Thị trường

Đăk Lăk: Hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ ý tưởng nuôi tằm

Từ khi HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Khang (xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar, tỉnh Đăk Lăk) ra đời, một số nông dân trong vùng cũng mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm và liên kết bán kén cho HTX, dần hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ chặt chẽ trong nghề trồng dâu nuôi tằm ở Ea Kiết.

Quê hương của anh Dương ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vốn nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm. Sau một thời gian công tác tại xã Ea Kiết, anh nhận thấy trong vùng có nhiều diện tích đất chưa được người dân khai thác hiệu quả. Trong khi đó, khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây rất thuận lợi để trồng dâu, nuôi tằm, có thể sản xuất quanh năm. Anh đề xuất ý tưởng với nhóm bạn của mình và được mọi người ủng hộ nhiệt tình.

Thị trường đầy triển vọng

Nhóm của anh đã tự tổ chức những chuyến đi đến các làng nghề, vùng trồng dâu nuôi tằm ở Hải Dương, Thái Bình và Lâm Đồng để học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu thị trường của các sản phẩm từ con tằm. Sau đó, anh vận động mọi người góp vốn cùng tham gia sản xuất. Tháng 4/2018, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Khang ra đời, bắt đầu triển khai việc đất trồng dâu, xây dựng nhà sản xuất để nuôi tằm.

Theo anh Dương, tằm kén vàng là giống truyền thống ở nước ta, nguồn trứng giống được sản xuất trong nước. So với con tằm kén trắng vốn phụ thuộc vào việc cung cấp giống từ Trung Quốc, tằm kén vàng có chất lượng giống ổn định hơn, dễ chăm sóc và sinh trưởng khỏe mạnh hơn. Trong khi đó, con tằm kén vàng vừa có thể nuôi lấy kén, vừa có thể nuôi lấy thịt làm thực phẩm.

Các món ăn từ tằm tươi rất bổ dưỡng, thơm ngon. Tằm lại là loại thực phẩm sạch, bởi lá dâu dùng để nuôi tằm phải tuyệt đối không được tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân hóa học. Tại các tỉnh miền Trung và Nam bộ chưa có nhiều người biết sử dụng loại thực phẩm này, nên đây thực sự là một thị trường đầy triển vọng.

Để làm thực phẩm, con tằm chín vàng được nhặt riêng vào nong. Tằm sẽ tự nhả vài vòng tơ đầu, hệ bài tiết sạch hoàn toàn, bụng chứa đầy tơ. Giai đoạn này, con tằm đạt độ dai vừa, ngọt và giàu dinh dưỡng nhất.

HTX đã đem lại cho mỗi hộ thành viên thu nhập 150 - 200 triệu đồng/năm

Mở rộng liên kết

Sau khi rửa sạch, tằm tươi được hấp chín hoặc luộc nhanh qua nước muối loãng, nhặt sạch tơ còn sót lại rồi đóng gói và cấp đông để dễ bảo quản và vận chuyển. Với sản phẩm tằm cấp đông, HTX đang tích cực giới thiệu và bán cho các nhà hàng, quán ăn, tiệm tạp hóa và qua mạng xã hội.

Nghề nuôi tằm kén vàng truyền thống từ các tỉnh phía Bắc đang được HTX phát triển theo hướng đi mới, với nhiều loại sản phẩm đa dạng. Ban đầu, nhiều người tiêu dùng còn e ngại khi nhìn thấy con tằm. Tuy nhiên, sau khi thử ăn loại thực phẩm mới lạ này, họ đều phản hồi tích cực, thường xuyên đặt mua để làm phong phú thực đơn phục vụ khách và bữa cơm hằng ngày. Vì vậy, ngoài xuất bán kén tằm, HTX còn sản xuất các loại thực phẩm và thuốc đông y từ con tằm, như: Tằm đông lạnh, bột tằm, rượu tằm, bạch cương tàm...

Ban đầu, HTX chỉ có 5 thành viên, nhưng đến nay đã tăng lên 11 thành viên. Các hộ thành viên đều mạnh dạn đầu tư chăn nuôi tằm thực phẩm theo hướng hàng hóa. HTX đứng ra làm đầu mối thu mua và cung cấp con giống cho các thành viên. Tằm của HTX sản xuất ra đến đâu đều được cung cấp hết cho các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh.

Mô hình chăn nuôi sạch, khép kín của HTX đã đem lại cho mỗi hộ thành viên thu nhập 150 - 200 triệu đồng/năm. So với trồng lúa, ngô, việc nuôi tằm làm thực phẩm của HTX có thể là nghề “một vốn bốn lời” khi có thể giúp mọi người có được nguồn thu đáng kể trong thời gian ngắn ngày.

Thời gian tới, HTX sẽ đầu tư máy sấy làm bột tằm khô và sản xuất thêm một số sản phẩm khác. Đồng thời, HTX còn liên kết với các đơn vị thu mua để tạo đầu ra cho sản phẩm, tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau và phát triển thị trường tiêu thụ ra nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Việc mở rộng liên kết trong sản xuất của HTX đã và đang được các cấp chính quyền ở huyện Cư M’gar quan tâm thực hiện nhằm góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho người sản xuất. Huyện Cư M’gar còn triển khai đồng bộ các giải pháp trong sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ cho HTX, từng bước hình thành quy trình sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Theo Hoàng Lê/Thời báo Kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo