BIDV sắp phải chi 4.760 tỷ đồng trả cổ tức năm 2017 và 2018
Ngày 25/10, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM về việc công bố thông tin BIDV chi trả cổ tức năm 2017, 2018.
Cụ thể, căn cứ Nghị quyết số 1056/NQ-BIDV của Hội đồng Quản trị BIDV ngày 25/10/2019, BIDV sẽ trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng tiền mặt.
Nghị quyết nêu rõ, nhà băng này sẽ thực hiện trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%/cổ phiếu (01 cổ phiếu nhận được 700 đồng); cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 7%/cổ phiếu (01 cổ phiếu nhận được 700 đồng).
Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt trong hai năm 2017 và 2018 là 14%/cổ phiếu (một cổ phiếu nhận 1.400 đồng).
Ngày đăng ký cuối cùng là 08/11/2019. Đối tượng trả cổ tức là toàn bộ cổ đông có tên trong danh sách người sở hữu chứng khoán tại ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2017 và 2018 bằng tiền mặt, ngoại trừ cổ đông thống nhất không hưởng cổ tức năm 2017, 2018. Ngày thanh toán là 12/12/2019.
Thông báo và nghị quyết trên của BIDV đưa ra sau hơn hai năm qua chính sách trả cổ tức chưa được thực hiện. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước, cũng như nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (gồm BIDV, Vietcombank và VietinBank) đã nhiều lần đề xuất các cơ quan chức năng cho phép được trả cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc bố trí nguồn ngân sách để tăng vốn điều lệ nhưng chưa được đáp ứng.
Vì vậy, thông tin BIDV chia cổ tức bằng tiền mặt khá bất ngờ với thị trường nói chung và nhiều nhà đầu tư nói riêng khi BIDV cùng với VietinBank vẫn là những ngân hàng luôn mong muốn được chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn trong năm nay, giữa bối cảnh gọi vốn khó khăn còn áp lực của Basel II ngày càng nặng nề.
Mặt khác, hồi tháng 9 thương vụ BIDV bán vốn cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc đang ở giai đoạn hoàn tất cuối cùng, dự kiến sẽ thực hiện xong trong tháng 10 này. Có thể đây là lý do giúp BIDV giải tỏa được áp lực tăng vốn, đồng thời chủ động xin chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Được biết, từ năm 2016 trở về trước, ngân hàng này vẫn đều đặn trả cổ tức cho cổ đông, từ 7% đến 10%.
Đặc biệt, năm 2016 BIDV đã quyết định chọn phương án trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu để tăng vốn nhằm đảm bảo hệ số CAR và phương án này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước đồng ý.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV chia cổ tức bằng tiền mặt và nộp số cổ tức được chia vào ngân sách nhà nước. Và năm đó, BIDV buộc phải trả cổ tức 8,5%.
Tới thời điểm hiện tại, đã có 12 ngân hàng được áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn, nhưng trong số đó vẫn chưa có tên BIDV. Được biết, ngân hàng đã nộp hồ sơ Basel II lên NHNN, chờ xét duyệt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng