Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2020
Thảo luận tại Tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tình hình thế giới với nhiều diễn biến phức tạp, suy giảm kinh tế mực cao nhất kể từ sau khi khủng hoảng kinh tế 2008.
Các nước đánh giá cao tăng trưởng của Việt Nam
Theo đó, các nền kinh tế hàng đầu đều giảm mức tăng trưởng, thậm chí Singapore còn lo tăng trưởng âm.
“Do đó, khả năng đạt tăng trưởng 6,8% năm nay của Việt Nam là cả sự cố gắng lớn, dựa chủ yếu vào công nghiệp chế biến chế tạo và tiêu dùng trong nước tăng mạnh mức hai con số, bù đắp cho thiệt hại của nông nghiệp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Theo đó, Phó Thủ tướng làm rõ, xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng đầu năm đều tăng 8,4%. Tuy nhiên, trong 9 tháng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 2%, theo Phó Thủ tướng đây là lần đầu tiên có tình trạng này.
Cũng theo Phó Thủ tướng, thị trường trong CPTPP mà chúng ta rất trông đợi chỉ tăng 3,5% trong 9 tháng. Trong 11 thành viên của CPTPP chỉ có 2 thành viên chưa có Hiệp định song phương với Việt Nam.
“Do đó, năm 2019 chúng tôi đồng tình rằng chúng ta đã vượt khó, kinh tế vĩ mô ổn định, trong kiểm soát được mức lạm phát, các nước đánh giá rất cao”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Mục tiêu tăng trưởng 6,8% để tránh vỡ kế hoạch ngân sách 2020
Nói về kế hoạch phát triển kinh tế 2020, Phó Thủ tướng cho biết, nhiều ý kiến cho rằng để mục tiêu 7% nhưng tinh thần của Chính phủ là để 6,8% và cố gắng vượt.
Nhưng mục tiêu tăng trưởng còn ảnh hưởng tới mức tổng thu ngân sách, nếu tăng mục tiêu tăng trưởng, đồng nghĩa tăng tổng thu ngân sách có thể sẽ vỡ kế hoạch ngân sách. Do đó, để mức 6,8% là để cân đối vĩ mô mà đặc biệt trong đó là cân đối ngân sách.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2020, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%, tức tương đương mức cận cao của kế hoạch 2019 (6,6-6,8%). Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) tiếp tục được xác định dưới 4%.
“Với những dự tính khó khăn trong năm 2020, Chính phủ rất lo lắng với mục tiêu lạm phát dưới 4%, phải hội ý liên tục để xử lý những biến động”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc tới sân bay Long Thành, Phó Thủ tướng cho biết, vướng mắc nhiều nhất nằm ở giải phóng mặt bằng. Trách nhiệm giải phóng mặt bằng trong dự án này thuộc địa phương nhưng rà phá bom mìn lại thuộc bên khác, nhưng nếu thực hiện như vậy thì mất cả năm.
“Do đó, Chính phủ đã cho phép địa phương thí điểm rút ngắn quy trình, để địa phương vừa giải phóng mặt bằng vừa rà phá bom mìn”, Phó Thủ tướng cho biết.
Nhắc tới vấn đề cổ phần hóa DNNN, Phó thủ tướng cho biết khó khăn nhất nằm ở sắp xếp đất đai. Theo đó, nhiều doanh nghiệp rải rác đất đi tới 63 tình thành, do đó, một địa phương tắc lại là ách lại. “Đúng là chúng ta đang làm chậm nhưng tinh thần vẫn phải đảm bảo công khai minh bạch”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Về liên kết vùng, chúng ta không có thể chế vùng như các nước, ngân sách cũng phân bổ theo từng tỉnh. Do đó, tới đây sẽ xây dựng kết nối vùng mà trước hết là thông qua hạ tầng giao thông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới