Cần Thơ: Phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái để xuất khẩu
Với diện tích trên 18.500ha, mỗi năm thành phố này đưa ra thị trường gần 100.000 tấn trái cây, chủ yếu là xoài, chuối, vú sữa, nhãn…
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún
Mặc dù diện tích cây ăn trái của Cần Thơ lớn, nhưng nằm rải rác ở các quận, huyện.Chính vì thế, quy mô SX vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thể khẳng định thế mạnh ngành hàng này.
Do đó, việc phát triển và quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái sẽ là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị cho trái cây Cần Thơ. Từ đó, không chỉ khẳng định được giá trị, thương hiệu XK mà từng bước ổn định cuộc sống người dân.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn hiện TP Cần Thơ có trên 18.500ha cây ăn trái, trong đó, diện tích trồng xoài trên 2.850ha, nhãn trên 1.900ha, vú sữa trên 1.430ha, chuối 1.430ha, chanh gần 880ha, sầu riêng gần 800ha, dâu Hạ Châu gần 700ha...
Phần lớn sản lượng trái cây được tiêu thụ thông qua hệ thống thương lái ở địa phương thông qua phương thức thu mua tại vườn. Bên cạnh đó, một số tổ chức kinh tế tập thể, hộ nông dân bước đầu thực hiện liên kết tiêu thụ, cung cấp trái cây cho các cơ sở bán lẻ ở trung tâm thành phố, hoặc tiêu thụ thông qua hình thức du lịch sinh thái miệt vườn.
Ông Lê Văn Thơm, ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền có 17 năm trồng nhãn cho biết, gia đình có 1ha đất trồng nhãn tiêu da bò, những năm đầu, vườn nhãn đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, thu nhập giảm dần những năm sau đó. Do đó, ông đã quyết định phá bỏ giống nhãn tiêu da bò để chuyển sang trồng nhãn Ido.
Hiện nay, những gốc nhãn Ido của gia đình ông Thơm được 3 năm tuổi, phát triển tốt và sẽ cho lứa trái đầu tiên trong năm nay. Với giá bán trên thị trường từ 22.000 - 30.000 đồng/kg (tùy thời điểm), cây nhãn Ido sẽ đem lại thu nhập gấp nhiều lần so với giống nhãn tiêu da bò trước đây.
Ông Thơm chia sẻ thêm, nếu như trước đây chỉ trồng nhãn tự phát, dựa theo kinh nghiệm mà không tuân thủ bất kỳ quy trình nào nên sản phẩm không đạt năng suất, chất lượng, giá bán bấp bênh. Trăn trở với việc sản phẩm không thể tiếp cận được những kênh phân phối hiện đại, ông và các hộ dân trồng cây ăn tráiđã thành lập Câu lạc bộ trồng nhãn Ido với gần 50ha, gồm 60 thành viên.
Khi tham gia câu lạc bộ, các thành viên có điều kiện ngồi lại với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, cách chăm sóc, tìm đầu ra cho sản phẩm để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất. Bà con tham gia ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giá cả không còn trồi sụt.
Bên cạnh đó, sản xuất theo quy trình, có hợp đồng mua bán, đồng thời giới thiệu những DN phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chất lượng cao để các thành viên làm ăn có hiệu quả.
Lối đi nào?
Trước tình trạng được mùa mất giá hầu như năm nào cũng có, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ cho biết, để tránh tình trạng này cần có sự liên kết giữa người dân và DN trong bao tiêu sản phẩm, mà muốn làm được phải có diện tích lớn, quy hoạch một cách bài bản, khi đó DN sẽ có vùng nguyên liệu và người dân an tâm đầu tư sản xuất.
Trước kia nông dân làm ăn tự phát, mỗi người làm một kiểu, mỗi người trồng một loại cây. Do đó, cần quy hoạch thành một khu vực để cho người dân tiếp cận được khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần bảo vệ nguồn nước, giống, vốn sản xuất, từ đó đăng ký thương hiệu sản phẩm, lo đầu vào và đầu ra sản phẩm được dễ dàng hơn.
Đểsản xuấtcây ăn trái theo hướng hiện đại, TP Cần Thơ sẽ quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái với hơn 700ha ở huyện Phong Điền. Đây là vùng cây ăn trái lớn nhất của thành phố với nhiều giống cây ăn trái truyền thống như dâu Hạ Châu, cam sành, vú sữa và sầu riêng...
Theo Phòng NN-PTNT huyện Phong Điền, với vùng chuyên canh cây ăn trái sẽ giúp người dân mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của DN, thị trường trong nước cũng như XK, đặc biệt khi mà thị trường Trung Quốc đòi hỏi sản phẩm cây ăn trái phải đảm bảo chất lượng, có đăng ký có mã số để truy suất nguồn gốc,sản xuấttheo VietGAP hay GlobalGAP.
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, mỗi năm thành phố sản xuất khoảng 100.000 tấn trái cây các loại nhưng vẫn chưa có mặt hàng nào khẳng định được thế mạnh. Một phần do diện tích không tập trung, số còn lại chủ yếu là vườn tạp, chính vì thế diện tích cây ăn trái của Cần Thơ khá lớn nhưng vẫn chưa có thương hiệu nổi trội.
Vì vậy, tới đây ngoài việc quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái ở huyện Phong Điền, thành phố còn mở rộng thêm ra các quận, huyện khác như Bình Thủy, Cờ Đỏ và Thốt Nốt, tạo thuận lợi để nâng cao giá trị cho mặt hàng trái cây. Khi đó những giống cây chủ lực và có tiềm năng kinh tế sẽ được triển khai trồng đại trà.
Mục đích cuối cùng là sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ ổn định và khẳng định được thế mạnh của từng loại trái cây. Ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển vườn cây ăn trái có quy mô lớn và gắn kết với các DN, đặc biệt là DN XK hàng hóa có chất lượng, có thương hiệu của Cần Thơ sang các thị trường quốc tế trong đó có thị trường Trung Quốc chiếm từ 30 - 40%.
Việc quy hoạch và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái sẽ mang lại những lợi ích to lớn đối với người nông dân, không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mà còn khẳng định được vị thế của từng loại trái cây.
Và khi đó, những mô hình hiện đại, ứng dụng nông nghiệp 4.0 đểlàmra sản phẩm hữu cơ theo yêu cầu của thị trường sẽ được hình thành rõ nét ở vùng chuyên canh cây ăn trái này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)