Để xuất khẩu hồ tiêu bền vững
Xuất khẩu hồ tiêu gặp khó
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, năm 2019 được đánh giá là năm rất khó khăn với ngành hồ tiêu Việt Nam khi giá bán giảm, tăng trưởng chậm so với cùng kỳ.
Việt Nam hiện có khoảng 100.000 ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 tấn. Tuy nhiên trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng, ít nhất 10% so với năm 2017. Đây cũng là lý do trong 8 tháng đầu năm 2019, Việt Nam dù đã xuất khẩu tiêu đạt 224.000 nghìn tấn, tăng 27,9% so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch lại giảm nhẹ 2,1% và chỉ đạt 571 triệu USD, do giá xuất khẩu giảm 23,4%.
Về xuất khẩu hồ tiêu, trong giai đoạn 2012 - 2017, xuất khẩu hồ tiêu đã đạt kết quả quan trọng với lượng xuất khẩu tăng 20%/năm, là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm hàng nông lâm thủy sản. Thị phần xuất khẩu mặt hàng hồ tiêu Việt Nam đã tăng từ 47% lên đến 60% thị trường thế giới.
Tuy nhiên, năm 2018, giá tiêu giảm đã ảnh hưởng đến ngành hồ tiêu Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu đang và sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới. Nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2 - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8 - 10%. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2018 đạt 557.000 tấn và dự kiến đạt 602.000 tấn năm 2019. Dự báo đến 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong một thời gian nữa.
Sản phẩm hồ tiêu chế biến chủ yếu bao gồm: tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột; ngoài ra còn có các sản phẩm có số lượng ít như: tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đỏ ngâm nước muối... Trong đó, tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao thì chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng.
Cơ hội cạnh tranh từ đâu?
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ rõ, điểm mạnh của hồ tiêu Việt Nam là đã được Chính phủ hoạch định là một trong 10 ngành nông sản có lợi thế XK của Việt Nam. Trong khâu chế biến, hiện cũng đã có 20 doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến riêng để xử lý hạt tiêu theo tiêu chuẩn công nghệ cao với công suất khoảng 60 – 70 nghìn tấn/năm. Phần lớn các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) và nhiều tiêu chuẩn quốc tế quy định đối với nhà máy chế biến thực phẩm.
Trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục đối diện nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn thì các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết gần đây như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được đánh giá là cơ hội mở rộng xuất khẩu cho ngành hồ tiêu. Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, đối với mặt hàng hồ tiêu, Hiệp định CPTPP có 9 nước cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan gồm: Úc, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản. Riêng thị trường Mexico cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình 16 năm đối với mặt hàng hồ tiêu xanh. Đáng chú ý, trong các nước CPTPP, chỉ có Malaysia là nước có sản xuất hồ tiêu đáng kể, tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu không nhiều, chỉ chiếm khoảng 3% lượng xuất khẩu toàn cầu.
Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Do vậy, EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%).
Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, đối với hồ tiêu, công tác đàm phán mở cửa thị trường về thuế quan, về quy tắc xuất xứ đã được thực hiện tốt.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang thường xuyên phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương tổ chức rất nhiều các buổi tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền và phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu về chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, xuất khẩu, cách thức nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả các FTA thế hệ mới như CPTPP, RCEP… góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu bền vững nông sản nói chung và hồ tiêu nói riêng của Việt Nam. Các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực trực thuộc Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết nhằm tận dụng tốt cơ hội thị trường thông qua ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã và đang tích cực thực hiện công tác quảng bá hồ tiêu ở thị trường nước ngoài đồng thời hỗ trợ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại của mình, trong đó đặc biệt chú trọng đến khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU. Đồng thời, theo dõi sát sao, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ xuất khẩu hạt tiêu, những biến động của thị trường thế giới, nghiên cứu dự báo tình hình thị trường xuất khẩu, nhập khẩu để kịp thời thông báo, phổ biến, hướng dẫn các Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm định hướng, tổ chức kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các rào cản kỹ thuật, biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước đối với hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam, kịp thời thông tin cho các Bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp.
Để phát triển xuất khẩu hồ tiêu bền vững trong bối cảnh hiện nay, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục tái cơ cấu ngành hồ tiêu đảm bảo đáp ứng đúng tín hiệu của thị trường. Theo đó, cần kiểm tra, giám sát công tác sản xuất hồ tiêu nguyên liệu, duy trì diện tích trồng hồ tiêu khoảng 100.000 - 120.000 ha, diện tích cho sản phẩm 95.000 ha, năng suất bình quân trong khoảng 25 - 27 tạ/ha, sản lượng ổn định trong khoảng 237.000 - 256.000 tấn từ nay cho đến năm 2030, để nâng cao chất lượng nguyên liệu hạt tiêu; trên cơ sở đó, tái cơ cấu ngành hồ tiêu theo hướng thâm canh bền vững, giảm hóa chất (thuốc bảo vệ thực vật), áp dụng IPM trong sản xuất và hướng tới các tiêu chuẩn chứng nhận về nông nghiệp sạch như VietGAP, GlobalGAP; nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đặc thù đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói chung và hồ tiêu nói riêng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho lĩnh vực nông nghiệp (trong đó có ngành hồ tiêu), có chính sách ưu đãi về lãi suất đối với các khoản vay này.
Ngoài ra, UBND các tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu cần triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về duy trì, giám sát, kiểm tra diện tích trồng hồ tiêu đúng theo quy hoạch; khuyến khích các mô hình liên kết chuỗi từ khâu trồng, chế biến và tiêu thụ hồ tiêu...
Về phía các DN, ông Trần Quốc Toản chia sẻ, để tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, cần xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp chế biến, XK với người trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững; thí điểm mô hình liên kết có cấp chứng nhận, mã số vùng trồng tại một số địa phương trồng hồ tiêu lớn, đáp ứng nhu cầu một số thị trường yêu cầu cao về chất lượng và có thể kiểm soát qua thông tin chỉ dẫn xuất xứ. Đồng thời khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng XK đạt tỷ trọng 20% vào năm 2020 và 50% vào năm 2030… Doanh nghiệp cũng cần phải chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định để nắm vững cam kết giữa Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đại biểu Quốc hội đề xuất áp thuế suất ưu đãi cho cơ quan báo chí
Thủ tướng yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Giá nông sản ngày 28/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá vàng thế giới ngày 28/11: Phục hồi sau chuỗi ngày giảm sâu
Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC GAB bị xử phạt
Giá ngoại tệ ngày 28/11/2024: USD chững lại tại một số ngân hàng thương mại lớn