Thị trường

Agribank tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng thông qua tổ vay vốn

Trong khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank vẫn luôn ghi dấu là ngân hàng thương mại lớn, đi đầu trong công cuộc phát triển tam nông. Nhiều năm qua Agribank đã thực hiện hiệu quả giải pháp cho vay qua tổ nhóm, giúp tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, kịp thời cung ứng vốn giúp họ phát triển sản xuất, ổn địng cuộc sống.

Công bố kết quả khảo sát chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2018 / Công bố tình hình trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu Quý 1.2019

Để triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn có hiệu quả, Agribank đã ký thỏa thuận liên ngành giữa Agribank với Hội Nông dân và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về việc cho vay qua tổ vay vốn vào ngày 23/9/2016.

Song song với việc hoàn thiện những văn bản liên quan để việc triển khai cho vay qua tổ, nhóm được thuận tiện, thông suốt, Agribank đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân tiếp cận vốn ngân hàng một cách nhanh chóng và an toàn.

Tính đến cuối năm 2018, Agribank có trên 58.700 tổ vay vốn trên toàn quốc với trên 1,37 triệu thành viên và dư nợ trên 115 nghìn tỷ đồng tăng 12,57% so với năm 2017. Trong đó, dư nợ do Hội Nông dân quản lý đạt gần 54 nghìn tỷ đồng, Hội Phụ nữ quản lý trên 19,5 nghìn tỷ đồng, số còn lại do tổ chức khác quản lý. Một số khu vực có dư nợ cho vay qua tổ vay vốn cao như: Khu vực miền núi cao biên giới, khu vực trung du Bắc Bộ, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực Khu 4 cũ, khu vực Duyên hải miền Trung…
Agribank triển khai mạnh mẽ mô hình cho vay qua tổ vay vốn để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng.

Agribank là ngân hàng chủ lực đầu tư cho nông nghiệp nông dân, nông thôn, việc phát triển mở rộng hình thức cho vay qua tổ vay vốn là một định hướng đúng đắn và sáng suốt của Agribank.

Tổ vay vốn rất phù hợp ở địa bàn nông thôn, nơi các tổ chức hội, đoàn thể hoạt động mạnh mẽ, có uy tín cao, giúp các chi nhánh tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp, hỗ trợ tạo tiền đề cho các chi nhánh trong quá trình phối hợp tuyên truyền triển khai các hoạt động cho vay, quảng bá thương hiệu Agribank…

Dưới góc độ một hội viên tìm đến tổ vay vốn để tiếp cận vốn ngân hàng, bà Nguyễn Thị Thận trú tại xã Quảng Lợi, Quảng Xương, Thanh Hóa chia sẻ: “Tôi vay vốn ngân hàng Agribank từ rất lâu rồi, tôi vay vốn để làm ăn có tiền nuôi các con ăn học. Giờ các con trưởng thành rồi, tôi tìm đến tổ vay vốn của ngân hàng để vay tiền nâng cấp và mở rộng trang trại. Tôi vay qua tổ được 5 năm và thấy rất thuận tiện, trả lãi vay qua tổ, tổ đôn đốc chúng tôi trả nợ đúng hạn…”.

Đến nay, Agribank đã có 86 chi nhánh có dư nợ cho vay qua tổ vay vốn, chủ yếu là tổ Hội Nông dân, tổ Hội Phụ nữ và tổ Hội khác. Nhiều chi nhánh thực hiện thu nợ tại xã tạo điều kiện cho khách hàng ở vùng sâu vùng xa, giúp tiết kiệm chi phí và an toàn cho khách hàng. Việc cho vay qua tổ vay vốn không chỉ tạo thuận tiện cho khách hàng mà còn giúp ngân hàng thuận tiện trong việc quản lý khách hàng, giảm áp lực quản lý khách hàng.

Qua thời gian triển khai, tổ vay vốn đã thực sự là cánh tay nối dài của Agribank đến các hộ nông dân. Hoạt động cho vay qua tổ nhóm được triển khai mạnh mẽ tại nhiều chi nhánh như: Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên… Nhiều chi nhánh có dư nợ cho vay qua tổ tăng nhanh như: Tây Nghệ An, Nghệ An, Ninh Thuận, Nam Định…
Cán bộ Agribank đến tận nhà tổ trưởng tổ vay vốn để hướng dẫn tổ trưởng các thủ tục vay vốn và giải đáp các thắc mắc...

Tổ trưởng tổ vay vốn được lựa chọn thường là người có uy tín, gần gũi với các thành viên tổ vì vậy có thể theo sát đôn đốc, nắm bắt nhu cầu của các thành viên trong tổ, hỗ trợ các cán bộ tín dụng mở rộng tín dụng và đôn đốc trả nợ, đảm bảo tỷ lệ lãi thực thu cao, nâng cao chất lượng tín dụng.

Mặt khác, việc tham gia các tổ vay vốn cũng tạo điều kiện cho các thành viên tổ học hỏi về phương thức đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả đồng vốn vay ngân hàng, đảm bảo khả năng trả nợ. Nhiều tổ trưởng tổ vay vốn nhiệt huyết, được ngân hàng tập huấn và hiểu về các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, đã trở thành một kênh phân phối sản phẩm dịch vụ hiệu quả tại các địa bàn xã.

Bà Phạm Thị Toan trú tại xã Quảng Lợi, Quảng Xương, Thanh Hóa cho hay: “Tôi làm tổ trưởng tổ vay vốn của Hội Phụ nữ đã được ba năm. Tôi quản lý số hội viên là 26 thành viên, các thành viên vay vốn với số tiền khoảng trên dưới 100 triệu để đầu tư chăn nuôi sản xuất và thường làm ăn rất hiệu quả, trả lãi cho ngân hàng đầy đủ. Thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Agribank nhanh gọn đáp ứng nhu cầu của người dân".
Từ nguồn vốn vay qua tổ, nhiều hộ nông dân đã phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Tổ vay vốn là một trong những kênh hiệu quả để Agribank dẫn vốn đến người dân đặc biệt người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa giúp người dân phát triển sản xuất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thi Văn Tân, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Nam Thanh Hóa khẳng định: “Tổ vay vốn được tổ chức qua các tổ chức hội, các tổ trưởng là thành viên có uy tín trong các tổ hội, thường nắm rõ về gia cảnh của các hội viên nên có thể giúp ngân hàng lựa chọn được những khách hàng tốt và có thể chăm sóc được tốt hơn, tạo điều kiện cho khách hàng có thể vay vốn một cách thuận tiện".

Từ đó, về phía ngân hàng, cho vay qua tổ vay vốn giúp ngân hàng tìm kiếm được những khách hàng có chất lượng, giảm tỷ lệ nợ xấu, giảm tải cho cán bộ tín dụng khi phải quản lý nhiều khách hàng.

Agribank không ngừng đa dạng hóa các kênh dẫn vốn đến khách hàng đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. Ngoài việc cho vay qua tổ vay vốn, Agribank còn triển khai dịch vụ ngân hàng lưu động đến tận địa bàn xã, thôn vùng sâu vùng xa giúp khách hàng có nhiều cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng, từ đó hạn chế việc người dân phải tìm đến tín dụng đen để có vốn phục vụ nhu cầu chính đáng.
Theo hanoimoi.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm