ta có đi chệch hướng khi gặp áp lực quá lớn về tăng thu các nguồn khác ngoài NSNN. Liệu tăng những nguồn thu này có tăng giá trị bảo tồn thiên nhiên hay không. Bởi mục tiêu cao nhất của chúng ta bảo vệ và bảo tồn rừng đặc dụng.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, khẳng định mục tiêu hệ thống khu bảo tồn của Việt Nam hay rừng đặc dụng là bảo tồn các giá trị về hệ sinh thái về các loại thực, động vật, các giá trị về văn hóa, cảnh quan. Rõ ràng đây là mục tiêu tối thượng của hệ thống này. Đầu tư là công cụ để đạt mục tiêu.
"Bảo tồn hay là tiền? Không nên đặt vấn đề qua cái này để kiếm tiền. Mà phải đặt vấn đề lớn hơn: xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên để góp phần bảo vệ thiên nhiên và qua đó thúc đẩy quá trình phát triển bền vững của quốc gia, và cố gắng xây dựng cơ chế tài chính để giúp đạt mục tiêu đề ra", ông Dũng bày tỏ quan điểm.
Trước ý kiến cho rằng, thực tế cho thấy chúng ta vẫn bị áp lực quá lớn trong việc chi cho các hoạt động dân sự, còn chi cho hoạt động bảo tồn thì Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn tài trợ quốc tế và các nguồn khác; còn nguồn thu từ dịch vụ và ngân sách chi cho các hoạt động bảo tồn dường như vẫn còn ít ỏi, ông Trần Lê Trà - Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức - GIZ chia sẻ, vấn đề không phải là ta thu tiền hay tập trung vào tăng bảo tồn mà là ta thu tiền để tăng hiệu quả bảo tồn.
"Đây là mục tiêu của của chúng ta. Tiền để làm bảo tồn thiên nhiên đòi hỏi kinh phí khổng lồ. Trong khi đó, kinh phí đầu tư từ NSNN để bảo tồn thiên nhiên chưa bao giờ là đủ - điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở tất cả các nước. Phải cố gắng tìm các nguồn thu khác nhau, hợp lý, hợp lệ, vừa đủ để đầu tư cho công tác bảo tồn. Tức là ta tăng thu để tăng hiệu quả bảo tồn", ông Trà nói.
Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường phát biểu rằng, phải xác định chắc chắn nhiệm vụ bảo tồn và phát triển là trọng tâm và gần như duy nhất. Từ khả năng nắm giữ tài nguyên quý giá như vậy chúng ta có thể làm được tiền để chi trả cho việc bảo tồn và phát triển thì quá tốt bởi vì Nhà nước không đủ tiền để làm việc này. Nhà nước không thể bỏ tiền ra để giữ tất cả các loại rừng tự nhiên, do đó phải tìm các nguồn khác.
GS. Đặng Hùng Võ nhận định, rừng đặc dụng khả năng phục vụ du lịch, thương mại các bon sẽ có những nguồn thu rất lớn để có thể đảm bảo việc bảo tồn. Tuy nhiên, GS. Đặng Hùng Võ chỉ ra một thực tế là Việt Nam vẫn vướng víu tư duy của quá trình chuyển từ bao cấp sang thị trường, kể cả nhận thức về văn hóa. Chính cái tư duy bao cấp trọng tài sản của Nhà nước, không dám vận hành tài sản của Nhà nước vào thị trường chính đã tạo thành nhược điểm.
"Tư duy cứ cái gì tài sản của Nhà nước dưới dạng tài nguyên thiên nhiên thì yêu cầu đóng lại và giữ lại cho chặt, quan điểm này đúng hay không? Có nên tiến hành xã hội hóa? Ở các vườn quốc gia, ai cũng biết rằng cho thuê một đoàn làm phim được "khối" tiền, hoặc cho thuê du lịch... Tôi cho rằng tiềm năng cực kỳ lớn", ông Võ đánh giá.
Nhược điểm thứ hai là số lượng người dân Việt Nam có tình yêu thực sự với tài nguyên thiên nhiên không nhiều - điều này trái ngược với các nước châu Âu.
"Vấn đề là cơ chế nào để chúng ta khắc phục nỗi lo này? Chẳng hạn như thực thi pháp luật, giám sát, đánh giá chúng ta cần cơ chế như thế nào để tránh việc ai đó nghiễm nhiên vào rừng đặc dụng chặt cây mang về nhà hoặc vào bắt thú mang về nhà. Cơ chế nào để khắc phục điều này khi nhận thức văn hóa của người dân chưa đồng đều? Cơ chế nào để giám sát việc xã hội hóa, ngầm hiểu ở đây là chính là tư nhân hóa trong việc chăm lo cho vườn quốc gia để sao cho ngăn chặn tài sản công thành tài sản tư?", GS Võ trăn trở.
Bà Bùi Thị Minh Nguyệt - Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, các nguồn đầu tư hiện nay đối với các khu rừng đặc dụng có từ nhiều nguồn và mỗi nguồn đều có những hạn chế nhất định. Đa số các nguồn thu hiện nay của các vườn quốc gia từ NSNN. Qua 3 kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Lâm nghiệp cho thấy, nguồn thu từ NSNN vẫn là chủ yếu và nguồn thu từ các hoạt động du lịch sinh thái (DLST) rất nhỏ, chiếm 1 - 3%. Tuy nhiên, trong số đó có một số vườn quốc gia đã thay đổi nhận thức và cách thức làm việc, đồng thời có lợi thế nên nguồn thu từ hoạt động kinh doanh DLST đã bứt phá.
Theo bà Nguyệt, nguồn thu từ NSNN phụ thuộc nhiều yếu tố, ràng buộc bởi một số đặc điểm như gần như chưa có vườn quốc gia, khu bảo tồn nào có nguồn thu chi trả từ dịch vụ công, tức là vẫn mang tính chất chi cho một số hoạt động thường xuyên. Các hoạt động đầu tư đối với vườn quốc gia cũng ràng buộc một số hạng mục rất nhỏ, còn những khoản đầu tư phục vụ cho sự phát triển của vườn quốc gia đang hạn chế.
"Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng việc đa dạng hóa các nguồn thu cho vườn quốc gia, đặc biệt là hoạt động kinh doanh dịch vụ DLST thông qua một số hình thức tự tổ chức hoặc liên doanh - liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng là con đường quan trọng giúp các vườn quốc gia có được nguồn thu để quay trở lại đầu tư lại cho công tác bảo tồn", bà Nguyệt chia sẻ.
Xung quanh vấn đề này, ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu: Trách nhiệm đầu tư chính việc bảo vệ các khu rừng đặc dụng là Nhà nước bởi lợi ích chủ yếu mà các khu rừng này đem lại là toàn xã hội và là lâu dài. Hơn thế nữa, lợi ích này hầu như là vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ của một quốc gia và vì vậy trách nhiệm bảo vệ các khu rừng này là thuộc về Liên hợp quốc.
Nhà nước trực tiếp quản lý và bảo vệ các khu rừng đặc dụng bằng hệ thống luật pháp (kể cả việc ban hành và thực thi) và nguồn lực tài chính cần thiết. Tuy vậy, không phải lúc nào ngân sách nhà nước cũng luôn đáp ứng, không phải các quy định về luật pháp mãi mãi / hay luôn luôn/ phù hợp với thực tế phát triển của xã hội.
"Do vậy, huy động các nguồn lực xã hội, các nguồn lực từ cộng đồng và các nguồn lực từ quốc tế đầu tư cho hệ thống các khu rừng đặc dụng là rất cần thiết. Cả cộng đồng xã hội cùng chung tay bảo vệ các khu rừng này đã là một cách thức huy động hữu hiệu và rất hiệu quả", Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam nhấn mạnh.
Để làm việc này cần tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng xã hội, tuyên truyền các đại biểu của dân, tuyên truyền đến các cán bộ trong hệ thống chính trị. Thực hiện rộng rãi việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, cho thuê môi trường rừng và cảnh quan thiên nhiên. Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể có thể thực hiện việc cho các tổ chức ngoài nhà nước hợp đồng quản lý trực tiếp khu rừng đặc dụng. Thay đổi cách tiếp cận về hệ thống rừng đặc dụng để có thể thu hút các nguồn lực xã hội cũng là điều đáng lưu tâm.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm