Đến lúc chín muồi để 'nâng cấp' Phú Quốc lên thành phố?
Bên cạnh nỗ lực giải quyết của chính quyền địa phương, cần thiết phải có những điều chỉnh kịp thời về mặt cơ chế, chính sách để "rộng cửa" cho đảo Ngọc bứt phá.
Khắc phục những tồn tại
Những vi phạm pháp luật về đất đai gia tăng, biến động lớn về giá đất thời điểm năm 2018… đó là những mặt trái trong quá trình phát triển bứt tốc của Phú Quốc mấy năm gần đây.
Bên cạnh các giải pháp kiểm soát, ổn định lại thị trường BĐS, cuối tháng 9/2018, huyện Phú Quốc đã thành lập Tổ Kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn đảo, phối hợp với các đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng và khoáng sản.
Thông tin từ huyện đảo Phú Quốc cho hay, từ đầu năm đến nay, địa phương đã kiểm tra, xử lý gần 300 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai và 112 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Ông Huỳnh Quang Hưng cho biết, đến nay, bước đầu tình hình chiếm đất, xây dựng trái phép trên địa bàn đảo cơ bản đã được ngăn chặn. Các vi phạm về đất đai, xây dựng đã được kiểm tra, xử lý kịp thời, lập lại trật tự kỷ cương.
Đầu tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã yêu cầu huyện Phú Quốc khắc phục sớm một số tồn tại như: xây dựng không phép, sai phép; tranh chấp, khiếu kiện còn diễn biến phức tạp; tình hình an ninh - trật tự, vệ sinh môi trường còn hạn chế; công tác bồi thường - tái định cư cho người dân còn vướng mắc….
Ông Phạm Vũ Hồng đề nghị lãnh đạo huyện Phú Quốc thời gian tới tập trung xử lý dứt điểm các dự án còn tồn đọng, trong đó quan trọng nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng và tái định cư phải được kiên quyết xử lý để giao đất cho nhà đầu tư.
Nỗ lực vươn dậy
Nhìn đi cũng phải nhìn lại. Dù còn một số tồn tại, song không thể phủ nhận, thời gian qua, Phú Quốc đã rất nỗ lực đưa kinh tế, xã hội, du lịch đảo Ngọc phát triển vượt bậc. Vị thế của đảo Ngọc ngày càng được nâng cao trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Báo cáo của huyện Phú Quốc cho thấy, 9 tháng năm 2019, đảo Ngọc đón khoảng 4 triệu khách du lịch. Lĩnh vực kinh tế tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, tổng giá trị sản xuất trên 22 nghìn tỷ đồng, tăng 23,16% so cùng kỳ. Thu ngân sách 9 tháng 3.375 tỷ, tăng 13,98% so với cùng kỳ.
Công tác thu hút đầu tư là một điểm nhấn của Phú Quốc. Theo Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc, huyện đảo Phú Quốc có 299 dự án đầu tư trong các khu quy hoạch với tổng diện tích 10.578 ha. Trong đó, 258 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, với tổng diện tích 8.893 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 270.304 tỷ đồng, còn 41 dự án đang hoàn thiện thủ tục.
Diện mạo KT-XH của Phú Quốc đã hoàn toàn lột xác. Nhiều công trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng như trục giao thông Nam - Bắc và hệ thống đường vòng quanh đảo; cáp ngầm 110 kVxuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc; Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; Cảng biển quốc tế An Thới; Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc; khu dân cư, đô thị… tạo bộ mặt hiện đại cho đảo Ngọc. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch với những công trình đẳng cấp như Vinpearl Land, Casino Phú Quốc, cáp treo An Thới - Hòn Thơm, khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế 5 sao ++ JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay và nhiều dự án, công trình khác đang tạo nên một thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí mới đầy hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Giấc mơ "thành phố biển đảo"
Phú Quốc đã và đang dốc sức tháo gỡ mọi rào cản để trỗi dậy, với mục tiêu trở thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực, có thể sánh ngang với Phuket, Bali… Trên hành trình đó, rất cần sự cởi mở, thông thoáng về cơ chế, chính sách, những điều kiện mà Trung ương cho phép để đảo Ngọc có thể "hóa Rồng".
Với những yêu cầu cấp thiết trong thực tế, thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã chủ động đề xuất Chính phủ cho phép thành lập thành phố Phú Quốc. Theo ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, với bộ máy tổ chức chính quyền cấp huyện nông thôn như hiện nay, Phú Quốc đang "mặc một chiếc áo quá chật". Bộ máy chính quyền đã thực sự không còn đảm đương nổi khối lượng công việc được giao. "Đơn cử tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp tới mức tỉnh phải yêu cầu công an tăng cường lực lượng từ đất liền ra. Rồi chưa có nhà máy xử lý rác, hệ thống cấp nước, đường giao thông khu vực trung tâm thị trấn Dương Đông thường xuyên ách tắc..." – ông Mai Anh Nhịn nói.
Theo các chuyên gia, những tồn tại của Phú Quốc vừa qua là mặt trái của quá trình phát triển. Những năm gần đây, Phú Quốc được định hướng trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đó là trọng trách lớn, "quá sức" nếu vẫn vận hành theo cơ chế của một chính quyền cấp huyện. Cũng chính vì cơ chế đi sau, nên những tồn tại phát sinh là dễ hiểu.
Thực tế, từ năm 2004, Phú Quốc đã được quy hoạch để trở thành một thành phố biển, đảo trực thuộc tỉnh Kiên Giang, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học của quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Sau 15 năm, trước yêu cầu phát triển mới, đã đến lúc "chín muồi" để sớm chốt chủ trương "nâng cấp" lên thành phố biển đảo cho Phú Quốc. Bởi, chậm trễ cũng đi đôi với chậm tiến, và rất có thể phải bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn.
Mới đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đảo Phú Quốc và lập mới quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Có thể thấy, với định hướng này, yêu cầu về một chính quyền cấp thành phố là hoàn toàn hợp lý cho Phú Quốc.
Theo CafeF/Trí thức trẻ
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông