Bức xúc vì trường Việt Úc lạm thu học phí khi nghỉ tránh dịch: Phụ huynh người cho con chuyển trường, người viết đơn cầu cứu Chủ tịch UBND TP.HCM
Chân dung một con nhà giàu học trường quốc tế: Xinh đẹp, IELTS 7.5, tiền tiêu vặt mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng / Hà Nội công bố danh sách 11 trường Quốc tế, không có Gateway cùng nhiều trường học phí trăm triệu khác
Hàng ngàn phụ huynh học sinh đang phản đối cách thu học phí trong thời kỳ học sinh nghỉ dịch bệnh của Trường quốc tế Việt Úc.
Mấy ngày vừa qua, cộng đồng Phụ huynh Việt Úc (Trường Quốc tế Việt Úc - VAS) vô cùng bức xúc trước việc trường này ra thông báo thu đủ 100% học phí (học phần 4), trong khi học phí học phần 3 đã thu đủ, nhưng do học sinh nghỉ tránh dịch Covid-19 nên các con mới đi học có 20 ngày (trong đó có 13 ngày đi học và 7 ngày nghỉ Tết nguyên đán). Học phần 3 mới học hết 28% thời gian, VAS tiếp tục ra thông báo phải tiếp tục đóng học phần 4 (một năm có 4 học phần) trước ngày 25/4.
Điều đáng nói là tiền học phí mỗi năm của VAS lên đến 143-425 triệu đồng/năm/học sinh, tùy thuộc vào mỗi cấp mầm non, tiểu học, trung hoc cơ sở, trung học phổ thông. Như vậy, phụ huynh trường này phải đóng từ 30-40 triệu đồng, tới cả trăm triệu đồng cho những ngày con mình không đến lớp học. Quá bức xúc, rất nhiều phụ huynh đã yêu cầu nhà trường giải thích rõ mọi chi phí, sau đó VAS tiếp tục gửi thông báo lần 2 đề nghị đóng học phí tiếp, còn đối với tiền ăn uống và xe đưa đón (khoảng 10%) thì tạm thời chưa đóng đợi thông báo sau. Trường Việt Úc cũng yêu cầu phụ huynh đóng 20 triệu đồng tiền giữ chỗ cho năm học 2020 - 2021. Quá bất bình, một số phụ huynh trường này đã tuyên bố cho con chuyển trường, mặc dù chuyển đi giữa chừng cũng gây phiền toái không ít cho con của họ.
Ông Huỳnh Văn Phú - phụ huynh của 3 bé đang học khối mầm non cơ sở 3-2 của Trường Quốc tế Việt Úc cho biết, riêng học phí học phần 4, ba bé nhà anh phải đóng mỗi bé gần 60 triệu đồng, tính ra hết khoảng 170 triệu đồng, nếu như theo thông báo mới nhất của nhà trường thì giảm được 10%, mức giảm không đáng kể, trong khi đó tiền học phí học phần 3 đã đóng rồi nhưng chưa học hết.
Cụ thể, trong học phần 3 thực tế học sinh đi học tại trường là 13 ngày, tính luôn cả 7 ngày nghỉ Tết âm lịch tổng cộng là 20 ngày, chỉ chiếm 28% của cả học phần là 70 ngày (10 tuần), chiếm 28,6% trên tổng thời gian của học phần 3. Trong suốt thời gian nghỉ dịch, các bé mầm non hầu như không học gì. Còn đối với học sinh các khối tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có học trực tuyến qua Zoom, nhưng các phụ huynh đều than chất lượng rất tệ, không đạt yêu cầu dạy và học, kết quả kém nhưng nhà trường không đếm xỉa gì đến việc học sinh nghỉ học dài ngày mà tự ý khấu trừ 100% học phí của học phần 3 khiến nhiều phụ huynh bất bình.
Ông Huỳnh Văn Phú cho biết: “Với số lượng 9.500 học sinh, số tiền học phí học phần 3 mà VAS đã thu lên tới trên dưới 500 tỷ đồng. Nếu nhà trường không giải quyết minh bạch chuyện tài chính, không chuyển học phí của học phần 3 sang học phần 4 thì tôi sẽ xem xét cho các con chuyển trường khác học”.
Một phụ huynh khác có 3 con đang học tại VAS là chị Lê Phương Hảo cũng cho biết, chị quyết định chuyển trường khác cho các con chị và đã viết đơn xin chuyển trường.
“Mặc dù làm điều này lòng tôi nghẹn lại. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời làm mẹ tôi đứng trước một quyết định cho tương lai của các con tôi. Nhưng im lặng chấp nhận yêu cầu của nhà trường và để các con tiếp tục tại ngôi trường này thì tri thức của người làm mẹ như tôi không cho phép. Bỏ qua các yếu tố chất lượng dạy và học, các con tôi cần một môi trường sư phạm sạch sẽ để có thể phát triển làm người trước. Tiên học lễ hậu học văn, liệu những năm đầu đời của con tôi được học trong một môi trường như thế này thì không ai có thể chắc chắn được con lớn lên mà không bị ảnh hưởng chủ nghĩa thực dụng”, chị Phương Hảo cho hay.
Một phụ huynh khác cũng cho rằng: “Việc dạy online trong kỳ nghỉ của VAS không đạt chất lượng, mạng lag, server trường yếu, học sinh truy cập nhiều là treo, đứng hình. Chưa kể trong thời gian học do chất lượng kém, không có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, nên nhiều học sinh tắt mic, ngồi chat, chơi game, đưa tài liệu cho nhau lúc test, nhiều con học không có sách vở do nghỉ Tết để hết sách ở trường”.
Đại diện Nhóm Phụ huynh Việt Úc đã ký đơn khiếu nại gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM.
Mới đây, đại diện cho Nhóm Phụ huynh Việt Úc đã làm đơn gửi Chủ tịch UBND TP.HCM và các sở, ngành của TP.HCM kiến nghị về việc hành xử thiếu nhân văn và không đúng pháp luật của Trường Việt Úc. Theo nội dung đơn kiến nghị, đa số phụ huynh đều đồng ý đóng tiền học phí trong thời gian nghỉ do dịch bệnh, nhưng, “mức đóng không phải là 100% học phí như đòi hỏi từ phía nhà trường”, dù các con nghỉ học từ Tết đến giờ và chưa biết thời gian sắp tới thế nào. Việc yêu cầu đóng 100% học phí không phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, Nhóm Phụ huynh yêu cầu nhà trường ngồi lại cùng đại diện các phụ huynh các lớp để bàn luận và thỏa thuận trên nguyên tắc sau:
Yêu cầu giảm tiền học phí học kỳ II niên học 2019-2020 tùy theo cấp bậc học sinh, cấp 3, cấp 2, cấp 1, cấp mầm non vì các con nghỉ học nên tiền không phải sử dụng các chi phí trực tiếp như điện, nước, dịch vụ vệ sinh tạp vụ... Và cấp mầm non hoàn toàn chưa học online cho đến nay, và cấp 1 chỉ học 1 tiết/ngày.
Đại diện Nhóm Phụ huynh cũng bày tỏ quan điểm sẵn sàng san sẻ với nhà trường các khoản chi hỗ trợ cho lương giáo viên, bảo vệ, giáo vụ... Còn các khoản không chi khác như điện, nước, văn phòng phẩm, vệ sinh... cần phải trả lại cho phụ huynh. Nhà đầu tư cần trích quỹ dự phòng rủi ro để chia sẻ thêm với phụ huynh, chứ dịch bệnh cả nước đều đùm bọc, sẻ san nhau, nhà trường không thể đẩy tất cả 100% chi phí lên vai phụ huynh học sinh như cách nhà trường đang làm.
Thêm vào đó, Nhóm Phụ huynh còn cho biết, trường đang giữ tiền ăn, tiền xe (của học sinh đã đóng 100%) từ tháng 2/2020 đến tháng 5/2020 và của học sinh đóng lần 3, vì vậy trường cần trả lại ngay lập tức cho phụ huynh đã đóng 100% và cấn trừ cho phụ huynh chưa đóng lần 4.
Phụ huynh cũng yêu cầu làm rõ tiền giữ chỗ năm 2021 (20 triệu đồng) trong bối cảnh dịch bệnh này và chờ đợi công văn chỉ đạo của các sở và ban ngành cùng đạt được thỏa thuận với phụ huynh.
Đồng thời đề nghị nhà trường cần tách bạch việc giảm học phí để hỗ trợ trong hoàn cảnh khó khăn với việc thu tiền trước được giảm. Trường hứa sẽ giảm 10% nếu đóng toàn bộ học phí cho năm sau nếu đóng trước 15/5/2020. Như vậy, kiểu giảm này là nhà trường mập mờ giữa trả lãi do phụ huynh đóng trước 1 năm để huy động tiền mặt, chứ không phải giảm trực tiếp do dịch bệnh.
Trong đơn, Nhóm Phụ huynh cũng đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM can thiệp sâu trong việc giải quyết xung đột giữa phụ huynh và nhà trường, đứng ra giám sát hoạt động này của hệ thống trường dân lập và quốc tế.
Ông Huỳnh Phú cho hay: “Trường Quốc tế Việt Úc hiện có khoảng 9.500 học sinh theo học tại nhiều cơ sở ở TP.HCM. Hiện nay hàng ngàn phụ huynh đang rất bất bình và muốn chuyển trường cho con em sau đợt dịch bệnh này, như vậy sẽ gây nên một biến động lớn. Chúng tôi rất mong Chủ tịch UBND TP.HCM và Sở GD&ĐT quan tâm giúp chúng tôi giải quyết xung đột này một cách thấu tình đạt lý trong bối cảnh dịch bệnh, khó khăn chung cho toàn xã hội”.
“Việc học sinh nghỉ học, trong khi trường vẫn phải trả lương cho giáo viên, nhân viên cũng có khó khăn. Phụ huynh chúng tôi sẵn sàng đóng góp để chia sẻ khó khăn với nhà trường, nhưng trường phải có công khai minh bạch về tài chính. Tiền học phí của học phần 3 đã đóng chỉ trừ khoảng 10-20% cho việc dạy trực tuyến, số còn lại chưa học của học phần 3 cần được chuyển sang học phần 4. Còn chi phí trả lương giáo viên, nhân viên của nhà trường cần được hạch toán riêng một cách công khai, minh bạch. Nếu trường bù lỗ nhiều, phụ huynh sẵn sàng đóng góp để hỗ trợ giáo viên”, ông Huỳnh Phú nói thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới