Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Không thể chủ quan với ‘bóng ma’ lạm phát
Vì sao giá nhiều mặt hàng tăng CPI tháng 4 lại giảm? / CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,29%, thấp nhất trong 5 năm qua
Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 1,94% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy áp lực lạm phát cả năm rất lớn.
Ngay trong những tháng đầu năm, giá cả hàng hóa tại nhiều nước trên thế giới tăng cao, giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng đã tác động tới giá cả hàng hóa trong nước. Trong đó, nguyên nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao.
Đặc biệt, giá xăng, dầu hiện nay ở mức cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, tác động tới các ngành vận tải, làm tăng chi phí lưu thông, đẩy chi phí sản xuất doanh nghiệp lên cao, nên chắc chắn sẽ gây áp lực lớn với lạm phát thời gian tới.
Hiện giá thực phẩm, rau xanh, hàng hóa tiêu dùng… đang có xu hướng gia tăng và đặc biệt là giá xăng dầu gần đây liên tiếp “phi mã” cho thấy, nguy cơ lạm phát trong quý I/2022 ở mức khá cao.
Nhận định về áp lực lạm phát năm 2022, TS Nguyễn Bích Lâm- Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu (tỉ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%), cùng với đó là chi phí xăng dầu gần đây liên tiếp được điều chỉnh tăng khi giá xăng dầu thế giới đang trên đà tăng mạnh. Ngoài ra, các gói hỗ trợ cũng tạo ra sức ép rất lớn lên lạm phát trong năm 2022.
Trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, dịch COVID-19 tuy mức độ có đỡ nguy hiểm hơn, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lưu ý: Các nước đang lần lượt mở cửa trở lại về du lịch, dịch vụ và phát triển sản xuất, từ đó dẫn tới giá năng lượng, nguyên nhiên vật, liệu... sẽ tăng lên, điều đó gây bất lợi cho chúng ta.
Các chi phí về vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn chịu ảnh hưởng của việc các chuỗi cung ứng đứt gãy chưa được nối lại hoàn toàn làm cho chi phí sản xuất kinh doanh dịch vụ vẫn ở mức cao ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ở thị trường nội địa.
Điều đó cũng tạo thêm những áp lực lạm phát ngay từ những quý đầu năm 2022. Chỉ riêng giá xăng dầu trong nước chiếm 2-3,5% tổng chi phí sản xuất, nên khi xăng dầu tăng giá thì tất cả các ngành sản xuất đều bị ảnh hưởng.
“Khoảng 1,52% tiêu dùng người dân là chi tiêu cho xăng dầu, đây là chi phí bắt buộc người dân phải chi trả hằng ngày. Chính vì vậy, không thể chủ quan với “bóng ma” lạm phát nếu giá hàng hóa, nguyên liệu trong các quý tiếp theo tiếp tục tăng cao. Từ nay đến cuối năm, lạm phát tiếp tục khó dự báo”, ông Phú cảnh báo.
Tuy nhiên, nhìn theo hướng khả quan hơn, TS Nguyễn Đức Độ- Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhận định: Lạm phát “không thành vấn đề” trong quý I cũng như cả năm 2022. CPI trung bình cả năm 2022 chỉ tăng trung bình khoảng 2%.
Lý giải cho nhận định này, ông Độ cho rằng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2022 còn giảm so với cùng kỳ sau khi loại trừ yếu tố giá nên CPI khó tăng mạnh. CPI tháng 2/2022 chịu ảnh hưởng của mấy đợt tăng giá xăng dầu nên sẽ hơi cao một chút. Mặc dù giá rau xanh vừa qua tăng, nhưng nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại, những tháng sau sẽ bình thường trở lại.
Bàn về giải pháp kiềm chế lạm phát trong năm 2022, bà Nguyễn Thu Oanh- Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, với kinh nghiệm điều hành lạm phát thành công trong nhiều năm qua của Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam sẽ kiểm soát được CPI năm 2022 khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Để góp phần kiềm chế lạm phát trong năm 2022 cũng như thời gian tới, bà Oanh khuyến nghị cần thực hiện một số giải pháp “xương sống” như: Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát trong nước.
Đặc biệt, cần dự báo các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có chính sách ứng phó phù hợp. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, dần thay thế nguồn nhập khẩu.
Các bộ liên quan cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để kiểm soát tăng giá của mặt hàng, tránh tác động tiêu cực đối với CPI.
“Các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh năng lực sản xuất đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng và ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát”, bà Oanh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025