Chứng khoán đỏ sàn, chuyên gia lý giải ra sao?
Trong tuần qua, đặc biệt phiên giao dịch chiều 25/9, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã chứng kiến một phiên đầy biến động, VN-Index lao dốc. Theo ông, đâulà những nguyên nhân?
TTCK Việt Nam nhuốm màu đỏ ngay khi mở cửa giao dịch, nhiều nhà đầu tư đã ồ ạt đặt lệnh bán để thoát hàng khiến hàng trăm mã cổ phiếu giảm sàn.
Tương tự như phiên cuối tuần qua, các mã cổ phiếu thuộc họ chứng khoán, bất động sản rớt mạnh, hầu hết cổ phiếu bluechip cũng không thoát khỏi tình trạng giảm điểm. Kết phiên chiều 25/9, chỉ số sàn HoSE lùi về mốc 1.153,2 điểm, giảm gần 40 điểm so với kết thúc phiên thứ Sáu tuần trước (ngày 22/9). HNX-Index cũng giảm sâu 11,6 điểm, còn UPCoM giảm hơn 2 điểm.
Phiên rớt điểm mạnh hôm nay là do tâm lý đua nhau bán tháo của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, giống như ngày 22/9. Dòng tiền “tháo chạy” khiến cổ phiếu nằm sàn la liệt. Điểm tích cực duy nhất là khối ngoại mua ròng trở lại.
Nguyên nhân chứng khoán rớt điểm mạnh là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn mở khả năng sẽ tăng lãi suất từ nay tới cuối năm. Kể từ tháng 3/2022, FED đã nâng lãi suất 11 lần, nhằm hạ nhiệt lạm phát vẫn đang gấp đôi mục tiêu. Hiện tại, lãi suất tham chiếu tại Mỹ vào khoảng 5,25 - 5,5%, cao nhất kể từ năm 2001.
Ngay sau khi thông tin FED giữ nguyên mức lãi suất được phát đi nhưng Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng phát tín hiệu sẽ còn một đợt tăng lãi suất nữa trước khi kết thúc năm 2023, chứng khoán Mỹ đã lập tức bị bán tháo, từ đó ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư và thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, đó là chỉ là tác động tức thời. Nguyên nhân sâu xa, chứng khoán Việt phát triển chưa bền vững do kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
TTCK Việt Nam cũng đang chịu áp lực bán tháo trong những phiên gần đây cònlà do diễn biến kém tích cực của TTCK toàn cầu cũng như những áp lực trong nước liên quan tới vấn đề tỷ giá. Để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành tín phiếu để hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại hối. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư lại có quan điểm tiêu cực và quan ngại rằng đây là động thái thắt chặt của NHNN. Việc hút thanh khoản đồng nghĩa với thu hẹp lương tiền trong lưu thông nhưng điều đó không có nghĩa là NHNN đang áp dụng chính sách tiền tệ (CSTT) thắt chặt. Ngược lại NHNN đang thực hiện nới lỏng CSTT để hổ trợ nền kinh tế đang trì trệ.
Trong vòng 3 tuần qua, đã có lúc dòng tiền chảy mạnh vào loạt cổ phiếu trụ giúp VN-Index tăng vọt, vượt ngưỡng tâm lý 1.200 điểm do động thái giảm lãi suất liên tục của NHNN. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cũng không thể khơi dậy được cả một nền kinh tế.
Thời gian tới, NHNN quyết định giảm lãi suất hay không còn tuỳ thuộc vào động thái chính sách của FED. Nếu FED tăng lãi suất sẽ làm NHNN chần chừ trong việc tiếp tục giảm lãi suất vì việc giảm lãi suất có thể làm tăng tỷ giá, gây bất ổn trên thị trường ngoại hối và thúc đẩy các nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi TTCK Việt Nam.
Trong 8 tháng năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế Việt Nam đã có khởi sắc nhưng trong bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; hậu quả của dịch COVID-19 còn kéo dài; cạnh tranh chiến lược gia tăng; xung đột tại Ukraine còn phức tạp khiến kinh tế Việt Nam phải chịu "tác động kép". Điều này sẽ khiến chứng khoán Việt sẽ lên xuống bất thường.
Trái với áp lực bán tháo của nhà đầu tư trong nước trên toàn thị trường, khối ngoại đã giải ngân mạnh mẽ và mua ròng hơn 700 tỷ đồng với tâm điểm mua vào các cổ phiếu bluechip. Theo ông, vì sao lai có sự trái ngược như vậy?
Trên sàn giao dịch HoSE chiều 25/9, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 58,16 triệu đơn vị, tổng giá trị 1.966,96 tỷ đồng, tăng 11,45% về khối lượng và 14,75% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (ngày 22/9). Ngược lại, khối này bán ra 41,9 triệu đơn vị, giá trị 1.266,71 tỷ đồng, giảm 36,22% về khối lượng và 33,74% về giá trị so với phiên trước.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng 16,25 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 700,25 tỷ đồng; trong khi phiên trước đó bán ròng 13,52 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 197,68 tỷ đồng.
Như vậy, trái ngược với sự bi quan của khối nội, nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ mua ròng mạnh trên sàn HoSE trong phiên ngày 25/9, sau chuỗi 5 phiên bán ròng trước đó. Nhà dầu tư nước ngoài luôn đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Có thời điểm, họ bán liên tục chứng khoán để các nhà đầu tư trong nước theo họ. Tới điểm giá chứng khoán thấp, họ lại mua vào. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư nước ngoài mua vào nhiều cũng chưa phải là dấu hiệu chứng khoán Việt Nam phục hồi.
Điều nữa, thành phần tham gia chính của TTCK cũng như trái phiếu đa phần là nhà đầu tư cá nhân. Đặc điểm của nhà đầu tư cá nhân là hay đi theo số đông. Đây chính là nguyên nhân tạo ra sự bất ổn cho TTCK khi có quá nhiều nhà đầu tư cá nhân thay vì nhà đầu tư tổ chức dẫn dắt thị trường.
TTCK Việt Nam thường bị dẫn dắt bởi khối ngoại rất nhiều. Nhà đầu tư nước ngoài bán ra thì nhà đầu tư cá nhân cũng "chạy ra" khỏi thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua vào thì nhà đầu tư cá nhân lại "chạy vào". Những yếu tố đó tạo ra sự bất ổn của thị trường. Điều cuối cùng, thị trường chứng khoán có ổn định, bền vững hay không phải phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế.
Ông dự báo ra sao về TTCK Việt Nam trong những tháng cuối năm nay?
Nhiều người kỳ vọng GDP Việt Nam quý 3/2023 tăng tốt hơn quý 2/2023, tạo đà cho tăng trưởng quý 4/2023, từ đó có thêm sự hứng khởi cho thị trường chứng khoán và bất động sản Việt Nam. Dự báo GDP quý 3/2023 sẽ đạt từ 4 - 5%.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2023, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư nên được xem xét nhiều nhất. Các đợt điều chỉnh vừa qua cho thấy mức giá của các cổ phiếu đã về mức hấp dẫn, đặc biệt phù hợp để đầu tư dài hạn. GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 dù tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 song vẫn ở mức khá, lạm phát được kiểm soát. Tất cả những yếu tố đó đều hứa hẹn về một tương lai sáng trong quý 4/2023 so với thời gian trước đó
Xin trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo