CPI Quý I/2021 thấp nhất trong 20 năm: Không có nghĩa là cơ hội để tăng giá
DNVN - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân Quý I/2021 tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất của quý I trong 20 năm qua. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng này không có nghĩa là cơ hội để tăng giá. Việc tăng giá cần xem xét hợp lý, vì cuộc sống của người dân và vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Giá xăng chưa chấm dứt chuỗi tăng dài hơi, giá dầu đột ngột giảm / Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình và xây dựng chợ văn minh
CPI là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của báo chí tại cuộc Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội Quý I/2021 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 29/3/2021.
Trả lời câu hỏi của phóng viên "Thời gian tới yếu tố nào tạo nên áp lực lên lạm phát năm 2021? Và Việt Nam có khả năng đạt được mức lạm phát khoảng 4% do Quốc hội đề ra hay không?", bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết: "Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng CPI quý I/2021 đạt mức tăng thấp chỉ tăng 0,29% - mức tăng thấp nhất trong vòng 20 năm qua kể từ 2002, tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi từ nay đến cuối năm áp lực lạm phát không hề nhỏ đối với Việt Nam, nhất là trên mức nền thấp của năm 2020 do giá xăng của năm ngoái đã tạo đáy do chịu ảnh hưởng bởi Covid-19".
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, 1 trong những yếu tố chính tạo nên áp lực của lạm phát năm 2021 từ nay đến cuối năm là khả năng kinh tế toàn cầu phục hồi và khi phục hồi ngay khi các nước trên thế giới đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine phòng, chống Covid-19. Bởi vì khi kinh tế phục hồi thì nhu cầu hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng lên, đẩy mặt bằng giá tăng lên, từ đó tạo áp lực cho lạm phát năm 2021.
Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang thích ứng với điều kiện bình thường mới, do đó các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ đang sôi động trở lại, từ đó nhu cầu về vốn, nguyên vật liệu sẽ tăng lên. Và bản thân nhu cầu tiêu dùng của người dân Việt Nam cũng đã tăng lên so với năm ngoái khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Kết quả của sự phục hồi kinh tế thể hiện rõ qua kết quả tăng trưởng GDP quý I đạt mức 4,48%, hay qua chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh, thể hiện cầu trong dân cải thiện rất rõ ràng.
Yếu tố thứ hai tạo áp lực lên lạm phát, theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, là giá dầu thế giới tăng. Giá dầu Brent bình quân trong quý I năm nay ở mức hơn 60 USD/thùng, tức là tăng đến 20% so với tháng 12 năm 2020 cũng như so với quý I năm 2020. Và trên thực tế, nhu cầu sử dụng dầu tỉ lệ thuận với mức phục hồi của nền kinh tế. Ở Việt Nam, từ đầu năm nay, đã 5 lần điều chỉnh giá xăng dầu và làm cho giá xăng A95 tăng 2.570 đồng/lít so với tháng 12/2020; giá xăng E5 tăng 2.340 đồng/lít và giá dầu diesel tăng 1.870 đồng/lít.
Giá dầu thế giới tăng là 1 trong những yếu tố tạo áp lực lên lạm phát.
"Như vậy bình quân quý I giá xăng dầu trong nước tăng gần 11% so với tháng 12/2020. Và hiện nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng lớn xăng, dầu để phục vụ nhu cầu trong nước. Do đó, khi xăng, dầu thế giới tăng sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước, kéo theo sự biến động về giá của các mặt hàng", bà Oanh phân tích.
Theo dự báo của các tổ chức thế giới, giá dầu Brent bình quân năm 2021 này sẽ rơi vào khoảng 60 USD/thùng, tăng khoảng 40% so với năm 2020. Dựa trên dự báo của quốc tế, bà Oanh tính toán số liệu xăng dầu trong nước sẽ tăng 25% so với năm 2020 và sẽ tác động khiến CPI của năm nay sẽ tăng 0,9 điểm phần trăm.
Ngoài hai yếu tố chính tạo áp lực lên lạm phát trên, theo bà Oanh, trong thời gian qua, nhiều chính phủ cũng như các ngân hàng trung ương đã bơm ra hàng tỷ đô la để phòng chống dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ nền kinh tế phát triển, đồng thời áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ. Đây cũng là áp lực đối với lạm phát Việt Nam trong năm nay.
Cụ thể, từ giữa tháng 3, Mỹ bắt đầu triển khai gói cứu trợ giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 lên tới 1.900 tỷ USD. Đây là một trong những đợt bơm tiền kích thích tăng trưởng nền kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sau khi kết thúc cuộc họp về chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày vào ngày 16 và 17/3 vừa qua, FED đã giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 0 - 0,25%; đồng thời tiếp tục mua trái phiếu để kích thích tăng trưởng kinh tế Mỹ.
"Việc các nước cũng như Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để phục hồi nền kinh tế sẽ gây áp lực không nhỏ cho kiểm soát lạm phát năm 2021. Ngoài ra, việc điều hành giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý vẫn còn tiếp tục được thực hiện theo lộ trình cũng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Đây là những yếu tố tạo áp lực lên lạm phát năm 2021", bà Oanh cho biết.
Tuy nhiên, theo quan sát của bà Oanh, với kinh nghiệm của Chính phủ Việt Nam về điều hành giá trong thời gian qua, cùng sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành giá thì bà tin tưởng mục tiêu CPI ở mức 4% do Quốc hội đề ra hoàn toàn thực hiện được.
Không phải là cơ hội để tăng giá
Bà Nguyễn Thu Oanh cho biết, việc giữ mức lạm phát 4% qua phân tích của Tổng cục Thống kê rõ ràng còn rất nhiều rủi ro, và đặc biệt khi giá nhiên liệu thế giới biến động sẽ làm cho giá xăng dầu trong nước tăng, ảnh hưởng đến chỉ số giá CPI. Bên cạnh đó, CPI của tháng 12/2021 so với tháng 12/2020 sẽ ở mức rất cao khi CPI bình quân năm của Việt Nam tiến tới mức 4%.
Để giữ được CPI của hai kỳ này ở mức hài hòa nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát một cách bền vững và có thể điều chỉnh giá một số dịch vụ do Nhà nước quản lý, bà Oanh đề xuất một số giải pháp để đảm bảo mục tiêu 4% cũng như hài hòa các mức lạm phát trong năm 2021.
Thứ nhất, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần phải đúng thời điểm và liều lượng, có nghĩa là nên tận dụng những tháng trong năm 2021 có chỉ số CPI tăng thấp để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Như vậy, sẽ hạn chế được lạm phát kỳ vọng; và đồng thời không tăng giá vào những tháng trong năm 2020 mà CPI đã ở mức thấp để giữ được ở mức so với cùng kỳ năm ngoái ở mức thấp. Đặc biệt, trong tháng 4/2021 không nên tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý bởi tháng 4/2020 giá đã giảm rất sâu - giảm 1,54%. Nên nếu tháng 4 năm nay tăng cao thì chỉ số so với cùng kỳ năm ngoái sẽ tăng cao. Do đó, bà Oanh khuyến nghị trong tháng 4 tới không điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Theo bà Oanh, việc điều chỉnh giá các mặt hàng này cũng không nên dồn vào những tháng cuối năm bởi vì cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Nếu chúng ta tăng vào những tháng cuối năm sẽ làm cho mức CPI liên tục so với cùng kỳ tăng cao, từ đó tạo ra mức lạm phát kỳ vọng rất lớn, và tạo áp lực điều hành lạm phát của năm sau.
Giải pháp đối với dịch vụ y tế, bà Oanh kiến nghị nên điều chỉnh chi phí trong quản lý khám, chữa bệnh vào tháng 7 hoặc tháng 8 như thông lệ hàng năm. Còn đối với mặt hàng xăng, dầu, bà Oanh đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nên chỉ đạo sát sao đối với việc thay đổi diễn biến của giá xăng, dầu thế giới; đồng thời kết hợp với Quỹ Bình ổn giá để làm sao mặt hàng xăng, dầu không tác động làm tăng quá cao đối với CPI.
Một giải pháp nữa được bà Oanh đề cập là Ngân hàng Nhà nước nên sử dụng một cách đồng bộ và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ trong việc hỗ trợ DN vượt qua dịch Covid-10, không tạo áp lực cho lạm phát năm 2021.
Với những chia sẻ của bà Oanh, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu, mặc dù CPI quý I mặc dù thấp nhất trong 20 năm qua nhưng không có nghĩa chúng ta tự tin kiểm soát được chỉ tiêu này theo chỉ tiêu của Quốc hội.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, một trong những lý do đó là rất lo lắng nếu tình hình dịch bệnh của Việt Nam và thế giới được kiểm soát tốt thì các gói kích cầu của Mỹ hơn 1.900 tỷ USD cũng như chính sách nới lỏng tiền tệ của các nước xung quanh nhằm kích thích tăng trưởng và phục hồi kinh tế sẽ gây áp lực rất lớn đối với không chỉ giá xăng. Giá xăng thời gian qua đã tăng rất mạnh và gây áp lực cho CPI những tháng đầu năm. Tuy nhiên, sau đó, giá xăng đã chững lại do dịch bệnh Covid-19 ở châu Âu đang phức tạp và chưa kiểm soát tốt.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, chúng ta cũng có áp lực trong việc xem xét tăng giá một số dịch dịch vụ do Nhà nước quản lý.
"CPI quý I thấp không có nghĩa đây là cơ hội để chúng ta tăng giá, mà chúng ta cần xem xét hợp lý, trước hết vì cuộc sống của người dân và vì sự phát triển của doanh nghiệp cần. Theo đó, cần cân đối và xem xét việc tăng giá hài hòa như thế nào với mục tiêu cao nhất là ổn định đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội trong nước, đặc biệt với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp", người đứng đầu Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo