Bắc Ninh: Tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho HTX nông nghiệp
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh đã vận động và thành lập mới được 21 HTX, trong đó 18 HTX nông nghiệp, 3 HTX thương mại.
Việc thành lập mới 21 HTX đã đạt 105% chỉ tiêu phát triển HTX so với Nghị Quyết số 09/BCH của BCH Liên minh HTX Việt Nam, bằng 70% kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác (KTHT) của địa phương. Số HTX hoạt động có hiệu quả là 442/634, đạt 69,7% và bằng 116% so với Nghị quyết số 09. Mặc dù tỷ lệ HTX thành lập mới đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng nhiều HTX nông nghiệp hoạt động gặp nhiều khó khăn do tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, thời tiết và biến động bởi giá cả thị trường và đầu ra thiếu ổn định và khó khăn về vốn.
HTX gặp khó
Số lượng HTX tăng đều qua các năm, nhưng tính đến thời điểm này, doanh thu, thu nhập, lợi nhuận của các HTX, nhất là các HTX dịch vụ nông nghiệp cơ bản không tăng so với năm 2018.
Nguyên nhân dẫn đến khó khăn này, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - ông Phạm Minh Hiền, cho biết: “Năm nay lúa, hoa màu của nhiều HTX và THT trên địa bàn tỉnh gặp dịch bệnh phá hoại trên diện tích rộng và dài ngày dẫn đến năng suất không cao như những năm trước. HTX chăn nuôi lợn bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành, gây thiệt hại nghiêm trọng đến doanh thu, có HTX không còn vốn để tái đàn và rất khó khăn trong việc thanh quyết toán trả nợ các tổ chức tín dụng”.
Cũng theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, về yếu tố chủ quan tác động đối với các HTX dịch vụ nông nghiệp hiện nay là quy mô công nghệ còn hạn chế. Số HTX có kho lạnh, nhà lưới, nhà màng, chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn còn hạn chế, chiếm dưới 5%. HĐQT của các HTX chủ yếu là người cao tuổi, có kinh nghiệm làm việc nhưng trình độ chuyên môn còn hạn chế. Lượng cán bộ trẻ chỉ chiếm dưới 5%. Đội ngũ cán bộ quản lý, nghiệp vụ của các HTX còn yếu, độ tuổi cao; việc chỉ đạo, điều hành chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, phần lớn chưa qua đào tạo bồi dưỡng, còn hạn chế trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh theo cơ chế mới và tìm kiếm thị trường nên chưa tìm được mô hình, bước đi, cách làm mới để phát triển HTX.
Ngoài ra, sự phối kết hợp giữa các HTX với các doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ cho các HTX, năng lực nội tại của các tổ chức KTHT còn yếu. Việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thực hiện chưa thực rộng rãi, thiếu chế tài ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm các bên tham gia, nhất là đối với hộ nông dân. Đặc biệt, thủ tục, hồ sơ vay vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển Liên minh HTX Việt Nam có 20 tiêu chí mà hầu hết các HTX không đáp ứng được yêu cầu...
Trước những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà các HTX trên địa bàn tỉnh phải đối mặt, Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh đã chủ động tăng cường nhiều giải pháp để cùng với chính quyền các cấp bắt tay với các HTX để tháo gỡ.
Cần nỗ lực vượt qua
Về đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, trong 9 tháng qua, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 8 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý HTX trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố với 1.451 lượt người tham dự. Tổ chức 7/8 lớp tập huấn về xây dựng mô hình HTX sản xuất liên kết theo chuỗi, gắn với tiêu thụ sản phẩm cho 980 lượt cán bộ HTX tham dự.
Liên minh HTX tỉnh cũng đang tiến hành thủ tục cho một số HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, như các HTX Sản xuất nông nghiệp sạch Gia Lương Thuận (Lương Tài) HTX Nông nghiệp tổng hợp Quang Minh - Cảnh Hưng (Tiên Du), HTX Thủy sản Sông Đuống (Thuận Thành).
Liên minh HTX tỉnh cũng đang tập trung hướng dẫn và hoàn tất hồ sơ công nhận HTX Chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh đạt tiêu chuẩn mô hình HTX sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa với 85 lồng cá sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài ra, qua khảo sát và đánh giá, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn một số HTX đang có nhu cầu xây dựng mô hình HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, như: HTX Nông nghiệp tổng hợp Quang Minh - Cảnh Hưng với sản phẩm măng tây xanh; HTX Nông nghiệp hữu cơ Liêm Anh (Tiên Du) với sản phẩm dưa lưới, dưa lê, rau xanh, nuôi bò sữa; HTX Chăn nuôi Văn Tường (thị xã Từ Sơn) với sản phẩm gà đẻ trứng, ấp trứng và nhân giống gà con...
Theo đánh giá, hiện năng lực tài chính của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn hẹp. Vốn điều lệ chỉ 50 - 200 triệu đồng nên việc mua sắm máy móc, đầu tư trang thiết bị, xây dựng nhà lưới, nhà màng còn hạn chế. Hầu hết các HTX muốn đầu tư trang thiết bị, máy móc, mở rộng sản xuất kinh doanh đều phải vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc tiếp cận và các thủ tục vay vốn không hề đơn giản.
“Liên minh HTX tỉnh đề nghị Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để giúp các HTX có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay, góp phần giải quyết khó khăn về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho các HTX”, ông Phạm Minh Hiền kiến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Xuất khẩu rau quả có thể lập kỷ lục mới 7,5 tỷ USD
Giá nông sản ngày 5/11/2024: Cà phê tiếp tục giảm, hồ tiêu giữ giá