Thị trường

Cần đánh giá đầy đủ hơn về thực trạng của doanh nghiệp

(DNVN) - Thẩm tra về việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngày 22/10, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ hơn về thực trạng doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực thi công vụ, trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Những trường hợp nào được cấp miễn phí hóa đơn điện tử? / BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: Kim ngạch xuất khẩu sắp đạt 200 tỷ USD, giá cau cao kỷ lục

Theo Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội hôm 22/10, 9 tháng đầu năm 2018, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh năm 2017 của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/189.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) đánh giá Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) thực hiện quý II/2018 rất lạc quan, tăng 6 bậc so với quý I/2018, đây cũng là đánh giá tích cực nhất từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trong 18 tháng qua.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. (Ảnh: VPQH)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. (Ảnh: VPQH)

Thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Rà soát, giảm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí vốn, phí BOT, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính gắn với triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 10 quốc gia cam kết mạnh mẽ nhất về cải cách chính sách thuế.
Tổ chức Oxfam (Anh) đã xếp Việt Nam đứng thứ 12/157 thế giới về mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và nhóm 10 quốc gia khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cam kết mạnh mẽ nhất cải cách chính sách thuế.
Nhờ vậy, cả năm 2018 có khoảng 130.000 doanh nghiệp đăng ký mới. Trong 3 năm (2016 - 2018) thành lập mới 367 nghìn doanh nghiệp; trong khi cả giai đoạn 2011 - 2015 là 393,8 nghìn doanh nghiệp.
Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng nhanh, năm 2018 ước tính có khoảng gần 21,2 nghìn hợp tác xã và 61 liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 13 nghìn hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút 6,4 triệu thành viên tham gia; doanh thu và thu nhập của người lao động được cải thiện, góp phần giảm nghèo, giữ ổn định xã hội.
Đặt mục tiêu cho năm 2019, Chính phủ nói sẽ tăng cường sự công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin trên các lĩnh vực về chính sách, pháp luật và môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh.
Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã; khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp. Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.
Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu rõ, 3 năm qua, số lượng doanh nghiệp có sự gia tăng đáng kể; quy mô nguồn nhân lực tăng lên ở tất cả các ngành.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được cắt giảm, nhưng vẫn cần xem xét mức độ thực thi của các cấp, các ngành và bảo đảm tính thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ hơn về thực trạng của doanh nghiệp, báo cáo rõ về xu hướng thay đổi quy mô vốn bình quân và quy mô bình quân lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước; tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cao.
Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thiểu chi phí sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực thi công vụ, trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm