Thị trường

10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Những kết quả khả quan

Ngày 02/10, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới của ngành Công Thương tại tỉnh Thanh Hóa nhằm đánh giá những kết quả đạt được, cũng như những khó khăn cần khắc phục và mục tiêu trong giai đoạn mới.

Đánh giá việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua (2011 - 2020), Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, ngành Công Thương đã đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới điện nông thôn và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

Qua gần 10 năm thực hiện, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, Chương trình đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Theo đó, diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả cao; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn phát triển nhanh, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, hạ tầng điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, trường học... tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn của các địa phương; thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao (thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng nhanh, năm 2010 là 12,84 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 đạt khoảng trên 34 triệu đồng/người/năm, tăng 2,64 lần so với năm 2010); cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng - hiệu quả sản xuất...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị.

Tính đến nay cả nước có 8.072/8.902 xã được nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện, chiếm 90,7%, tăng 45,94% so với năm 2010 và tăng 8,32% so với thời điểm năm 2015. Nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua bán tiêu thụ hàng hóa, tiếp cận hàng Việt Nam chất lượng cao, trong 10 năm qua ngành Công Thương cả nước đã đẩy mạnh đầu tư, cải tạo hệ thống chợ truyền thống bằng nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa vốn đầu tư.

Riêng trong giai đoạn 2011 - 2018, cả nước đã xây mới trên 860 chợ; cải tạo nâng cấp trên 1.600 chợ hạng III, qua đó hỗ trợ người dân, DN tiêu thụ nông sản hàng hóa. Sau 10 năm thực hiện đã có 7.867 xã/8.902 xã trong cả nước cải tạo hệ thống hạ tầng thương mại, chợ truyền thống.

Thông qua việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng ngành điện, chợ truyền thống đến nay diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, tính đến hết tháng 8/2019, cả nước có 4.522 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,8% tổng số xã, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2015, về đích trước 1 năm so với mục tiêu 50% xã số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

Dù đạt nhiều kết quả khả quan trong gần 10 năm qua nhưng ngành Công Thương đã gặp không ít khó khăn như: Khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo dân cư sống không tập trung nên hiệu quả đầu tư lưới điện gần như không có, nên việc huy động vốn cho đầu tư khu vực này rất khó khăn; Đa số các chợ nông thôn đã được xây dựng từ lâu, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu các hạng mục thiết yếu, hoạt động không hiệu quả, không thu hút được đầu tư, xã hội hóa, trong khi nguồn vốn ngân sách dành cho phát triển lại rất hạn chế, không đáp ứng nhu cầu.

Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận người dân, tiểu thương kinh doanh, cán bộ sợ mất quyền lợi, không muốn thay đổi nên ảnh hưởng đến công tác chuyển đổi mô hình quản lý, tư tưởng còn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.

Mục tiêu của Bộ Công Thương trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện nông thôn, đảm bảo giữ vững đối với những địa phương đã đạt tiêu chí số 4, tăng thêm các địa phương mới đạt tiêu chí 4, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.

Triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tại các địa phương, qua đó thúc đẩy quá trình giao thương, trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm thay đổi diện mạo tại khu vực nông thôn.

Bộ Công Thương sẽ ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống lưới điện nông thôn, đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần cho phát triển kinh tế xã hội, ổn định chính trị và an ninh quốc phòng cho khu vực nông thôn trên cả nước.

Phát triển thương mại nông thôn ngày càng vững mạnh, theo hướng văn minh, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế và sự đa dạng của các loại hình tổ chức phân phối, các hoạt động dịch vụ và phương thức kinh doanh; góp phần định hướng và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển; đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng của nhân dân ở địa bàn nông thôn, trên cơ sở đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tạo tiền đề để chủ động hội nhập kinh tế - thương mại quốc tế thành công ở địa bàn nông thôn.

Trong khuôn khổ hội nghị, 105 tập thể và 133 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương do có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của ngành Công Thương giai đoạn 2010- 2020; 26 đơn vị được trao cờ thi đua do dẫn đầu phong trào thi đua “Ngành Công Thương xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo