Bắc Giang: HTX là nơi phụ nữ khởi nghiệp
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang giao cho mỗi huyện, thành Hội hỗ trợ ít nhất 10 phụ nữ khởi sự kinh doanh.
Chị Phạm Thị Hằng - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Việc vận động, hỗ trợ, tạo tiền đề cho phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh là một trong những nội dung quan trọng của Hội LHPN tỉnh. Hội tiến hành rà soát hội viên phụ nữ có mong muốn, nguyện vọng, ý tưởng để hỗ trợ, giúp đỡ và khuyến khích chị em tham gia các tổ liên kết, HTX với mô hình sản xuất, kinh doanh áp dụng công nghệ hiện đại. Từ đó giải quyết nhu cầu đầu ra của sản phẩm, hướng đến sự ổn định, bền vững”.
Liên kết để thành công
Là Giám đốc HTX Dịch vụ kinh doanh sản xuất chăn nuôi thỏ xuất khẩu Hợp Thành (xã An Châu, huyện Sơn Động), chị Nguyễn Thị Mách cho biết trước kia khi mới bước chân vào nghề, chị chọn hướng chăn nuôi, sản xuất theo mô hình nhỏ lẻ, đạt năng suất chưa cao. Được Hội Phụ nữ xã An Châu hướng dẫn vay vốn cộng với số tiền dành dụm được, chị quyết định xây dựng chuồng trại nuôi thỏ, mở rộng kinh doanh.
Những lứa đầu tiên chưa có kinh nghiệm, thỏ bị bệnh, chết nhiều. Không nản lòng, chị tiếp tục nuôi, tự mày mò, tìm hiểu qua sách báo, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các mô hình ở nhiều địa phương khác. Nhờ kiên trì, cố gắng, được giới thiệu đi học các lớp tập huấn về sản xuất, kinh doanh, chị đã nghiên cứu, mở rộng thị trường cho lĩnh vực đầu tư.
Có doanh thu ổn định, ký được hợp đồng tiêu thụ với các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh, chị Mách mạnh dạn vận động chị em trên địa bàn cùng chăn nuôi, liên kết sản xuất. Giữ vai trò đầu tàu của HTX, chị luôn nhắc nhở các hộ kinh doanh phải thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi sạch, xây dựng chuồng trại đúng quy chuẩn, đồng thời hướng dẫn chị em kỹ thuật chăn nuôi thỏ, hỗ trợ giống góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Cũng theo hướng liên kết để khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Khoa - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Quỳnh Độ (xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam) nhận thấy tình trạng đồng ruộng bị hoang hóa đã lên ý tưởng thành lập Tổ phụ nữ liên kết trồng khoai lang. Tổ liên kết được thành lập từ năm 2014 với 18 thành viên, các chị thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, hỗ trợ nhau về vốn, KH-KT và ngày công lao động.
Trồng khoai lang không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư chỉ bằng 2/3 so với cấy lúa nhưng lợi nhuận lại gấp 3, 4 lần. đến nay, không ít chị em trong tổ liên kết có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm nhờ thay đổi hình thức canh tác.
Hỗ trợ sản xuất
Hiện nay, các cấp Hội LHPN tỉnh Bắc Giang vẫn tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” gắn với triển khai khâu đột phá “Vận động, phát huy vai trò của phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường”.
Năm 2019, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức hơn 54 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh, HTX cho hơn 5.768 phụ nữ; giúp hơn 200 phụ nữ khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh; gần 3.000 chị em phụ nữ được đào tạo, bồi dưỡng nghề; lựa chọn, hỗ trợ 17 mô hình sản xuất/kinh doanh theo chuỗi…
Trong đó, Hội LHPN tỉnh đang triển khai các hoạt động hỗ trợ mô hình thí điểm trồng hoa và trồng rau hữu cơ tại thành phố Bắc Giang; tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật chăn nuôi gà cho 50 người là thành viên THT Chăn nuôi gà thả vườn Quế Sơn và những hội viên đang chăn nuôi gà có mong muốn vào THT...
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang dự định triển khai hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp theo hướng hoạt động có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào nhóm đối tượng cụ thể, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững; tổ chức các cuộc đối thoại chính sách, giám sát phản biện nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ phát triển kinh doanh. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, trách nhiệm của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo